Giai đoạn cuối năm là dịp tốt để kích cầu tiêu dùng, doanh số bán lẻ có thể đóng góp trên 30% doanh số cả năm.

Giai đoạn cuối năm là dịp tốt để kích cầu tiêu dùng, doanh số bán lẻ có thể đóng góp trên 30% doanh số cả năm.

Cổ phiếu bán lẻ còn động lực

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu bán lẻ gần đây không chỉ “thăng hoa” theo sự phục hồi của thị trường chung, mà còn do có triển vọng sáng trong dài hạn.

Quỹ đầu tư mua ròng

Thời gian qua, các quỹ ETF có động thái mua ròng cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó có cổ phiếu bán lẻ như PNJ của Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, FRT của Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT Shop (FPT Retail)...

Trong đó, Quỹ Vietnam Equity Fund trở thành cổ đông lớn của FPT Retail khi nâng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu FRT lên trên 5%. Quỹ DC Development Market mua thêm cổ phiếu PNJ, nâng khối lượng nắm giữ lên hơn 3,7 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ sở hữu hơn 1,5%. Tổng các quỹ ngoại nắm giữ hơn 9% cổ phiếu PNJ.

Không ít nhà đầu tư cá nhân cũng đặt niềm tin vào cổ phiếu bán lẻ. Anh Nguyễn Văn Thắng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Trước đó, dù chịu tác động chung của thị trường, nhưng cổ phiếu FRT vẫn có sự vững vàng bởi triển vọng trong dài hạn của doanh nghiệp. Tôi đặt niềm tin và đi đường dài với cổ phiếu này”.

Ông Mohammad Mudasser, lãnh đạo dịch vụ tư vấn quản lý vốn lưu động của PwC Việt Nam cho rằng, nhà đầu tư nên cân nhắc đến cổ phiếu nhóm ngành tiêu dùng - bán lẻ, bởi dựa vào thu nhập của người dân, thu nhập ngày càng nâng cao, dân số trẻ nên ngành này có tiềm năng lớn.

Về triển vọng thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Phó giám đốc chiến lược đầu tư SSI Research, Công ty Chứng khoán SSI (SSI) nhận định, thị trường đang xác nhận xu thế tăng trong ngắn hạn với những phiên bùng nổ theo đà. Chỉ số VN-Index hồi phục mạnh mẽ từ gần 900 điểm giữa tháng 11 lên 1.080 điểm khi kết thúc tuần qua (2/12), tương đương tăng 20%, với thanh khoản tăng cao.

Trong nhóm bán lẻ, tính đến ngày 2/12/2022, giá cổ phiếu PNJ tăng 22,2% so với ngày 15/11; giá cổ phiếu FRT tăng 21,1% so với ngày 15/11; giá cổ phiếu DGW của Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld) tăng 29,8% so với ngày 24/11; giá cổ phiếu MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động tăng 24,6% so với ngày 24/11...

Triển vọng trung và dài hạn từ nội lực

PNJ vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 10/2022 với doanh thu đạt 2.960 tỷ đồng, tăng hơn 42% và lợi nhuận sau thuế đạt 147 tỷ đồng, tăng gần 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 10 tháng đầu năm 2022, PNJ ghi nhận doanh thu 28.535 tỷ đồng, tăng 96%; lợi nhuận sau thuế 1.478 tỷ đồng, tăng 118% so với cùng kỳ, vượt mức thực hiện của cả năm 2021.

SSI dự báo, lợi nhuận năm 2022 của PNJ có thể đạt 1.800 tỷ đồng và năm 2023 đạt 2.100 tỷ đồng.

Doanh thu của FPT Retail được kỳ vọng sẽ tích cực khi kết thúc quý IV/2022, bởi lượng đặt hàng sản phẩm Iphone cao kỷ lục và doanh số bán tivi tăng nhờ World Cup 2022.

Thị trường bán lẻ Việt Nam có nguồn cầu nội địa mạnh mẽ.

Tuy nhiên, FPT Retail chịu áp lực cạnh tranh khi MWG mới thành lập chuỗi Topzone (chuỗi cửa hàng chuyên cung cấp sản phẩm chính hãng Apple), có thể ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu sản phẩm Apple vốn chiếm 1/3 tổng doanh thu chuỗi FPT Shop và F.Studio của FPT Retail.

