Các doanh nghiệp bán lẻ đều kỳ vọng lợi nhuận sẽ được cải thiện trong năm 2024

Các doanh nghiệp bán lẻ đều kỳ vọng lợi nhuận sẽ được cải thiện trong năm 2024

Cổ phiếu bán lẻ trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2023, lợi nhuận nhóm doanh nghiệp bán lẻ giảm 80%. Nhóm ngành này được kỳ vọng sẽ dần hồi phục, trong đó một số doanh nghiệp có khả năng bứt phá, giúp giá cổ phiếu có diễn biến khả quan.

Ngành bán lẻ có dấu hiệu tích cực

Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I/2024, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.537.600 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhóm lương thực, thực phẩm tăng 11,6%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 16%; may mặc tăng 10,1%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 15,8%; du lịch lữ hành tăng 66,1%.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBanks) nhận định, ngành bán lẻ đã tạo đáy trong năm 2023 và đang có xu hướng dần phục hồi trong năm 2024, dù tốc độ phục hồi còn chậm nhưng vẫn có nhiều kỳ vọng khả quan, nhất là lượng khách du lịch đến Việt Nam tăng nhanh.

Báo cáo về ngành du lịch cho thấy, khách quốc tế đến Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 4,6 triệu lượt, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 (năm mà ngành du lịch ghi nhận mức tăng trưởng tốt nhất trong giai đoạn trước khi dịch Covid-19 xảy ra).

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối đầu tư, Dragon Capital nhìn nhận, kinh tế Việt Nam đang phục hồi với những tín hiệu rõ nét ở nhiều lĩnh vực, tăng trưởng GDP năm 2024 có thể đạt 6 - 6,5%, với định hướng chính sách của Chính phủ là tiếp tục hỗ trợ kinh tế tăng trưởng.

Mục tiêu lợi nhuận năm 2024

Năm 2023, tổng lợi nhuận trước thuế của nhóm doanh nghiệp bán lẻ niêm yết trên HOSE và HNX chỉ đạt hơn 1.600 tỷ đồng, giảm 80% so với năm 2022 (hơn 8.000 tỷ đồng). VPBanks dự báo, tổng lợi nhuận trước thuế năm 2024 của nhóm doanh nghiệp này có thể đạt 3.200 tỷ đồng, gấp đôi năm ngoái.

Thông tin từ mùa đại hội cổ đông năm 2024 cho thấy, các doanh nghiệp bán lẻ đều kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng, nhất là doanh nghiệp ghi nhận lãi thấp hoặc thua lỗ trong năm 2023.

Cụ thể, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán MWG) đặt mục tiêu năm 2024 đạt doanh thu hợp nhất 125.000 tỷ đồng, tăng 6%; lợi nhuận sau thuế hợp nhất 2.400 tỷ đồng, gấp 14 lần năm 2023 (lợi nhuận năm 2023 chỉ đạt gần 168 tỷ đồng, trong khi năm 2022 là hơn 4.000 tỷ đồng).

Đầu tư Thế giới Di động đang tập trung tái cấu trúc toàn diện với tiêu chí giảm lương, tăng chất lượng để tăng cường sức mạnh nội tại, sẵn sàng bứt phá.

Ngành bán lẻ Việt Nam năm 2024 được dự báo tăng trưởng, nhất là nửa cuối năm.

Lãnh đạo Đầu tư Thế giới Di động cho biết, quý I/2024, tổng doanh thu hợp nhất đạt khoảng 31.500 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu chính trong năm nay là tăng trưởng dựa vào khả năng tăng doanh thu trung bình của các cửa hàng và tối ưu hoá lợi nhuận. Công ty kỳ vọng, chuỗi Bách Hoá Xanh sẽ mang về nghìn tỷ đồng trong 1 - 2 năm tới.

Tương tự, Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã chứng khoán FRT) lên kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu đạt doanh thu hơn 37.300 tỷ đồng, tăng 17%; lợi nhuận trước thuế 125 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lỗ 294 tỷ đồng. Doanh thu sẽ chủ yếu đến từ chuỗi FPT Shop và nhà thuốc Long Châu.

