Cổ phiếu 6 nhóm ngành đáng chú ý

Cổ phiếu 6 nhóm ngành đáng chú ý

(ĐTCK) Từ đầu năm tới nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có chuỗi dài thăng hoa với việc liên tục lập đỉnh mới. Đà tăng của chỉ số chứng khoán trong nước được giới phân tích kỳ vọng tiếp tục được duy trì trong 6 tháng cuối năm.

TTCK còn dư địa tăng trưởng

Nhìn lại diễn biến của đà tăng của thị trường chứng khoán trong nước từ đầu năm tới nay, CTCK Sài Gòn (SSI) trong một báo cáo phân tích mới đây cho rằng, chỉ số chứng khoán gần như “miễn nhiễm” với các diễn biến vĩ mô không tích cực. Ở trong nước là tốc độ tăng trưởng GDP chậm lại, còn từ bên ngoài là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn nâng lãi suất, việc Anh rút lui khỏi Liên minh châu Âu (Brexit)…

Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI, trong khi câu chuyện khủng hoảng nợ công vẫn chưa kết thúc, châu Âu lại tiếp tục đối mặt với rủi ro tiềm tàng rất lớn từ Brexit, mà hậu quả ngay trước mắt là sức ép lên hệ thống tài chính - ngân hàng.

Nền kinh tế Mỹ dù vẫn tăng trưởng ổn định, nhưng sự tự tin trong dài hạn vẫn còn khá mong manh, điều này cộng với quan ngại về ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc suy giảm và ảnh hưởng của Brexit khiến Fed liên tục trì hoãn việc nâng lãi suất. Khả năng nâng lãi suất trong năm 2016 của Fed rất thấp.

Theo SSI, có 6 nhóm ngành đáng chú ý trong nửa cuối năm 2016 là thủy sản, bất động sản, đá xây dựng, thép, cảng và logistics, thủy điện.

Còn trong nước, tăng trưởng GDP trong nửa đầu năm suy giảm so với cùng kỳ năm trước do hạn hán, ngập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long và ô nhiễm môi trường tại vùng biển miền Trung đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, thủy sản.

“Trái ngược với bối cảnh chung, thị trường chứng khoán Việt Nam lại có bước tăng trưởng rất ấn tượng. VN-Index tăng hơn 9%, nhưng mức định giá toàn thị trường có mức tăng 15% so với cuối năm 2015 do tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết chưa theo kịp đà tăng giá. Trong nửa cuối năm, chính sách nới lỏng tiền tệ thông qua giảm lãi suất, thúc đẩy tín dụng kết hợp với giải ngân nhanh vốn đầu tư nhà nước sẽ là liều thuốc kích thích cho kinh tế cũng như thị trường chứng khoán”, ông Linh nhận định.

Cổ phiếu 6 nhóm ngành đáng chú ý  ảnh 1

SSI cho rằng, lãi suất giảm và tín dụng tăng nhanh trong quý II có thể là lý do vĩ mô khả dĩ nhất để giải thích cho tâm lý tích cực của thị trường. “Tuy nhiên, lãi suất có giảm nhưng vẫn cao hơn mặt bằng của 2015, còn tăng trưởng tín dụng trong quý II chỉ cao hơn so với quý I và vẫn thấp so với yêu cầu”, báo cáo của SSI viết.

“Chúng tôi nhận thấy phần lớn số điểm tăng của VN-Index trong năm 2016 có được từ quý II. Trong quý II, Chính phủ mới được hình thành và cũng thời gian này nhiều sự kiện xảy ra từ khách quan lẫn chủ quan có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu lớn...”, báo cáo phân tích của SSI viết.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Phát triển Môi giới Tư vấn, CTCK VNDirect cho rằng, diễn biến của thị trường chứng khoán từ đầu năm tới nay đem lại nhiều bất ngờ, với cách tăng điểm bền bỉ và dòng tiền luân chuyển nhịp nhàng giữa các cổ phiếu cơ bản. Mức độ phân hóa của thị trường ngày càng mạnh mẽ hơn khi dòng tiền chủ yếu tập trung vào nhóm cổ phiếu cơ bản, giúp nhiều cổ phiếu tăng trưởng mạnh và nhóm cổ phiếu đầu cơ gần như không tăng, thậm chí còn giảm.

Điều này cho thấy tính chuyên nghiệp của thị trường cao hơn khi tập trung vào yếu tố nội tại của doanh nghiệp và cũng giảm hiệu ứng bầy đàn do margin quá tập trung vào cổ phiếu đầu cơ như các năm trước. Ngoài ra, các tác động kinh tế thực từ việc Anh rời EU là quá nhỏ và chủ yếu phiên giảm do tác động tâm lý nên chỉ cần một vài phiên nhà đầu tư bình tĩnh suy nghĩ đã giúp thị trường tự cân bằng được.

Theo ông Du, các yếu tố vĩ mô trong nước vẫn tích cực với lạm phát thấp, lãi suất thấp, tỷ giá ổn định và sự nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước giúp cho thị trường chứng khoán có dư địa tăng trưởng. Yếu tố cuối cùng là sự tích cực của dòng vốn ngoại không những không bị hiệu ứng rút ra như các biến cố của năm 2014 và 2015, mà còn đều đặn duy trì mua ròng, cho thấy niềm tin của họ vào những hành động tích cực với thông điệp hỗ trợ doanh nghiệp của chính phủ mới.               

Ít có khả năng VN-Index về dưới 640 điểm

Theo SSI, kinh tế thế giới và trong nước tăng trưởng chậm lại sẽ có ảnh hưởng rõ rệt hơn đến tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong nửa cuối năm nay.

