Cổ phiếu bảo hiểm “nổi dậy”, VN-Index vẫn “không qua nổi” mốc 1.280

Cổ phiếu bảo hiểm “nổi dậy”, VN-Index vẫn “không qua nổi” mốc 1.280

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường có phiên giao dịch sôi động với khối lượng hơn 1,1 tỷ đơn vị và tổng giá trị vượt xa 1 triệu USD, tuy nhiên thiếu sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu trụ cột đã khiến VN-Index "lỗi hẹn" với mốc 1.280 điểm.

Trong phần lớn thời gian của phiên sáng, tâm lý hưng phấn trên toàn thị trường đã giúp VN-Index tăng vọt với sắc xanh nở rổ gần như toàn bộ các nhóm ngành trên sàn. Tuy nhiên, bất ngờ xảy ra trong 30 phút cuối phiên, khi các cổ phiếu đồng loạt hạ nhiệt, thậm chí nhiều mã lớn bé đảo chiều giảm, đã khiến thị trường hạ độ cao và một lần nữa “chào thua” mốc 1.280 điểm.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn khá nỗ lực với những pha giằng co quanh vùng giá 1.280 điểm. Tuy nhiên, trong bối cảnh các trụ đỡ suy yếu - nhóm VN30 chỉ nhích nhẹ, các nhóm lớn ngân hàng và chứng khoán cũng không mấy khả quan hơn, đã khiến VN-Index chưa đủ khả năng để phá vỡ ngưỡng kháng cự mạnh này.

Chỉ số VN-Index khép lại phiên giao dịch đầu tuần duy trì mức tăng nhẹ chưa tới 5 điểm và xác nhận phiên khởi sắc thứ 5 liên tiếp. Điểm nhấn là thanh khoản thị trường tăng vọt, lên mức cao nhất trong hơn 1 tháng qua, với khối lượng giao dịch đạt hơn 1,1 tỷ đơn vị và giá trị vượt xa mức 1 tỷ USD, đặc biệt là dòng tiền vẫn luân chuyển mạnh mẽ qua các nhóm ngành với “ngôi sao” trong phiên hôm nay là nhóm cổ phiếu bảo hiểm.

Chốt phiên, sàn HOSE có 264 mã tăng và 174 mã giảm, VN-Index tăng 4,47 điểm (+0,35%), lên 1.277,58 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,16 tỷ đơn vị, giá trị 27.679,2 tỷ đồng, tăng 23,8% về khối lượng và 19,96% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 17/5.

Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 203,9 triệu đơn vị, giá trị gần 4.304,82 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là đóng góp của dòng bank, với VPB thỏa thuận gần 43,7 triệu đơn vị, giá trị hơn 853,8 tỷ đồng; LPB thỏa thuận gần 37,9 triệu đơn vị, giá trị hơn 826,26 tỷ đồng; SHB thỏa thuận 37,58 triệu đơn vị, giá trị hơn 432,2 tỷ đồng; VIB thỏa thuận 15 triệu đơn vị, giá trị 315 tỷ đồng…

Nhóm VN30 lùi về sát mốc tham chiếu khi đóng cửa chỉ tăng hơn 2 điểm, dù số mã tăng (18 mã) chiếm ưu thế so với số mã giảm (10 mã). Trong đó, BCM vẫn là điểm sáng khi giữ vững sắc tím, đóng cửa tại mức giá trần 62.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 2 triệu đơn vị và dư mua trần hơn nửa triệu đơn vị.

Ngoài ra, một số mã tăng tốt đã đóng góp tích cực cho chỉ số chung như BVH tăng 3,7%, HDB tăng 2,3%, VPB tăng 2,1%, HPG và MSN cùng tăng hơn 1,2%, còn lại chỉ biến động quanh mức 0,5%.

Trái lại, VJC tiếp tục nới rộng biên độ và vẫn là mã giảm sâu nhất khi để mất 2,4%, nhưng tác động mạnh nhất tới chỉ số chung là FPT giảm 1,1% khi lấy đi gần 0,5 điểm.

Trong bối cảnh nhóm cổ phiếu bluechip phân hóa, dòng tiền vẫn sôi động ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ với các mã như EVF, EIB, HAG, VIX, TCH, BCG… có khối lượng khớp lệnh tới chục triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu bảo hiểm bứt tốc và trở thành nhóm tăng tốt nhất thị trường. Ngoài đóng góp lớn từ BVH, các cổ phiếu khác trong ngành như MIG và BIC cùng khoe sắc tím và đóng cửa trong trạng thái dư mua trần khá lớn, BMI có thời điểm chạm trần và đóng cửa tăng 5,5%; các cổ phiếu trên sàn HNX như PVI tăng 5,1%, PRE tăng 2,7%, VNR tăng 2,5%, ABI tăng 3,4%, AIC tăng 4,3%...

