Cổ phiếu bảo hiểm nhìn từ khung pháp lý mới

Cổ phiếu bảo hiểm nhìn từ khung pháp lý mới

(ĐTCK-online) Sáng ngày 16/12/2010, Luật Kinh doanh bảo hiểm (KDBH) sửa đổi số 61/2010/QH12 chính thức được công bố. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 và sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các DN bảo hiểm và theo đó là cổ phiếu bảo hiểm đang niêm yết như BVH, BMI, PVI và VNR, cũng như các cổ phiếu bảo hiểm sắp niêm yết như PTI và Pjico... Chúng ta cùng nhìn lại diễn biến cổ phiếu bảo hiểm trong năm 2010.

Diễn biến cổ phiếu bảo hiểm năm 2010

Nhìn tổng thể, cổ phiếu ngành bảo hiểm có một năm tăng trưởng mạnh, đứng đầu các ngành về mức độ tăng. Từ đầu năm đến ngày 16/12/2010, cổ phiếu ngành bảo hiểm tăng 56%, trong khi VN-Index giảm 6%.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào chi tiết, việc tăng điểm của cổ phiếu bảo hiểm chủ yếu là do việc tăng điểm mạnh của BVH. Cổ phiếu này tăng 2,3 lần, từ mức 30.600 đồng/CP ngày 31/12/2009 lên mức 69.500 đồng/CP ngày 16/12/2010. Việc tăng điểm mạnh của BVH được cho là do động thái của các quỹ đầu tư nước ngoài đẩy giá của các cổ phiếu có tỷ trọng lớn trong VN-Index nhằm đỡ giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ, mà không xuất phát từ các yếu tố tăng trưởng đột biến trong hoạt động kinh doanh của BVH. Mặc dù cả ngành tăng điểm nhưng các cổ phiếu bảo hiểm khác, ngoại trừ BVH, vẫn giảm giá mạnh, như PVI giảm 31% và BMI giảm 25% kể từ đầu năm.

Tỷ lệ tăng giá cổ phiếu theo ngành từ đầu năm 2010

Cổ phiếu bảo hiểm nhìn từ khung pháp lý mới ảnh 1
Nguồn: Bloomberg

Cổ phiếu bảo hiểm nhìn từ khung pháp lý mới ảnh 2
Nguồn: Phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI

 

Ảnh hưởng của Luật KDBH đối với cổ phiếu bảo hiểm

Luật KDBH năm 2010 sửa đổi theo hướng tăng cường công tác quản lý, giám sát đối với thị trường; mở rộng, nâng cao quyền tự chủ của các DN và tạo hành lang pháp lý cho bảo hiểm Việt Nam hội nhập quốc tế. Bài này sẽ phân tích tác động của hai điểm thay đổi trong luật mới đối với cổ phiếu ngành bảo hiểm. 

Thứ nhất, Luật KDBH 2010 bỏ quy định về tái bảo hiểm bắt buộc. Theo quy định cũ, khi thực hiện tái bảo hiểm cho các DN tái bảo hiểm nước ngoài, DN bảo hiểm phải tái bảo hiểm một phần trách nhiệm (lên đến 20%) đã nhận bảo hiểm cho DN kinh doanh tái bảo hiểm trong nước trước. DN tái bảo hiểm trong nước ở đây là Tổng CTCP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam - Vinare (VNR). Điểm này tạo ra một lợi thế đối với hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm của Vinare. Khi quy định này được bãi bỏ, các DN không phải tái một phần qua Vinare nữa. Tuy nhiên, hiện nay, Vinare đang nắm giữ cổ phiếu của một loạt công ty bảo hiểm trong nước. Đồng thời, cổ đông của Vinare cũng là các công ty bảo hiểm lớn như Bảo Việt, Bảo Minh, Pjico. Điều này có thể giúp hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của việc bỏ quy định tái bảo hiểm bắt buộc đến hoạt động của Vinare.  