Năm 2022, Công ty Chứng khoán DSC ước tính, doanh thu và lợi nhuận thuộc cổ đông công ty mẹ FPT Retail lần lượt đạt 28.049 tỷ đồng, tăng 24% và 450 tỷ đồng, tăng 1,56% so với năm 2021. FPT Retail đặt mục tiêu nâng số cửa hàng lên 1.000 vào cuối năm 2022, vượt 200 cửa hàng so với kế hoạch trước đó.

Đà tăng trưởng chuỗi nhà thuốc Long Châu của FPT Retail có thể bị ảnh hưởng bởi nhu cầu thuốc và vật tư y tế không còn đột biến như giai đoạn dịch Covid-19 và sức ép cạnh tranh trên thị trường đang dần gia tăng, trong đó có chuỗi nhà thuốc An Khang của MWG được tập trung đầu tư, mở mới cửa hàng nhằm chiếm thị phần. Bên cạnh đó, các chuỗi nhà thuốc của Pharmacity cũng được đầu tư mạnh mẽ.

Mặc dù vậy, mới đây, Hội đồng quản trị FPT Retail đã thông qua nghị quyết góp thêm 225 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Dược phẩm FPT Long Châu, tương ứng mua thêm 22,5 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, qua đó sẽ nâng tỷ lệ sở hữu từ 85,07% lên 89,83% vốn điều lệ của Long Châu.

Đối với MWG, doanh thu tháng 10/2022 giảm, trong đó doanh thu của cả 3 chuỗi cửa hàng là Thế giới di động, Điện máy xanh và Bách hóa xanh đều thấp hơn kỳ vọng, cho thấy tác động ban đầu của lạm phát đối với sức mua của người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị MWG kỳ vọng, quý IV/2023, Bách hóa xanh sẽ có lãi. Trong năm 2023, Bách hóa xanh có chiến lược kéo khách hàng đến với siêu thị bằng các chương trình khuyến mại, đến từ sự kết hợp với các nhãn hàng. Bách hóa xanh sẽ gặt hái thành quả sau tái cấu trúc, như tổ chức cửa hàng tươm tất hơn, nguồn cung cấp thực phẩm tươi sống vững chắc hơn (chuyển sang các đối tác bền vững) và trải nghiệm khách hàng tốt hơn.

Thực tế, Bách hóa xanh đang dần thu hẹp khoảng cách với các chợ truyền thống và siêu thị, kỳ vọng thu hút thêm nhiều khách hàng mới nhờ các yếu tố tiện lợi, đây là động lực chính cho tăng trưởng doanh thu trong tương lai.

Trong khi đó, tại Công ty cổ phần Vincom Retail (mã chứng khoán VRE), lợi nhuận mảng cho thuê bán lẻ được đánh giá sẽ tăng trưởng tích cực vào năm 2023. Lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2022 của Vincom Retail đạt 1.944 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhờ các thương hiệu lớn đồng loạt khai trương tại các trung tâm thương mại Vincom.

Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt, Vincom Retail có thể sẽ khai trương các trung tâm thương mại mới trong năm 2023, khẳng định vị thế chủ đầu tư trung tâm thương mại đầu ngành.

Tại Digiworld, bối cảnh vĩ mô đang có một số khó khăn, nhưng doanh nghiệp vẫn tự tin sẽ ghi nhận mức tăng trưởng hai con số. Quý IV/2022, Công ty đặt kế hoạch đạt lợi nhuận 300 tỷ đồng, mảng điện thoại và tivi vào mùa World Cup là động lực tăng trưởng. Hiện thị trường nguồn cung đang chịu tác động bởi chính sách zero Covid-19 của Trung Quốc, dẫn đến khan hàng, nhưng Ban lãnh đạo Digiworld cho rằng, chênh lệch cung - cầu sẽ giúp biên lợi nhuận của Công ty tốt hơn.

Nhìn từ nội lực, đa số doanh nghiệp bán lẻ cho thấy có nhiều triển vọng phát triển. Thu nhập của người dân gia tăng sẽ là động lực thúc đẩy tiêu dùng tăng trưởng, tạo đà cho bán lẻ bứt phá.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2022 ước đạt 514.100 tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng 10 và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 11 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.180.500 tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2021 giảm 5%).

Theo ông Nick Bradstreet, Giám đốc Bộ phận Bán lẻ khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Savills, Việt Nam là một trong hai thị trường bán lẻ nổi bật tại Đông Nam Á (bên cạnh Thái Lan), nhiều doanh nghiệp bán lẻ toàn cầu, đặc biệt là các công ty có văn phòng tại Singpapore đang nghiên cứu cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

Tin bài liên quan