Với giá khởi điểm 10.600 đồng/CP, giá đấu bình quân của Thăng Long GTC chỉ là 10.724 đồng/CP. Đợt đấu giá cũng chỉ thu hút 18 nhà đầu tư tham gia, trong đó có 2 nhà đầu tư tổ chức.
Sau khi đấu giá công khai, Công ty sẽ thực hiện bán 33,2 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Giá bán do Ban chỉ đạo cổ phần hóa thỏa thuận, nhưng không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất của cuộc đấu giá công khai.
Trong khi đó, với một loạt tài sản giá trị trong tay như tỷ lệ cổ phần lớn ở các khách sạn lớn tại Hà Nội, BigC, đặc biệt là quyền sử dụng các khu đất đẹp có diện tích rất lớn, Thăng Long GTC được các CTCK định giá thận trọng ở mức 28.000 - 40.000 đồng/CP, còn thị trường thì ước lượng giá trúng bình quân có thể lên tới 70.000 - 80.000 đồng/CP.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả đợt IPO trên, song giới phân tích chia sẻ một nhận định chung là, sức cầu trên thị trường yếu. Nhà đầu tư nhỏ lẻ không còn mặn mà với các đợt IPO, còn nhà đầu tư lớn e ngại cái bóng của nhà đầu tư chiến lược tại Thăng Long GTC.
Giá trúng bình quân của đợt IPO thấp, có thể dẫn tới việc giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược thấp, giá trị Nhà nước thu được từ cổ phần hóa DN có rất nhiều tiềm năng này có thể không tương xứng.
Câu chuyện của Thăng Long GTC là một ví dụ cho thấy kế hoạch cổ phần hóa các DNNN đang gặp thách thức về số lượng và chất lượng.
Số lượng thấp
Thông tin từ Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN cho thấy, 8 tháng đầu năm, mới hoàn thành cổ phần hóa được 95 DN, dự kiến năm 2015 sẽ cổ phần hóa được 200 DN. 89 DN còn lại khó có khả năng hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2015.
Khảo sát của ĐTCK cho thấy, nhiều tổng công ty bị chậm tiến độ cổ phần hóa 3-6 tháng so với kế hoạch đã đề ra. Đơn cử, Công ty mẹ Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) dự kiến trình Bộ Xây dựng phương án cổ phần hóa trước ngày 30/6/2015 và hoàn tất phương án cổ phần hóa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước 31/7/2015.
Đến 31/12/2015, dự kiến Vicem sẽ hoàn thành các nội dung thực hiện công bố thông tin, tổ chức IPO, tổ chức bán cổ phần ưu đãi cho người lao động, tổng hợp kết quả bán cổ phần… Tuy nhiên, cho đến nay, Vicem và Bộ chủ quản chưa công bố được giá trị DN.
Tiến trình cổ phần hóa Công ty mẹ -Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cũng khá chậm. Ngày 30/12/2014, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành quyết định phê duyệt giá trị DN để cổ phần hóa công ty mẹ, Tổng công ty đã ký kết hợp đồng với đơn vị tư vấn xây dựng phương án cổ phần hóa, song đến nay chưa có thêm thông tin nào được công bố ra thị trường.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện cổ phần hóa Tổng công ty Lilama, Coma trong năm 2014, cụ thể là quý II/2014, Bộ Xây dựng phải chỉ đạo, xây dựng và trình Chính phủ phương án cổ phần hóa các tổng công ty này.
Song đã hơn 1 năm kể từ thời điểm trên, các tổng công ty còn rất ì ạch với nhiệm vụ này. Tại Lilama, Bộ Xây dựng đã phê duyệt kế hoạch công bố thông tin từ hơn 1 tháng trước, tổ chức họp và chỉ đạo 3 ngày sau DN phải công bố thông tin nhưng giá khởi điểm của đợt IPO vẫn chưa được phê duyệt. Vậy câu hỏi đặt ra là, DN sẽ công bố cái gì?
Sáng hôm nay (ngày 14/9), Tổng công ty Giấy Việt Nam sẽ công bố giá trị DN và dự kiến cuối tháng 9 sẽ chốt lại để có thể công bố thông tin ra thị trường về đợt IPO. Tiến trình này cũng bị chậm gần nửa năm so với kế hoạch.
Chất lượng nghèo
Cùng với con số DN chậm cổ phần hóa còn rất lớn, số lượng cổ phần bán được qua các đợt IPO rất nhỏ. Báo cáo của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, đến cuối tháng 8, có 70 DN cổ phần hóa bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) ra công chúng tại sở GDCK và các CTCK với tổng số lượng cổ phần chào bán là 734.571.659, trị giá 7.345,7 tỷ đồng.
Kết quả, số cổ phiếu bán được là 232.113.993, đạt 31,6% tổng số lượng cổ phần chào bán. Trong đó có 40 DN bán đạt 99% tổng số cổ phần chào bán. Như vậy, có thể thấy, 30 DN còn lại ế rất nhiều, thậm chí là không bán được cổ phần nào.
Việc nhiều DN ế cổ phần đem ra chào bán đã phần nào ảnh hưởng tới tâm lý và sức cầu trên thị trường, mà câu chuyện của Thăng Long GTC ở trên là một ví dụ.
Bên cạnh hệ lụy tài sản Nhà nước bán với giá thấp, không tương xứng với tiềm năng, việc thiếu quảng bá thông tin về các đợt IPO cũng như thiếu sự bảo đảm vị thế pháp lý của nhà đầu tư chiến lược trong DN sau khi cổ phần hóa đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài gần đây vắng bóng trong các đợt chào bán cổ phần lần đầu của DN Nhà nước ra công chúng.
