Thị trường lùi bước trong phiên chiều khi áp lực bán gia tăng tại nhóm bluechip, chỉ số VN-Index có thời điểm rơi xuống 1.065 điểm trước khi bật trở lại ngưỡng này ở những phút cuối.
Đóng cửa, sàn HOSE có 139 mã tăng và 266 mã giảm, VN-Index giảm 4,79 điểm (-0,45%), xuống 1.065,85 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 722 triệu đơn vị, giá trị 12.860,8 tỷ đồng, tăng nhẹ hơn 1% về khối lượng và 2,5% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 53,3 triệu đơn vị, giá trị 1.018 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 23/5. |
Một số cổ phiếu lớn nới đà giảm tạo gánh nặng có MSN -2,2% xuống 70.400 đồng, VNM -1,8% xuống 67.000 đồng, GAS -1,6% xuống 93.200 đồng, các mã SAB, NVL, BID, VIB, BCM giảm từ 1,1% đến 1,4%.
Ở chiều ngược lại, BVH là mã tăng tốt nhất, nhưng cũng chỉ +1,8% lên 44.600 đồng, PDR +1,5% lên 13.600 đồng, VIC nhích 1%, POW và HDB tăng nhẹ.
Đáng chú ý là cổ phiếu ACB, dù chỉ có mức tăng 1,2% lên 25.350 đồng, nhưng ghi nhận phiên giao dịch có khối lượng cao nhất kể từ đầu tháng 2/2022 với hơn 21,7 triệu đơn vị khớp lệnh.
Thông tin khiến ACB nhận được sự chú ý của nhà đầu tư có lẽ đến từ việc Ngân hàng này mới đây đã thông báo, ngày 02/6 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2022.
Theo đó, ACB sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt (theo tỷ lệ 10%) và cổ phiếu (theo tỷ lệ 15%), tương đương ACB sẽ phát hành thêm 506 triệu cổ phiếu mới trong đợt này. Vốn điều lệ của Ngân hàng sẽ tăng tương ứng lên 38.840 tỷ đồng.
Trong quý I vừa qua, ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 5.156 tỷ đồng, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm trước.
KBSV ngày hôm qua đã có báo cáo cập nhật cổ phiếu ACB và khuyến nghị mua cổ phiếu này, với một số dự báo như lợi nhuận sau thuế dự kiến cả năm đạt 15.697 tỷ đồng, tăng 14,7% so với năm trước.
Tỷ lệ nợ xấu quý I/2023 của ACB tăng lên mức 0,94% (tăng 20 điểm so với đầu năm), nếu không tính CIC, nợ xấu là 0,84%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 116%. Với bộ đệm dự phòng từ trước, chúng tôi cho rằng ACB vẫn còn dư địa để xử lý nợ xấu.
Sử dụng kết hợp 2 phương pháp định giá P/B và Chiết khấu lợi nhuận thặng dư, KBSV đưa ra mức giá mục tiêu cho năm 2023 của cổ phiếu ACB là 30.100 đồng, cao hơn 20% so với giá tại ngày 19/5.
Phần còn lại của thị trường, vẫn là những cái tên vừa và nhỏ, có tính đầu cơ cao đã hút dòng tiền với EVG, ST8, NHA và QBS khi đều đóng cửa ở giá trần, trong đó, QBS khớp lệnh tốt nhất với gần 3,2 triệu đơn vị.
Ở những cổ phiếu khác, một số cổ phiếu riêng lẻ ở các nhóm bất động sản, xây dựng, nông nghiệp, dịch vụ, điện, dầu khí có phiên tăng khá, với CCL +6,6% lên 6.930 đồng, ITC +5,8% lên 11.850 đồng, CTI +5,5% lên 14.400 đồng, DBC +5,2% lên 19.200 đồng, SAM +5,2% lên 6.820 đồng, CIG +4,7% lên 6.180 đồng, PGV +4,4% lên 25.000 đồng, MHC +4,2% lên 4.440 đồng, CTD +4,1% lên 66.000 đồng, các mã PSH, CTR, HBC, HVX, REE, CSV, SGR tăng từ 2,8% đến hơn 3%.
Lác đác một vài mã giảm đáng kể như VPG -3,1%, TTB -4,2%, IBC -4,4%, AGM -5%, cùng ABT, BTT, DAT, NAV và SCD giảm sàn, nhưng thanh khoản thấp.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng đã về dưới tham chiếu ngay khi giao dịch trở lại trong phiên chiều, dù vậy, mức giảm không lớn và chỉ số này có nhịp bật trở lại và đóng cửa gần như không đổi.
Chốt phiên, sàn HNX có 81 mã tăng và 85 mã giảm, HNX-Index giảm 0,11 điểm (-0,05%), xuống 215,79 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 106,7 triệu đơn vị, giá trị 1.670,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2,6 triệu đơn vị, giá trị 40,8 tỷ đồng.
Cổ phiếu DVG là điểm nhấn, khi tăng trần +6,9% lên 3.100 đồng, khớp lệnh hơn 1,51 triệu đơn vị.
Các mã PVS, IDJ, AMV, TNG có mức tăng hơn 2% DDG +3,1% lên 10.000 đồng dù có thời điểm tăng trần, DL1 +4,4% lên 4.700 đồng, trong khi CEO, PVC, MBS, PVC, APS BCC chỉ nhích nhẹ, khớp từ 1,5 triệu đến 11,85 triệu đơn vị.
Cổ phiếu SHS rung lắc và đóng cửa đứng tham chiếu tại 11.100 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với 24,79 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UPCoM-Index đuối sức trong phiên chiều và đóng cửa trong sắc đỏ, dù mức giảm cũng không lớn.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,22 điểm (-0,27%), xuống 81,00 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 47,6 triệu đơn vị, giá trị 566,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,32 triệu đơn vị, giá trị gần 59 tỷ đồng.
Nổi bật nhất vẫn là cổ phiếu MCG với mức tăng 21,1% lên 2.300 đồng, khớp 0,87 triệu đơn vị.
Ở những cổ phiếu thanh khoản tốt khác, SBS nhích 5,6% lên 7.500 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với 8,54 triệu đơn vị. BSR khớp 7,1 triệu đơn vị, giá cổ phiếu đảo chiều tăng nhẹ 0,6% lên 16.700 đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều mất điểm, với VN30F2306 giảm 5,8 điểm, tương đương -0,54% xuống 1.059,5 điểm, khớp lệnh hơn 177.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 47.300 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, hai mã thanh khoản cao nhất trái chiều, với CHPG2227 khớp 1,72 triệu đơn vị và tăng 0,9% lên 2.190 đồng/cq, còn CVRE2216 khớp 1,13 triệu đơn vị, giảm 6,3% xuống 300 đồng/cq.