Hoạt động cổ phần hóa thời gian qua chưa đạt cả về lượng và chất

Hoạt động cổ phần hóa thời gian qua chưa đạt cả về lượng và chất

Cổ phần hóa vào tầm giám sát của Quốc hội

(ĐTCK) Trong số nhiều nội dung được đưa ra xem xét và lựa chọn trong chương trình giám sát năm 2018, Quốc hội đã chọn giám sát cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016. Điều đó cho thấy độ “nóng” của vấn đề này.

Mối ngờ lợi ích nhóm

Theo cập nhật của Bộ Tài chính, gần nửa năm trôi qua, cả nước chỉ cổ phần hóa được 13 doanh nghiệp. Sự chậm trễ này, theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng), kéo dài suốt thời gian qua, nhưng chưa được xử lý triệt để.

Được biết, tổng giá trị vốn thuộc sở hữu nhà nước từ 50% trở lên trong các doanh nghiệp là khoảng 5,4 triệu tỷ đồng, số người nhà nước tham gia quản lý khối tài sản này không hề nhỏ. Đi cùng với nó là chế độ, là quyền lợi, là chính sách với họ.

Có một câu hỏi, phải chăng đây chính là lý do cản trở chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, một chủ trương lớn, mở đường giải phóng nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển trong tương lai...

“Cử tri luôn đặt câu hỏi với chúng tôi rằng có hay không sự thao túng của nhóm lợi ích trong câu chuyện này. Thật khó có thể trả lời rằng không, vì ở đâu đó hiện tượng thâu tóm cổ phần, biến tài sản công thành tài sản tư, làm giàu một cách rõ ràng không bình thường vẫn đang diễn ra...”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, một số người có chức, có quyền trong doanh nghiệp nhà nước và người thân của họ lợi dụng việc nắm giữ thông tin, thao túng quá trình cổ phần hóa, gom những lô đất vàng được đánh giá với giá trị thấp, nhưng sau khi cổ phần hóa được bán ra với giá cao ngất ngưởng, mà không tìm thấy bất cứ lý do nào dẫn đến sự đột biến giá như vậy…

Cũng với nghi ngại có lợi ích nhóm trong cổ phần hóa, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) đặt câu hỏi: “Có hay không sự chậm trễ cổ phần hóa là do lợi ích nhóm…?”.

Bao quát ở tầm rộng hơn, đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, cổ phần hóa thời gian qua chưa đạt cả về lượng và chất do một số chính sách về đổi mới tổ chức, quản lý hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp ban hành chậm so với kế hoạch.

Chưa có quy định nâng cao chất lượng và ràng buộc trách nhiệm của tổ chức tư vấn khi xác định giá trị doanh nghiệp và giá khởi điểm của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa; xử lý đất đai khi cổ phần hóa chưa chặt chẽ, còn bất cập...

Một số bộ, ngành, địa phương chưa thật sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện phương án sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn đã được phê duyệt...

Trước thực tế trên, với 88,8% đại biểu dự họp tán thành, Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018. Trong đó, Quốc hội tiến hành giám sát 1 chuyên đề tại Kỳ họp thứ 5 là: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016”.

Cần truy trách nhiệm cá nhân

Để hiệu quả giám sát đạt kết quả cao, qua đó thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa đạt yêu cầu cả về lượng và chất, Đại biểu Hoàng Văn Hùng đề nghị, cần đánh giá những nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến cổ phần hóa và thoái vốn ở doanh nghiệp nhà nước trong thời gian vừa qua diễn ra chậm.

Làm rõ công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành xem đã thật sự quyết liệt chưa, hay do hành lang pháp lý, những giải pháp chính sách và các quy định chưa phù hợp với thực tiễn và chưa tháo gỡ được nút thắt trong quá trình triển khai thực hiện...

“Cần xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, cá nhân không chấp hành nghiêm việc triển khai cổ phần hóa và thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực không cần thiết chi phối…”. ông Hùng đề nghị.

Việc giám sát chuyên sâu được kỳ vọng sẽ giúp cho Quốc hội nhận diện được tổng thể về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đánh giá hiệu quả đạt được, cũng như những hạn chế, bất cập của chính sách, công tác điều hành, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu các cơ quan liên quan. Trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp hữu hiệu hơn để đẩy nhanh tiến độ, thực hiện có hiệu quả việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Để nâng cao chất lượng cổ phần hóa, Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp vừa yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai khai cổ phần hóa, thoái vốn theo cơ chế thị trường, không để xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm, thất thoát vốn và tài sản, đảm bảo hoàn thành đúng kế hoạch đã được phê duyệt.

Hội đồng thành viên các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước trước ngày 31/7/2017 phải trình cấp có thẩm quyền phương án cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020, tổ chức phương án cơ cấu lại doanh nghiệp sau khi được phê duyệt…

Tin bài liên quan