Cổ phần hóa vỡ kế hoạch vì đâu?

Cổ phần hóa vỡ kế hoạch vì đâu?

(ĐTCK) Theo cập nhật của Bộ Tài chính, 10 tháng đầu năm nay, cả nước mới có 12/85 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Với quỹ thời gian còn lại của năm chỉ còn hơn một tháng, việc vỡ kế hoạch cổ phần hóa là không phải bàn cãi.

Hàng loạt “ông lớn” chậm

Đáng nói, trong số những doanh nghiệp đã hoàn thành cổ phần hóa trong năm nay đều là các đơn vị nhỏ, ít tên tuổi, không thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư, thị trường như: Công ty Cà phê Phước An - Đăk Nông; Công ty Vạn Tường, Ban Quản lý khai thác cung cấp nước sinh hoạt huyện Châu Thành (Bến Tre)...

Ngược lại, hàng loạt “ông lớn” nằm trong sự mong đợi của nhà đầu tư trong và ngoài nước từ nhiều năm nay như Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGenco1), Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGenco2), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC)… đến thời điểm này được coi như lỗi hẹn với kế hoạch cổ phần hóa vì nhiều lý do.

Với trường hợp MobiFone, do những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến việc mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), tiếp sau một loạt lãnh đạo bị vướng vào vòng lao lý, mới đây, cơ quan công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Cao Duy Hải, nguyên Tổng giám đốc MobiFone và bà Phạm Thị Phương Anh, Phó tổng giám đốc về tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng...

Với hiện trạng rối ren này, chưa biết khi nào kế hoạch cổ phần hóa của MobiFone mới được triển khai sau không ít lần lỗi hẹn.

Trong số doanh nghiệp chậm trễ cổ phần hóa kéo dài còn có EVNGenco1 và EVNGenco2. Kế hoạch cổ phần hóa hai doanh nghiệp này trong năm 2018 đến nay được coi là “đổ bể” khi mới đây, công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã báo cáo Bộ Công thương tiến độ cổ phần hoá và Bộ đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện cổ phần hóa vào đầu năm 2019...

Là địa phương có số lượng doanh nghiệp phải cổ phần hóa chiếm phần nhiều trong danh sách cổ phần hóa của cả nước năm nay, việc TP.HCM chậm trễ trong triển khai cổ phần hóa đã ảnh hưởng lớn đến mục tiêu hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa năm 2018.

Vì phát sinh nhiều vướng mắc, nên theo Văn phòng Chính phủ, vào trung tuần tháng 10 vừa qua, khi làm việc với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, lãnh đạo UBND TP.HCM đề nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh tiến độ cổ phần hoá và lộ trình thoái vốn giai đoạn 2018 - 2020, cũng như sau năm 2020. Theo đó, thay vì phải cổ phần hoá 39 doanh nghiệp trong năm 2018, Thành phố sẽ cổ phần hoá 32 doanh nghiệp trong năm 2019 và 7 doanh nghiệp vào năm 2020... 

Lãnh đạo sợ... “mất ghế”

Ý kiến của nhiều doanh nghiệp, cơ quan quản lý cho thấy, tình trạng cổ phần hóa chậm trễ hiện nay có nhiều nguyên nhân không mới, nhưng đến nay vẫn chưa được tháo gỡ.

Các doanh nghiệp đang trực tiếp triển khai cổ phần hóa, nhất là doanh nghiệp đang sử dụng diện tích đất lớn ở nhiều địa phương đều cho rằng, vướng mắc trong định giá đất là một trong những nguyên nhân chính khiến tiến độ cổ phần hóa bị chậm.

Để giải quyết vướng mắc này, các doanh nghiệp phải chờ ý kiến của bộ chủ quản, Bộ Tài chính, UBND tỉnh, thành phố..., nhiều khi mất tới hàng năm trời vẫn chưa chốt được giá trị sử dụng đất khi tính giá trị doanh nghiệp.

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận, đúng là có những doanh nghiệp sử dụng đất đai ở nhiều địa phương khác nhau nên việc triển khai cổ phần hóa bị chậm.

Do vậy, năm nay, theo kế hoạch phải cổ phần hóa 85 doanh nghiệp, nhưng mới phê duyệt được 12 doanh nghiệp. Để khắc phục tình trạng chậm trễ này, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các tổ chức, các cấp, các ngành…

“Có một điều không mới đang làm chậm tiến độ cổ phần hóa, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng nói ra. Đó là mối lo cổ phần hóa, thoái hết vốn nhà nước thì không còn làm chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc nữa, không còn xe đưa, xe đón, quyền lợi không còn.

