Cổ phiếu bất động sản: bên bứt phá, bên lình xình

Cổ phiếu bất động sản: bên bứt phá, bên lình xình

(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp bất động sản niêm yết đang tìm thấy lối ra sau một năm gian khó cùng cực.

CTCP Đầu tư hạ tầng và đô thị Dầu khí (PTL) đã nhẹ gánh áp lực tài chính khi chuyển nhượng được tòa nhà văn phòng Công ty ở 16 Trương Định, Quận 3, TP. HCM, với giá trị gần 150 tỷ đồng. PTL chuyển toàn bộ văn phòng làm việc sang tòa nhà Trung tâm thương mại tài chính Dầu khí Phú Mỹ Hưng ở Quận 7 để bàn giao trụ sở cho bên mua. Như vậy, với gần 150 tỷ đồng nêu trên, cộng với khoản thu được từ khách hàng ở Dự án Chung cư Petroland tại Quận 2 mà PTL đã cuốn chiếu bàn giao nhà cho khách hàng, thì PTL hoàn toàn có khả năng tiếp tục đầu tư hoàn thiện Dự án Chung cư Mỹ Phú ở Quận 7. Dự án này đã xây xong phần thô, dự kiến phần vốn để hoàn thiện là hơn 100 tỷ đồng.

Được biết, dự án của PTL ở Quận 7 giống như dự án ở Quận 2, do gặp khó khăn nên phải thay nhà thầu mới. Công ty đang nỗ lực để tuần sau có thể khởi động lại dự án ở Quận 7. Song song với việc hoàn thiện dự án ở Quận 7 để bàn giao nhà cho khách hàng, PTL đang thực hiện các thủ tục để triển khai dự án tại khu đất hơn 6 héc-ta tại Quận 9, trong diện nhà ở xã hội, nhằm hưởng các chính sách ưu đãi cho dự án nhà ở xã hội mới được công bố. Đây là dự án sẽ tạo nguồn thu cho PTL trong năm 2014 và 2015. Kế hoạch năm 2013, Công ty sẽ có lãi nhờ hạch toán lợi nhuận từ dự án ở Quận 2 và Quận 7 sau khi bàn giao nhà cho khách hàng. Trước mắt, nguy cơ phá sản do thiếu vốn không còn đe dọa PTL.

Cổ phiếu bất động sản: bên bứt phá, bên lình xình ảnh 1

Cổ phiếu KBC, ITA... tăng giá mạnh, nhưng TDH, SC5, SJS, NTL dao động trong biên độ hẹp

Cũng thuộc dạng cổ phiếu siêu nhỏ, HQC của CTCP Tư vấn thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân đang giằng co trong khoảng giá 5.000 - 6000 đồng/cổ phiếu. Năm 2012, HQC đã giảm được khoản vay nợ ngắn hạn từ 184 tỷ đồng xuống còn 99 tỷ đồng cho đến cuối quý III. Về chiến lược, thay vì chỉ tập trung đầu tư, HQC bắt đầu phát huy thế mạnh của mình trước đây là môi giới và hoạt động mua lại một số dự án để triển khai đầu tư song song với môi giới bán hàng là hướng đi của HQC trong năm 2013.

Trong các cổ phiếu bất động sản thì KBC của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc đã có mức tăng giá hơn 100% trong vòng hơn 1 tháng, vượt lên trên mệnh giá (giá trị sổ sách của KBC là 12.000 đồng/cổ phiếu). Rất nhiều nhà đầu tư không hiểu lý do tăng giá của KBC, nhưng trong bản tin ngày đầu tuần của CTCK HSC đã “bật mí” lý do: vào thứ Sáu tuần trước, KBC ký hợp đồng chính thức cho LG thuê 50 héc-ta đất Khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng). Trên trang web của KBC chưa đăng tải thông tin về sự kiện này, nhưng theo ước tính của HSC, với giá cho thuê 55 USD/m2 thì giá trị cho thuê là 27,5 triệu USD, tương đương 577,5 tỷ đồng, dự kiến đóng góp 94% doanh thu năm 2013 của KBC. Nếu những dự báo này là chính xác, thì năm 2013 sẽ năm lội ngược dòng của KBC và giá cổ phiếu sẽ còn có những chuyển động hấp dẫn cho cả nhà đầu tư ngắn và dài hạn.

Song hành cùng với KBC là cổ phiếu ITA của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo, thời gian qua cũng tăng giá mạnh. Tuy nhiên, cổ phiếu này chưa có thông tin chính thức giải thích cho việc tăng giá.

Ngoài một số cổ phiếu của doanh nghiệp mà “sức khỏe” chuyển từ xấu sang tốt, thì nhiều cổ phiếu bất động sản khác tăng giá khá thận trọng, mặc dù sau khi có các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản được công bố, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có “sóng” cổ phiếu ngành này. Cụ thể, các cổ phiếu đình đám một thời như TDH, SC5, SJS, NTL… chủ yếu biến động giá trong biên độ hẹp. Có vẻ như những nhà đầu tư lớn đã tạm lãng quên các cổ phiếu này bởi tính bất ngờ, đột biến về lợi nhuận của doanh nghiệp không nhiều. Với mức giá hiện tại, các cổ phiếu này được các công ty chứng khoán đánh giá là ở mức hợp lý, nên không thu hút thêm được dòng tiền đầu tư.

Có những doanh nghiệp bất động sản gần như không có chuyển biến như VRC, PPI, do không có dự án hay chiến lược mới để phát triển, mà vẫn đang hoạt động cầm chừng.

Sau Tết Nguyên đán, các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản như lãi suất thấp, tín dụng linh hoạt hơn, ưu đãi thuế… sẽ có hiệu lực và “ngấm” vào các doanh nghiệp nhiều hơn, tiếp tục hưởng lợi từ các ưu đãi. Theo ghi nhận của ĐTCK, không ít doanh nghiệp bất động sản niêm yết đã khởi động hay chuẩn bị để năm 2013 khởi công các dự án nhằm hưởng các chính sách ưu đãi mà Nhà nước vừa ban hành. Doanh nghiệp nào nhanh chân sẽ có sản phẩm ra thị trường sớm và được hưởng lợi nhiều hơn.