Bình mới rượu cũ và cổ phần hóa không thực chất
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế 2017 diễn ra sáng 2/12, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, từ năm 2012 đến tháng 10/2015, toàn bộ số vốn Nhà nước thoái ra chỉ tương đương khoảng 2% tổng giá trị sổ sách của các doanh nghiệp nhà nước.
Đây là một trong các số liệu mà ông Lộc đưa ra để khẳng định hoạt động cổ phần hóa vẫn diễn ra chậm và chưa thực chất.
Ông cũng cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, đã sắp xếp được 558 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa được 478 doanh nghiệp, đạt 93% kế hoạch, sắp xếp theo hình thức khác 80 doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, theo Chủ tịch VCCI, kết quả này "không có nhiều ý nghĩa", bởi vì trên thực tế số vốn Nhà nước thoái ra khỏi doanh nghiệp nhà nước "không đáng bao nhiêu", trong khi hiệu quả quản trị doanh nghiệp không được cải thiện đáng kể.
Quá trình cổ phần hóa đang diễn ra rất chậm và chưa thực chất.
- Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc.
Tính tích lũy kể từ năm 2012 đến tháng 10/2015, Nhà nước thoái 16.450 tỷ đồng, thu về 22.870 tỷ đồng. Toàn bộ số vốn Nhà nước thoái ra chỉ tương đương khoảng 2% tổng giá trị sổ sách của các doanh nghiệp nhà nước.
"Quá trình cổ phần hóa đang diễn ra rất chậm và chưa thực chất”, Chủ tịch VCCI khẳng định.
Cũng theo ông Lộc, một số doanh nghiệp thực chất chỉ là chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần về hình thức, nhiều trường hợp đối tác mua cổ phần của doanh nghiệp nhà nước chính là các doanh nghiệp nhà nước khác dẫn tới tình trạng sở hữu chéo lẫn nhau.
Do vậy, về bản chất, các doanh nghiệp vẫn là doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa thành công.
Đồng quan điểm, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính, cho biết, vấn đề cổ phần hóa nhanh chậm có thể xét trên nhiều góc độ.
Về số lượng, từ năm 2011 - 2015, chúng ta hoàn thành 93% kế hoạch, kết quả này có thể nói là khá ổn. Tuy nhiên, đứng trên góc độ hiệu quả đóng góp cho nền kinh tế thì hoạt động này là chậm.
Cụ thể, tỷ lệ vốn nhà nước bình quân tại doanh nghiệp sau cổ phần hóa vẫn khoảng 65%, cho thấy Nhà nước không giải phóng được nguồn lực để khu vực tư nhân phát triển. Mặt khác, chất lượng quản trị doanh nghiệp không được cải thiện.
“Nếu không có sự thay đổi thì tất cả chỉ là hình thức và bào toán “bình mới rượu cũ” vẫn xảy ra”, ông Tiến đánh giá.
Theo ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2011 đến tháng 9/2016 đã có 426 doanh nghiệp triển khai xong cổ phần lần đầu, trong đó chỉ có 254 doanh nghiệp bán được hết số cổ phần, chiếm 60%, 172 doanh nghiệp, chiếm 40% chưa bán hết cổ phần. Điều này thể hiện sự hấp thụ từ bên ngoài còn chưa được cao.
Nếu không có sự thay đổi thì tất cả chỉ là hình thức và bào toán “bình mới rượu cũ” vẫn xảy ra.
- Ông Đặng Quyết Tiến, Cục phó Cục Tài chính doanh nghiệp
(Bộ Tài chính).
Báo cáo của Bộ tài chính mới đây cũng báo cáo cụ thể những doanh nghiệp lớn còn có vốn của nhà nước cao sau khi cổ phần như Lilama có 98%, Tổng công ty Hàng không Việt Nam 95,5%, Tổng công ty Xăng dầu 94,99%, Tổng công ty Thép 93,6%, Cảng hàng không 92%…
Khó nhất trong thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là định giá. Liên quan đến vấn đề này, luật sư Lê Nết, Công ty Luật LNT&Partnes bình luận, cách định giá theo tài sản hiện tại là bản thân người bán - chủ doanh nghiệp cổ phần tự định giá trị doanh nghiệp mình. Tuy nhiên, nếu nhìn theo cách nhìn kinh tế luật thực tế phải là người mua định giá mới là phù hợp và chính xác.
Sau cổ phần hóa, Nhà nước vẫn sở hữu 95,5% vốn cổ phần của Vietnam Airlines
“Bây giờ, để người mua định giá thì phải tiến hành đấu giá, tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện nay đang cổ phần hóa thành ra quên mất mục tiêu của mình. Thực chất chúng ta bán tài sản hoặc cho thuê tài sản không liên quan đến cổ phần, cổ phiếu nhưng chúng ta lại đang nhốt chung vào cổ phần hóa. Do đó, chúng ta phải hiểu bản chất vấn đề là tư nhân hóa, gồm cả bán cổ phần và bán tài sản. Phần xác định giá trị và khoản nợ vẫn theo định giá hiện tại chứ không phải theo định giá đồng tiền tương lai”, ông Nết cho biết.
Cũng theo ông Nết, gần đây, cũng có xu hướng mở, quy định cho thuê công ty tư vấn vào định giá. Bản thân Công ty LTN&Partners đã tham gia vào thoái vốn một số tập đoàn như Big C.
Quy trình của họ rất đơn giản, họ thuê một bên tư vấn để báo cáo chi tiết và lập ra danh sách những nhà đầu tư tiềm năng, họ tính được giá trị cộng hưởng. Sau đó, những nhà đầu tư phản hồi và bản thân người mua tự định giá, giá cao nhất được vào vòng trong, sau đó qua các vòng đàm phán song song tạo sức ép cho người mua và Big C bán được với giá cao nhất. Nhưng điều kiện để áp dụng hình thức này phải bán với lô lớn, còn nếu đưa lên sàn thì tức là chẻ nhỏ tài sản thì sẽ không thể có giá cao, doanh nghiệp cũng không nhất thiết phải lên sàn.
Do đó, theo ông Nết, ngay từ đầu doanh nghiệp phải xác định mục tiêu và thuê đơn vị tư vấn. Muốn cổ phần hóa nhanh thì được nhưng bán giá tốt thì không thể nhanh được. Nếu doanh nghiệp yếu kém quá phải chuyển qua bán tài sản chứ không thể cổ phần được.
Ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cho biết, đối với cổ phần hoá ngoài mục tiêu bán vốn thì có nhiều mục tiêu khác. Ban chỉ đạo cổ phần hoá có trách nhiệm rất lớn trong việc xác định tài sản của DN và nếu cao quá thì chẳng ai mua.
Theo ông Thinh, thông tin đưa ra cho nhà đầu tư trong quá trình định giá chưa đầy đủ. Ngoài những thông tin về báo cáo tài chính, nhà đầu tư đòi hỏi phải có thông tin về pháp lý thậm chí là cả thông tin về phi tài chính cũng phải minh bạch. Do đó, nhà đầu tư chưa thực sự tin tưởng với mức giá doanh nghiệp đưa ra.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng: “Quan trọng nhất hiện nay là thông tin đưa ra chưa đầy đủ nên nhiều người mua xong lại vỡ lẽ là tôi mua nhầm. Thông tin không nên úp úp mở mở. Giai đoạn đầu mọi người háo hức mua, tuy nhiên khi chững lại thì phát hiện ra là tư vấn kém, người nước ngoài nhìn vào như vậy sẽ không dám mua”.