Siêu bão vẫn “đe dọa” lợi nhuận quý IV/2024
Cơn bão số 3 (bão Yagi) và hoàn lưu bão gây mưa lũ tại nhiều tỉnh phía Bắc đã gây thiệt hại nặng nề về người và của. Với đối tượng bảo hiểm chủ yếu là tài sản, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ phải chịu nghĩa vụ bồi thường tổn thất rất lớn. Điều này đã phản ánh tức thì vào thị giá cổ phiếu của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ, khi bão lũ vừa xảy ra. Hàng loạt cổ phiếu trong nhóm ghi nhận nhiều phiên giảm điểm liên tục.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận xét, cùng với đà hồi phục của thị trường chung, nhóm cổ phiếu bảo hiểm ghi nhận mức hồi phục trung bình 9% so với hồi tháng 9, nhưng định giá P/B trung bình ngành đang ở mức 1,4x - mức định giá thấp.
Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), số liệu tổng hợp từ 31 công ty bảo hiểm phi nhân thọ cho thấy, tính đến ngày 22/11/2024, các công ty này đã tiếp nhận được 14.662 thông tin thiệt hại về bảo hiểm phi nhân thọ, sức khoẻ, với giá trị ước tính là 11.465 tỷ đồng do bão Yagi gây ra. Tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã tạm ứng là 453,4 tỷ đồng.
Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Công thương (VBI), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không cho biết, đến thời điểm 30/11/2024, mỗi công ty đã tạm ứng bồi thường khoảng 100 tỷ đồng cho các khách hàng bị thiệt hại do bão số 3. Còn tại Bảo hiểm BSH, tính đến ngày 23/10/2024, Công ty đã hoàn tất trách nhiệm chi bồi thường theo phạm vi hợp đồng với số tiền hơn 3 tỷ đồng cho khách hàng - thông qua đại diện tại địa bàn là Công ty BSH Việt Bắc.
Đối mặt với các khoản chi trả bồi thường bảo hiểm lớn, phát sinh bất ngờ trong ngắn hạn, lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp bảo hiểm trong quý III/2024 giảm mạnh so cùng kỳ năm ngoái.
Đơn cử, Bảo hiểm Hàng không (VNI) báo lỗ hơn 39 tỷ đồng trong quý III. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty báo lỗ hơn 20 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi trên 13 tỷ đồng.
Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) lỗ trên 16 tỷ đồng trong quý III, khiến lãi sau thuế 9 tháng đầu năm chỉ còn hơn 130 tỷ đồng, giảm gần 39% so với cùng kỳ.
Bảo hiểm BSH lỗ 16 tỷ đồng trong quý III, nâng tổng lỗ trong 9 tháng lên hơn 18 tỷ đồng.
Tại Tổng công ty Bảo hiểm Quân đội (MIC), quý III/2024, lợi nhuận trước thuế giảm xấp xỉ 42% so với cùng kỳ năm 2023, đạt gần 31 tỷ đồng.
Chi phí bồi thường bảo hiểm cho khách hàng chịu tổn thất bởi bão Yagi dự báo tiếp tục “thổi bay” lợi nhuận mảng kinh doanh lõi của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm trong quý IV/2024. Lợi nhuận từ mảng đầu tư của nhóm này cũng không mấy khả quan trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tiền gửi ngân hàng về mức thấp kỷ lục trong nhiều thập kỷ qua.
Bão số 3 đã cản trở đường về đích lợi nhuận năm 2024 của các doanh nghiệp bảo hiểm. Sau quý III/2024 giảm mạnh lợi nhuận, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Minh đã trình cổ đông thông qua việc điều chỉnh giảm 29% kế hoạch lợi nhuận 2024.
Mảng kinh doanh lõi gia tăng thách thức
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Tái bảo hiểm Quốc gia (VNR), kết quả kinh doanh năm 2024 của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ sẽ bị ảnh hưởng ngay lập tức khi liên tiếp phải tạm ứng bồi thường, trích lập dự phòng bồi thường và có thể phải sử dụng đến quỹ dự phòng dao động lớn, trực tiếp làm giảm lợi nhuận nghiệp vụ. Các doanh nghiệp tái bảo hiểm như Vinare, Hanoi Re sẽ bị các nhà tái bảo hiểm đánh giá lại mức độ chấp nhận rủi ro thảm họa của họ.
