Ông có thể chia sẻ thông tin về các đợt cổ phần hóa doanh nghiệp trực thuộc Bộ GTVT trong thời gian tới?
Từ cuối năm 2013, Bộ triển khai mạnh công tác đổi mới DNNN, trong đó tập trung vào cổ phần hóa. Đến nay, đã hoàn thành cổ phần hóa 10 tổng công ty; trong đó, có 7 tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng: đầu tư vào cơ sở hạ tầng và xây dựng hạ tầng.
Ở thời điểm bắt đầu triển khai cổ phần hóa 10 tổng công ty trên, nhiều người cho rằng, sẽ không có ai mua bởi thời điểm đó nhiều doanh nghiệp thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận thấp. Tuy nhiên, khi triển khai, có nhiều yếu tố tác động khiến doanh nghiệp ngành hạ tầng thu hút được nhiều nhà đầu tư. Trong 10 tổng công ty đã cổ phần hóa thì có 7 tổng công ty lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược, điều này tạo ra tác động tích cực đến các nhà đầu tư nhỏ lẻ khác. Sau đó, 7 tổng công ty này IPO khá thành công.
Sắp tới, Bộ GTVT tiếp tục cổ phần hóa các đơn vị lớn như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Cửu Long, Tổng công ty Hàng hải…
Ngoài các đơn vị trên, năm 2015, Bộ lên kế hoạch thực hiện cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập như Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương. Phương án cổ phần hóa đơn vị này đã hoàn thành và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, dự kiến sẽ IPO vào tháng 6, tháng 7 năm nay. Đến năm 2016, Bộ sẽ thực hiện cổ phần hóa tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập gồm 10 bệnh viện, 7 - 8 trường cao đẳng và 4 trung tâm đăng kiểm. Phương án cổ phần hóa Bệnh viện Thăng Long cũng đang được xây dựng. Theo kế hoạch, trong năm 2015, chúng tôi sẽ thực hiện khoảng 40 - 50 đợt IPO của các doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc Bộ.
Tại cuộc họp của Chính phủ mới đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đề xuất Thủ tướng cho thực hiện cơ chế bán cổ phiếu lô lớn cho các nhà đầu tư. Việc này đã được Thủ tướng trả lời như thế nào?
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành có liên quan xây dựng cơ chế, còn với Bộ GTVT, trong quá trình thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp trực thuộc, nếu có trường hợp nào cần bán cổ phiếu lô lớn, Bộ sẽ đề xuất trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ. Quan điểm là làm sao để tìm được các nhà đầu tư thực sự có năng lực và tâm huyết với doanh nghiệp.
Gần đây, ở một số doanh nghiệp, có nhiều nhà đầu tư cùng ngỏ ý muốn tham gia đầu tư lớn. Trong trường hợp này, Bộ sẽ lựa chọn nhà đầu tư như thế nào?
Theo quy định, có nhiều nhà đầu tư cùng muốn tham gia bỏ vốn vào một doanh nghiệp thì chúng tôi sẽ thực hiện đấu giá. Còn việc chọn lựa nhà đầu tư sẽ phụ thuộc vào việc doanh nghiệp đang cần gì, thiếu gì cho quá trình phát triển sau IPO. Có doanh nghiệp cần vốn, có doanh nghiệp cần thị trường, có đơn vị lại cần kinh nghiệm, năng lực tổ chức tốt, có nơi lại cần đối tác có trình độ khoa học công nghệ. Chẳng hạn, Vietnam Airlines ưu tiên chọn đối tác để kết nối được mạng bay, Tổng công ty Cảng hàng không ưu tiên cho nhà đầu tư có năng lực tài chính vì họ muốn có nguồn lực để xây thêm nhiều cảng hàng không… Trên cơ sở chiến lược của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, họ sẽ đưa ra tiêu chí và Bộ sẽ xem xét dựa trên cơ sở đó.
Không chỉ bán một phần vốn, gần đây, Bộ GTVT còn thoái hết vốn tại nhiều doanh nghiệp. Quan điểm của Bộ về vấn đề này như thế nào?
Cách đây 2 tháng, Bộ đã bán hết cổ phần của Nhà nước khỏi Cienco1 và Cienco4. Từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ đẩy mạnh thoái vốn đối với những doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa. 8 tổng công ty đã cổ phần hóa sẽ được tiếp tục thoái vốn Nhà nước để các doanh nghiệp này có những thay đổi về chất.
Trên thực tế, các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đều có những tiến triển tích cực. 6 tháng sau cổ phần hóa, thống kê sơ bộ cho thấy, tại 10 tổng công ty có tổng tài sản tăng 18,59%, vốn chủ sở hữu tăng 17,21%, doanh thu tăng 15,32%, lợi nhuận tăng 82,96% và thu nhập người lao động tăng 22,6% so với năm 2013. Chúng tôi đang yêu cầu, tới đây, các doanh nghiệp tổng kết lại tình hình hoạt động sau 1 năm cổ phần hóa để có bức tranh cụ thể nhất.
Hiện cổ phiếu doanh nghiệp ngành giao thông trên sàn thứ cấp rất lèo tèo. Với các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, Bộ có giải pháp gì để doanh nghiệp khẩn trương lên sàn?
Bộ đang khẩn trương thực hiện thủ tục bàn giao vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp để họ có thể đưa cổ phiếu ra niêm yết. Các doanh nghiệp lớn như Vietnam Airlines cũng sẽ sớm đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM theo quy định.