FPT Retail dự kiến sẽ mở thêm 400 nhà thuốc, nâng tổng số cửa hàng Long Châu lên 1.900 vào cuối năm 2024. Với FPT Shop, Công ty sẽ đóng một số cửa hàng yếu kém nhằm tập trung nâng cao hiệu quả của các cửa hàng hiện hữu; bán thêm các mặt hàng mới như đồ gia dụng, tivi, điều hòa; phát triển dịch vụ MVNO (mạng di động ảo) sau khi đã mở bán sim mang thương hiệu FPT kể từ đầu năm 2024, nhằm nâng cao tần suất khách hàng đến cửa hàng và cải thiện biên lãi gộp.

Ngoài ra, FPT Retail đặt mục tiêu mở mới 100 trung tâm vắc-xin trong năm 2024, phát triển dịch vụ LC 24/7, bảo hiểm, thuốc hiếm - thuốc khó.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld, mã chứng khoán DGW) đặt mục tiêu năm 2024 đạt doanh thu 23.000 tỷ đồng, tăng 22%; lợi nhuận sau thuế 490 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2023. Digiworld sẽ duy trì mối quan hệ với các đối tác hiện có và tìm kiếm những đối tác tiềm năng mới, đồng thời mở rộng kênh phân phối đa ngành, nâng cấp cơ sở vật chất cũng như đội ngũ để phát triển ngành hàng mới, nâng cao thị phần, doanh thu và lợi nhuận.

Ở khối bán lẻ ngành du lịch, Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải (Vietravel, mã chứng khoán VTR) đang ghi nhận triển vọng kinh doanh sáng. Tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam 2024 diễn ra từ ngày 11 - 14/4 ở Hà Nội, Vietravel ghi nhận doanh thu vượt kỳ vọng, với hơn 29 tỷ đồng, đón tiếp trên 8.000 khách tham quan, có hơn 3.000 khách đặt tour. Hãng hàng không du lịch - Vietravel Airlines - một thành viên trong hệ sinh thái Vietravel Group lần đầu tiên báo lãi với lợi nhuận quý I/2024 đạt hơn 10 tỷ đồng.

Ở khối bán lẻ trang sức, Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán PNJ) đặt kế hoạch kinh doanh năm 2024 với chỉ tiêu doanh thu gần 37.148 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 2.089 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 6% so với năm 2023.

Tại đại hội cổ đông tổ chức ngày 16/4/2024, lãnh đạo PNJ cho hay, lợi nhuận quý I/2024 giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tiềm năng thị trường trang sức Việt Nam còn lớn, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định tạo điều kiện cho người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn cho các mặt hàng xa xỉ như trang sức.

Nhìn chung, các doanh nghiệp bán lẻ đều kỳ vọng lợi nhuận sẽ được cải thiện trong năm nay, qua đó tác động tích cực lên định giá cổ phiếu, giúp cổ phiếu hấp dẫn nhà đầu tư hơn.

Thực tế, triển vọng hồi phục của nhóm ngành bán lẻ đã được phản ánh từ trước trên thị trường chứng khoán, khi giá cổ phiếu FRT, DGW, MWG, PNJ có diễn biến khả quan trong giai đoạn cuối năm 2023 và quý I/2024, nhất là trong bối cảnh VN-Index tăng điểm. Tuy nhiên, gần đây, nhóm cổ phiếu này điều chỉnh theo thị trường chung.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt dự báo, bức tranh tổng thể của ngành bán lẻ Việt Nam năm 2024 là tăng trưởng, nhất là nửa cuối năm. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng sẽ khác nhau giữa các phân ngành của ngành bán lẻ, lần lượt từ cao xuống thấp là bán lẻ tạp hóa, bán lẻ công nghệ thông tin/điện tử gia dụng, bán lẻ dược phẩm và bán lẻ trang sức.

Tin bài liên quan