Tỷ lệ sở hữu của Vinare tại các DN bảo hiểm liên doanh/liên kết

Cổ phiếu bảo hiểm nhìn từ khung pháp lý mới ảnh 3
Nguồn: Báo cáo tài chính quý III/2010 của Vinare

Thứ hai, yêu cầu thực hiện đấu thầu cung cấp dịch vụ bảo hiểm. Theo đó, bên mua bảo hiểm phải thực hiện đấu thầu cung cấp dịch vụ bảo hiểm, kể cả các dịch vụ bảo hiểm đặc thù như bảo hiểm dầu khí, bảo hiểm thiết bị viễn thông, bảo hiểm hàng không... Luật quy định rõ, "Nghiêm cấm hành vi câu kết giữa DN bảo hiểm với bên mua bảo hiểm nhằm phân chia thị trường bảo hiểm, khép kín dịch vụ bảo hiểm". Quy định này có ảnh hưởng lớn đến các DN bảo hiểm nội bộ. Hiện nay, tại Việt Nam cũng như trên thế giới, mô hình công ty bảo hiểm nội bộ khá phổ biến, theo đó tập đoàn mẹ thường thành lập một công ty bảo hiểm con, nhằm cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho tập đoàn và các công ty liên quan khác trong tập đoàn. Tại Việt Nam hiện nay, trong các công ty bảo hiểm lớn thì ngoài Bảo Việt và Bảo Minh, còn lại chủ yếu là các DN bảo hiểm nội ngành. Ví dụ như PVN có PVI, VNPT có Bảo hiểm Bưu điện (PTI), BIDV có BIC, Vietnam Airlines có Bảo hiểm Hàng không (VNI). Và thông thường, nhờ sự hỗ trợ của tập đoàn mẹ, các công ty bảo hiểm nội ngành thường nắm phần lớn thị phần, nếu như không nói là độc quyền toàn bộ mảng nghiệp vụ bảo hiểm tương ứng.  

Các công ty bảo hiểm nội ngành (Captive Insurance Companies)

Cổ phiếu bảo hiểm nhìn từ khung pháp lý mới ảnh 4
Nguồn: Phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

Theo quy định mới, việc tiến hành đấu thầu cung cấp dịch vụ có thể sẽ làm thị trường bảo hiểm Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn. Các DN bảo hiểm ngoài ngành cũng có thể tham gia vào hoạt động bảo hiểm trong một số ngành đặc thù. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, với sự hỗ trợ của tập đoàn mẹ cũng như kinh nghiệm và năng lực của các DN bảo hiểm nội ngành đối với nghiệp vụ tương ứng thì lợi thế vẫn sẽ thuộc về các DN nội bộ. Bức tranh về cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho các tập đoàn lớn vẫn không có nhiều thay đổi, ít nhất là trong một vài năm tới.

Lãi suất tiền gửi dự kiến vẫn duy trì ở mức cao trong quý I/2011 có thể khiến thu nhập từ hoạt động đầu tư của các DN bảo hiểm tốt hơn, khi phần lớn tài sản của các DN này là tiền gửi ngân hàng và trái phiếu ngắn hạn. Ngành bảo hiểm phi nhân thọ dự kiến tăng trưởng 20 - 25% trong năm 2011. Mặc dù quý I/2011, hoạt động của các DN bảo hiểm phi nhân thọ không chịu ảnh hưởng của các yếu tố mùa vụ do mưa bão, thể hiện ở phí bảo hiểm gốc tăng cao và tỷ lệ bồi thường thấp, tuy nhiên, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh dự kiến vẫn sẽ tiếp diễn trong năm 2011 và một vài năm tới, làm giảm đáng kể lợi nhuận của các DN bảo hiểm. Chúng tôi vẫn giữ quan điểm "trung lập" đối với cổ phiếu ngành bảo hiểm.