Đó là chưa kể trong quá trình điều hành doanh nghiệp không tránh khỏi sai sót, nay đưa ra cổ phần hóa, nhiều vấn đề sẽ được làm rõ, khiến lãnh đạo doanh nghiệp e ngại nếu khới ra không khéo bị xử lý thì gay.

Không giải tỏa vướng mắc về tư tưởng này thì làm sao đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa được. Qua lắng nghe ý kiến từ doanh nghiệp, tôi ghi nhận như vậy...”, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính thẳng thắn.

Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa trong thời gian tới, ông Tiến cho rằng, ngoài việc phải giải tỏa vướng mắc về tư tưởng, về phía doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn tại doanh nghiệp cũng cần tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc về tài chính, công nợ. Cùng với đó là phối hợp chặt chẽ với các địa phương để phê duyệt kế hoạch, phương án sử dụng đất, giúp khâu định giá đất đai không mất nhiều thời gian như hiện tại.

Cổ phần hóa chậm vì sợ trách nhiệm 

Cổ phần hóa vỡ kế hoạch vì đâu? ảnh 2

 Ông Trần Thiên Hà, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán An Phát

Sau một số sai phạm liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước bị phát hiện và xử lý nghiêm, đang có tình trạng sợ trách nhiệm trong triển khai cổ phần hóa. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho tiến độ cổ phần hóa từ đầu năm đến nay chậm. Lãnh đạo doanh nghiệp tìm cách đẩy trách nhiệm lên trên.

Thậm chí, có những việc trong thẩm quyền của mình, họ cũng không dám quyết, mà đợi công văn, ý kiến trả lời của cấp trên, trong khi những trả lời này thường không rõ là doanh nghiệp làm theo cách nào, mà chỉ dừng lại ở hướng dẫn: Doanh nghiệp phải làm đúng theo quy định của pháp luật… Chính tình trạng này làm cho thực tế triển khai cổ phần hóa gặp khó khăn, vướng mắc, chậm trễ.

Để khắc phục tình trạng chậm trễ trên, các quy định pháp lý về cổ phần hóa cần hướng dẫn rõ ràng, cụ thể hơn, để doanh nghiệp dễ nắm bắt và thực hiện. Cần sự quyết liệt của cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước trong việc thúc đẩy lãnh đạo doanh nghiệp, cũng như kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, để doanh nghiệp khẩn trương tổ chức triển khai cổ phần hóa.

Một khi cổ phần hóa được triển khai quyết liệt, thực chất (nhà nước bán toàn bộ doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực không cần nắm giữ cổ phần), minh bạch, thì sẽ thu hút được nhà đầu tư tham gia.

Bài học từ thoái vốn Sabeco, Vinamilk… cho thấy ở những lĩnh vực còn nhiều tiềm năng phát triển, doanh nghiệp quản trị tốt, một khi nhà nước phát đi tín hiệu mở cửa cho tư nhân vào làm chủ doanh nghiệp hậu cổ phần hóa, thoái vốn thì sẽ thu hút được khu vực tư nhân trong và ngoài nước tham gia.

Cổ phần hóa không thuận vì sức cầu từ thị trường suy yếu

Cổ phần hóa vỡ kế hoạch vì đâu? ảnh 3

 Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn.

Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn khá trầm, nên tác động bất lợi đến sức cầu trên thị trường cổ phần hóa. Điều này phần nào thể hiện qua thực tế nhiều đợt doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa chào bán cổ phần lần ra công chúng (IPO) thời gian qua rơi vào tình trạng ế ẩm, rất ít người mua.

Nhiều cổ phiếu đang niêm yết trên thị trường chứng khoán có mức độ minh bạch cao hơn hẳn, chất lượng quản trị cũng tốt hơn so với các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, mà còn đang rơi vào ế ẩm, nên doanh nghiệp nhà nước đưa ra IPO ế là điều có thể hiểu được. Sức cầu suy yếu như vậy khiến cho nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, dù muốn cũng khó khả thi.

Nhiều khả năng tiến độ cổ phần hóa tiếp tục rơi vào tình trạng chậm trễ trong thời gian tới, nếu thị trường chứng khoán không hồi phục rõ nét, cũng như thiếu quyết tâm mới và cách làm sáng tạo từ các cấp quản lý.

Tin bài liên quan