Cổ phần hóa Vinafood 2, bầu Hiển nhập cuộc

Cổ phần hóa Vinafood 2, bầu Hiển nhập cuộc

(ĐTCK) Đến thời điểm này, CTCP Tập đoàn T&T do ông Đỗ Quang Hiển (tức bầu Hiển) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị là đơn vị duy nhất nộp hồ sơ đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược tại Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2).

Tham vọng lấn sâu vào nông nghiệp của bầu Hiển

Vinafood 2 là 1 trong 8 doanh nghiệp nhà nước tiến hành cổ phần hóa trong quý I/2018. Theo phương án cổ phần hóa, Vinafood 2 sẽ có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, tương đương 500 triệu cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần); trong đó, Nhà nước dự kiến nắm giữ 255 triệu cổ phần, tương đương 51% vốn điều lệ của Tổng công ty sau cổ phần hóa.

Tổng công ty sẽ tiến hành bán đấu giá ra công chúng 114,8 triệu cổ phần, tương đương 22,97% vốn điều lệ; bán 125 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, tương đương 25% vốn điều lệ; 0,99% cổ phần được bán cho người lao động thường xuyên và 0,44% bán cho tổ chức công đoàn. Dự kiến, ngày 14/3/2018, doanh nghiệp này tiến hành phiên đấu giá cổ phần lần đầu (IPO).

Tính từ thời điểm Vinafood 2 phát đi thông báo mời tham gia quá trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược (ngày 2/2/2018) đến nay, chỉ duy nhất CTCP Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển (tức bầu Hiển) đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược.

Với việc đăng ký tham gia làm nhà đầu tư chiến lược tại Vinafood 2, bầu Hiển thể hiện rõ tham vọng lấn sâu hơn vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo chuỗi khép kín trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Trước đó, Tập đoàn T&T đã thâu tóm thành công Tổng công ty Rau quả nông sản (Vegetexco).

Theo bản công bố thông tin của Vinafood 2, giá khởi điểm đợt chào bán công khai là 10.100 đồng/cổ phần. Như vậy, T&T phải bỏ ra ít nhất 1.262 tỷ đồng để sở hữu 25% cổ phần của Vinafood 2.

Có vẻ những thông tin không mấy tích cực tại Vinafood 2 đã khiến nhà đầu tư không mấy mặn mà với đợt đấu giá này. Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã kết luận nhiều sai phạm tại Vinafood 2 trong việc quản lý, sử dụng vốn sai quy định với số tiền hàng nghìn tỷ đồng, dẫn đến hậu quả kinh doanh thua lỗ, nợ khó đòi, mất vốn Nhà nước.

Ngoài ra, Vinafood 2 cũng đưa ra một loạt điều kiện khắt khe để trở thành nhà đầu tư chiến lược của Tổng công ty như phải là doanh nghiệp có thời gian hoạt động tối thiểu 5 năm; trong đó, tối thiểu 3 năm hoạt động trong lĩnh vực nông sản, lương thực, thực phẩm; có vốn điều lệ không dưới 2.500 tỷ đồng; có lợi nhuận ròng sau thuế 3 năm liên tiếp từ 2014 - 2016 và không lỗ lũy kế tại thời điểm 31/12/2016. Nhà đầu tư chiến lược cũng phải cam kết thực hiện tái cơ cấu Vinafood 2 phát triển đúng lĩnh vực nông sản, lương thực, thực phẩm, không chuyển nhượng cổ phần trong thời hạn 5 năm kể từ ngày trở thành nhà đầu tư…

Hiện Tập đoàn T&T của bầu Hiển được Vinafood 2 quyết định chọn là nhà đầu tư chiến lược và đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vinafood 2 cho biết, Tập đoàn T&T đã đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí về vốn điều lệ, tình hình tài chính (vốn điều lệ trên 5.000 tỷ đồng, liên tục có lãi từ năm 2013 - 2016) cũng như có kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp và đầy đủ các cam kết khi tham gia làm nhà đầu tư chiến lược tại Vinafood 2.

Nếu mua thành công 25% cổ phần tại Vinafood 2, đây sẽ là một bước tiến dài của Tập đoàn T&T trong việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Bom tấn ngành lương thực, nhưng kém hiệu quả

Vinafood 2 tiền thân là Tổng công ty Lúa gạo miền Nam, được thành lập năm 1976. Tháng 7/2003, Tổng công ty được thí điểm tổ chức hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con của Chính phủ. Sau hơn 40 năm hoạt động, Vinafood 2 trở thành một trong những chế biến và xuất khẩu lúa gạo hàng đầu cả nước với sản lượng chế biến và xuất khẩu bình quân hàng năm đạt khoảng 2,8 - 3 triệu tấn gạo.

Được đánh giá là một doanh nghiệp “bom tấn” của ngành lương thực, nhưng nhiều năm trở lại đây, hoạt động kinh doanh của Vinafood 2 sa sút. Năm 2016, doanh thu thuần của doanh nghiệp này chỉ đạt 9.951 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm 2015; lợi nhuận gộp đạt 1.561 tỷ đồng, giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với năm 2015 (đạt 2.582 tỷ đồng). Tính đến cuối năm 2016, Tổng công ty lỗ ròng 798 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2017, Vinafood 2 lỗ tiếp 118 tỷ đồng.

Theo đánh giá của CTCP Định giá và dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC) thực hiện tại cuối tháng 3/2015, định giá của Vinafood 2 là 14.277 tỷ đồng, tăng hơn 623 tỷ đồng so với số liệu sổ sách kế toán của Vinafood 2 (giá trị sổ sách là 12.789 tỷ đồng). Tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn của doanh nghiệp này đạt 8.627 tỷ đồng; tổng giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại Vinafood 2 là 4.980 tỷ đồng.

Tháng 9/2016, Thủ tướng yêu cầu Kiểm toán Nhà nước xác định giá trị doanh nghiệp lần 2 của Vinafood 2 lại ghi nhận một số điều chỉnh giá trị doanh nghiệp. Nguyên nhân chủ yếu do thay đổi chính sách và thời điểm xác định, đánh giá lại khoản đầu tư tài chính dài hạn. Theo đó, giá trị doanh nghiệp của Vinafood 2 đạt 14.610 tỷ đồng, trong đó phần vốn Nhà nước là 5.380 tỷ đồng.

Nếu cổ phần hóa thành công trong năm 2018, Vinafood 2 sẽ bước sang một trang sử mới. Một cơ cấu cổ đông mới mẻ, đặc biệt là sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược với tiềm lực tài chính mạnh và cam kết tái cấu trúc doanh nghiệp, kỳ vọng Vinafood 2 sẽ phát triển ổn định hơn, xứng đáng với vị thế của doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp nước nhà.                    

Tin bài liên quan