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dệt may cũng khởi sắc khởi sắc với TCM đóng cửa tăng 6,1% lên mức giá cao nhất ngày 47.750 đồng/CP, MSH tăng 3,9% lên mức 50.900 đồng/CP, TNG tăng 3,5%...

Nhóm bất động sản và xây dựng có nhiều điểm sáng nhờ dòng tiền chảy mạnh, như DXS đóng cửa tại mức giá trần với khối lượng khớp lệnh hơn 9 triệu đơn vị và dư mua trần 0,4 triệu đơn vị, NHA và QCG cũng khoe sắc tím với thanh khoản 1-2 triệu đơn vị, HDG tăng sát trần với biên độ 6,8% và khớp lệnh tới hơn 12 triệu đơn vị, BCG tăng 4,3% và khớp 15,8 triệu đơn vị; IJC tăng 4,1% và khớp hơn 10 triệu đơn vị…

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng nhẹ với các mã tăng tốt là EIB, VPB và HDB; trái lại LPB, NAB, SHB, STB, TCB đóng cửa giảm trên dưới 1%. Trong đó, SHB kết phiên giảm 1,3% xuống mức 11.850 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh sôi động nhất ngành, đạt 36,33 triệu đơn vị; còn EIB vẫn giữ mức tăng 4,2% với thanh khoản đạt gần 26,6 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thị trường lình xình đi ngang trên mốc tham chiếu trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, sàn HNX có 103 mã tăng và 91 mã giảm, HNX-Index tăng 1,02 điểm (+0,42%), lên 242,57 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 100 triệu đơn vị, giá trị gần 1.920 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 8,92 triệu đơn vị, giá trị gần 194 tỷ đồng, trong đó riêng DNP thỏa thuận 4,84 triệu đơn vị, giá trị 100,88 tỷ đồng và GKM thỏa thuận 1,83 triệu đơn vị, giá trị hơn 72 tỷ đồng.

Cổ phiếu SHS vẫn đứng giá tham chiếu 19.600 đồng/CP với thanh khoản vượt trội, đạt hơn 19,64 triệu đơn vị; các mã chứng khoán khác cũng chỉ tăng nhẹ như MBS tăng 0,6%, VFS tăng 0,5%...

Trong khi đó, bộ 3 cổ phiếu họ APEC vẫn khởi sắc với IDJ tăng 4,8%, APS tăng 4,3%, API tăng kịch trần, với khối lượng khớp lệnh vài triệu đơn vị.

Một số mã đáng chú ý khác như NTP vẫn tăng kịch trần, TNG tăng 3,5% và khớp lệnh hơn 4 triệu đơn vị, HUT tăng nhẹ 0,6% và khớp lệnh hơn 3 triệu đơn vị…; trái lại, cặp đôi PVS và PVC cùng giật lùi về vùng giá thấp nhất trong ngày khi giảm gần 2% với khối lượng khớp lệnh tương ứng 6,3 triệu đơn vị và hơn 3 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường nới nhẹ biên độ tăng về cuối phiên.

Đóng cửa, chỉ số UPCoM-Index tăng 0,46 điểm (+0,49%), lên 93,53 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 57,55 triệu đơn vị, giá trị 938,67 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 7,67 triệu đơn vị, giá trị 119,55 tỷ đồng.

Cổ phiếu ngân hàng ABB có phiên giao dịch bùng nổ, đóng cửa tăng 5,1% lên mức 8.200 đồng/CP với khối lượng giao dịch vượt trội, đạt hơn 11,44 triệu đơn vị.

Một số mã đáng chú ý khác như BSR tăng 1,5% và khớp gần 8,5 triệu đơn vị, VEA tăng 3,8% và khớp gần 4,2 triệu đơn vị, DDV tăng 1,6% và khớp 2,64 triệu đơn vị; cùng AAH vẫn tăng kịch trần và dư mua trần 1,52 triệu đơn vị, VHG tăng 4,5%, VGI tăng 6,7%, BCR tăng 3,6%, MSR tăng 1,1% với khối lượng giao dịch đều đạt hơn 1 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng nhẹ trên dưới 5 điểm. Trong đó, VN30F2406 đáo hạn gần nhất vào ngày 20/6, đóng cửa tăng 2,2 điểm, tương ứng tăng 0,2% lên mức 1.310,1 điểm, khớp lệnh gần 156.960 đơn vị, khối lượng mở 46.690 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, hai mã giao dịch sôi động nhất là CMWG2313 khớp 5,33 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 7,2% lên 2.090 đồng/cq; và CHPG2334 khớp 3,57 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 8,1% lên 800 đồng/cq.

Tin bài liên quan