Thống kê của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho thấy, trong 247 DNNN cổ phần hóa trong năm 2011 - 2014, chỉ có 3 DN bán hơn 5% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, đều là những DN Nhật Bản (bao gồm cả công ty liên doanh trong nước).
Tỷ lệ sở hữu của Nhà nước sau cổ phần hóa trung bình là 90% tại 143 DN đã cổ phần hóa trong năm 2014 cũng như việc DN không bán được hết cổ phần theo kế hoạch từ đầu năm 2015 đến nay đặt ra thách thức lớn về thay đổi quản trị DN (hay nói cách khác là thay đổi về chất lượng) sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động. Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital nhận xét rằng, nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy nản lòng và không muốn bỏ vốn vào những DN mà HĐQT và Ban điều hành DN không có gì khác so với trước cổ phần hóa.
Đi tìm nguyên nhân?
Có nhiều nguyên nhân được đem ra mổ xẻ nhằm giải thích cho việc chậm trễ trên. Ngoài lý do khách quan là biến động của thị trường tài chính chứng khoán quốc tế thì những khó khăn của nền kinh tế trong nước đã ảnh hưởng đến thị trường tài chính chứng khoán và việc bán cổ phần thoái vốn Nhà nước.
Song theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, nguyên nhân lớn nhất là việc ban hành cơ chế chính sách về đổi mới tổ chức quản lý và tái cơ cấu DNNN chưa đạt tiến độ đề ra, cụ thể có tới 7/11 văn bản được các Bộ ngành trình Chính phủ chậm so với kế hoạch. Hệ quả là việc bổ sung sửa đổi cơ chế chính sách để tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn chưa kịp thời, việc bán cổ phần theo lô và các nội dung liên quan đến xử lý tài chính khi cổ phần hóa đã được Chính phủ quyết nghị tại Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 1/6/2015 đến nay vẫn chưa được thể chế hóa thành quy định pháp lý để áp dụng do vướng về trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Phản ánh từ các tổng công ty và đơn vị tư vấn định giá DN cho thấy, nút thắt lớn nhất hiện nay gây ra sự chậm trễ trong quá trình cổ phần hóa là việc xử lý nợ xấu, nợ khó đòi, và các vấn đề về tài chính DN.
Trong suốt 20 năm qua, nhiều công ty con, cháu trực thuộc các tổng công ty, tập đoàn tiến hành cổ phần hóa. Trong quá trình đó, có những khoản nợ xấu, những dự án rắc rối, tranh chấp về pháp lý thường được tách ra, đẩy về công ty mẹ giải quyết sau để công ty con có thể dễ dàng phê duyệt giá trị cổ phần hóa. Nay đến lượt các công ty mẹ cổ phần hóa, xử lý những khoản nợ này tiếp tục là vấn đề nan giải.
Chẳng hạn, tại một tổng công ty nọ, công ty con có khoản nợ khó đòi với một đối tác nước ngoài gần 100 tỷ đồng nhưng giờ không xác định được đối tác nước ngoài trên ở đâu. Ở một tổng công ty khác có đối tác Trung Quốc nợ gần 60 tỷ đồng, giờ không liên hệ được với đối tác Trung Quốc.
Cách giải quyết phổ biến hiện nay là DN sẽ tổng hợp thông tin về các món nợ khó đòi, báo cáo cơ quan chủ quản xin cơ chế xử lý đặc thù. “Quá trình định giá DN hiện gặp nhiều vướng mắc và việc giải quyết thường phụ thuộc vào mức độ quyết đoán của các Ban chỉ đạo cổ phần hóa, vào sự nhiệt huyết của các tổ giúp việc Ban chỉ đạo đặt tại DN…”, thành viên Ban chỉ đạo cổ phần hóa một tổng công ty chia sẻ.
Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN cũng nêu ra thực tế, nhiều DN thực hiện sắp xếp cổ phần hóa giai đoạn hiện nay có quy mô lớn phạm vi hoạt động rộng tình hình tài chính phức tạp, việc xử lý công nợ xử lý tài chính phương án sử dụng đất trong quá trình xác định giá trị DN để cổ phần hóa việc lựa chọn cổ đông chiến lược cần có nhiều thời gian để chuẩn bị xử lý…
Để hóa giải những nút thắt trên, việc ban hành sớm và kịp thời các văn bản quy định như Nghị định xử lý tài chính khi cổ phần hóa DNNN, 4 nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp 2014 và 2 nghị định hướng dẫn Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại DN, Quyết định sửa đổi bổ sung về tiêu chí danh mục DNNN… là cần thiết.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia của các Ban chỉ đạo cổ phần hóa DNNN, rất khó để có thể ban hành các văn bản pháp luật bao quát và xử lý được tất cả những vấn đề, khó khăn nảy sinh trong quá trình cổ phần hóa DNNN.
Bởi vậy, bên cạnh việc ban hành các văn bản cần thiết, để đảm bảo số lượng và chất lượng cổ phần hóa, Chính phủ nên xem xét đưa ra quy định cụ thể về thời gian xử lý các vướng mắc cho các trường hợp đặc thù nảy sinh trong quá trình thực hiện cổ phần hóa tại các DN đối với từng cấp từ tổ giúp việc, Ban chỉ đạo cổ phần hóa, đến bộ chủ quản, các bộ liên quan và Văn phòng Chính phủ…