Về cơ hội của thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm 2016, các cổ phiếu lớn dẫn dắt đã phản ánh phần lớn tiềm năng tăng trưởng trong năm, mức định giá của VN-Index đã lên cao hơn so với trung bình, khoảng cách tạo sự khác biệt so với các nước trong khu vực không còn lớn. Mặc dù vậy, vẫn có 6 nhóm ngành đáng chú ý trong nửa cuối năm 2016 là thủy sản, bất động sản, đá xây dựng, thép, cảng và logistics, thủy điện.

Báo cáo chiến lược quý III/2016 của CTCK May Bank KimEng (MBKE) nhận định, nhiều khả năng, chỉ số VN-Index sẽ bứt phá lên các vùng cao hơn trong nửa đầu quý III. Về triển vọng 6 tháng cuối năm 2016, thị trường chứng khoán được MBKE dự báo xu hướng tăng điểm vẫn là chủ đạo.

"Nhiều khả năng, chỉ số VN-Index sẽ bứt phá lên các vùng cao hơn trong nửa đầu quý III"

- CTCK Maybank KimEng.

Theo phân tích của MBKE, VN-Index đang di chuyển khá lành mạnh trong một kênh giá tăng vừa phải đã kéo dài hiệu lực từ đầu năm 2016 đến nay. Điểm đặc biệt trong nửa đầu năm 2016 là khác với các năm trước (2014, 2015), đã không có những cú điều chỉnh sâu, mà thay vào đó, thường sau khi tăng lên các vùng “tới hạn” của kênh giá tăng, VN-Index lựa chọn giải pháp thực hiện các pha điều chỉnh vừa phải và không kéo dài lâu (thường khoảng 1 tháng) và sau một chút tích lũy đi ngang để ít nhất quay lại vùng “trung tuyến” của kênh giá tăng, sự đi lên sẽ lại một lần nữa được tái lập.

Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2016 vẫn đứng trước nhiều thách thức, hiệu quả kinh doanh sẽ không theo lợi thế với từng ngành riêng biệt như trước đây, mà tùy vào lợi thế cạnh tranh cũng như thế mạnh của mỗi công ty. MBKE khuyến nghị nhà đầu tư tập trung vào các công ty đầu ngành với sức khỏe tài chính lành mạnh và chiến lược khả thi như ngành thép, doanh nghiệp chuyên hoạt động xuất nhập khẩu, cảng biển, xây dựng.

Liên quan đến chính sách nới room, MBKE dự báo, câu chuyện này sẽ một lần nữa được “hâm nóng” trở lại trong quý III và cả năm 2016. Đồng thời, MBKE kỳ vọng, sẽ có nhiều hơn các doanh nghiệp thật sự được khối ngoại dành sự quan tâm lớn khi tiến hành nới room và sau đó câu chuyện thoái vốn của SCIC tại một số doanh nghiệp đã đăng ký trước đó sẽ diễn ra thành công, tạo ra xung lực lớn hơn cho sự phát triển của các doanh nghiệp này nói riêng và thị trường nói chung.

Dẫu vậy, MBKE đưa ra ý kiến lo ngại và đây cũng là lo ngại chung của thị trường là VN-Index đang tăng có phần hơi nhanh và bắt đầu bám gần hơn cạnh trên của kênh giá tăng. Chính vì vậy, xác suất điều chỉnh ngắn hạn có thể xuất hiện trong các phiên tới. Dù vậy, sự điều chỉnh nếu xảy ra cũng sẽ là một quá trình cân bằng khá lành mạnh với mức giảm nếu có sẽ ít có khả năng đưa VN-Index quay về trở lại dưới khu vực 640 điểm – vùng giá mà VN-Index đã xác lập thành công sự phá vỡ trước đó.

CTCK VNDirect cũng có cái nhìn tích cực về xu hướng thị trường trong trung hạn. Tuy nhiên, theo VNDirect, thị trường đang bước vào giai đoạn tăng khá nóng, bởi các trụ vốn hóa lớn trong khi phần nhiều các cổ phiếu cơ bản dẫn dắt cho đợt tăng từ đầu năm tới nay đang có dấu hiệu chững lại và bước vào giai đoạn củng cố. Thị trường có thể sắp bước vào một đợt điều chỉnh kéo dài vài tháng trước khi tiếp tục chinh phục các đỉnh cao mới vào các tháng cuối năm.

P/E hiện tại của TTCK Việt Nam ở mức hơn 14,3 lần hiện vẫn ở mức thấp nhất trong khu vực nhưng cũng gần tiệm cận mức của các thị trường lân cận như Trung Quốc (14,7 lần), Malaysia (15,8 lần) hay Thái Lan (ở mức 16,5 lần)... Nhưng đây cũng chỉ là một yếu tố để đánh giá thị trường là đắt hay rẻ bởi nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như lãi suất, mức độ ổn định tỷ giá, thanh khoản thị trường, khả năng chuyển đổi ra ngoại tệ để rút của khối ngoại, mức độ minh bạch thông tin, vấn đề nới room để nhà đầu tư ngoại tiếp cận doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng...

“Khi so sánh như vậy thì thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn thiếu nhiều yếu tố để đạt được mức định giá cao như các thị trường lân cận, nhưng cũng có dư địa để tăng mức định giá khi chúng ta cải thiện các yếu tố cả vĩ mô lẫn yếu tố kỹ thuật như nâng hạng để hỗ trợ thị trường tăng trưởng tiếp. Ngoài ra, mức định giá chung của thị trường thường cũng không phản ánh đúng tiềm năng của từng doanh nghiệp cụ thể và dòng tiền trong các năm gần đây vẫn đang theo hướng chọn lọc các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng mạnh nhiều hơn quan tâm tới yếu tố đắt rẻ trong ngắn hạn”, ông Du nói.   

Tin bài liên quan