“Các điều khoản tái bảo hiểm nghiêm ngặt hơn có thể dẫn đến tình trạng các công ty bảo hiểm sẽ giữ lại nhiều hơn, từ đó mức tổn thất giữ lại của các công ty trong tương lai sẽ tăng thêm. Điều này có khả năng ảnh hưởng đến hiệu quả nghiệp vụ nhiều hơn so với các sự kiện trước đó và làm tăng giá phí cho các hợp đồng bảo vệ riêng cho mức phải giữ lại”, ông Tuấn nhận định.
Dưới áp lực cạnh tranh ngày càng cao, phí bảo hiểm giảm, trong khi chi phí bồi thường có xu hướng tăng, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ngày càng giảm hoặc ở mức thấp. Vì vậy, hoạt động đầu tư được trông chờ để bù đắp phần hụt lợi nhuận của các doanh nghiệp khối này.
Nhìn nhận về triển vọng của nhóm cổ phiếu bảo hiểm trong năm 2025, chuyên gia chứng khoán Nguyễn Thế Minh cho rằng “sẽ tích cực hơn”. Cơ sở cho luận điểm này là: Trong năm 2025, Chính phủ đặt ra hai mục tiêu lớn cho lĩnh vực bảo hiểm là 15% dân số sẽ tham gia mua bảo hiểm nhân thọ và tỷ lệ thâm nhập tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ sẽ đạt 3,5% GDP, cho thấy tiềm năng phát triển của ngành bảo hiểm vẫn còn lớn. Đồng thời, ở mảng đầu tư, kỳ vọng lãi suất tiết kiệm sẽ có xu hướng hồi phục, giúp cải thiện lợi nhuận từ mảng đầu tư.
Thực tế, cổ phiếu bảo hiểm vốn không phải là nhóm hấp dẫn, do mức sinh lời thấp và kém thanh khoản do hoạt động ổn định, thiếu bứt phá. Để tăng mức hấp dẫn cho cổ phiếu ngành bảo hiểm, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp bảo hiểm cần tăng cường nội lực, đi vào chiều sâu, tức hiệu quả kinh doanh, thay vì theo chiều rộng, chạy đua tăng trưởng doanh thu, thị phần.
Các công ty bảo hiểm cũng cần tăng cường năng lực đánh giá rủi ro (vì yếu tố này quyết định sức khỏe và khả năng sinh lời của công ty bảo hiểm) thông qua việc xây dựng và ban hành quy trình và hướng dẫn khai thác bảo hiểm theo chuẩn mực, xây các tiêu chí giúp nhận dạng đánh giá rủi ro phải chi tiết trên bảng giấy yêu cầu bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm. Hiện, không ít doanh nghiệp bảo hiểm, nhất là doanh nghiệp quy mô nhỏ hoặc mới thành lập, các tiêu chí phục vụ nhận dạng và đánh giá rủi ro trên giấy yêu cầu bảo hiểm còn rất đơn giản, sơ sài, dẫn đến quyết định chấp nhận bảo hiểm có thể không chính xác do thông tin không đầy đủ, chi tiết.
Trong 11 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế 838.319 tỷ đồng, tăng 12,58% so với cùng kỳ năm trước, theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính). Như vậy, tổng vốn đầu tư vào nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm đã tăng khoảng 6 lần trong 10 năm qua.
Danh mục đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn an toàn khi một tỷ trọng lớn số tiền đầu tư tập trung vào các danh mục đầu tư an toàn, ổn định như tiền gửi các tổ chức tín dụng, trái phiếu chính phủ nên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam được đánh giá là thị trường có sức khỏe tài chính lành mạnh. Tuy nhiên, đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ở Việt Nam còn đơn điệu, tập trung chủ yếu vào một số khoản mục ít phải tính toán, hoặc dễ nắm bắt cơ hội đầu tư như tiền gửi ngân hàng, trái phiếu chính phủ.
Các khoản đầu tư vào tiền gửi ngân hàng và trái phiếu chính phủ mang lại khoảng 60 - 80% lợi nhuận hoạt động đầu tư cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Các khoản đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản… mang lại hiệu quả thấp hoặc thua lỗ. Hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm còn chưa cao. Tỷ suất lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ còn thấp, chỉ vào khoảng 7 - 8,5%/năm.