Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa thay đổi nhiều về chất

Trao đổi trước giờ khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2015 sáng nay với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để hội nhập quốc tế”, bà Virginia Foote, đồng chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam chia sẻ, việc cổ phần hóa DNNN vẫn như là một cách để gọi vốn chứ không thay đổi được nhiều về quản trị doanh nghiệp.
Hai vị đồng chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam

Hai vị đồng chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam

Trao đổi trước giờ khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2015 với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để hội nhập quốc tế”, bà Virginia Foote, đồng chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam mong rằng, sẽ có lãnh đạo các bộ, ngành có đủ thẩm quyền để trả lời các vấn đề cộng đồng các doanh nghiệp nước ngoài đưa ra. Vì theo bà, cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam vẫn có nhiều tâm tư.

“Doanh nghiệp sẽ tận dụng cơ hội của hội nhập, của các hiệp định thương mại tự do mới thế nào khi chi phí và thủ tục xin visa khó khăn hơn năm ngoái, thủ tục xin giấy phép lao động cũng vẫn bị doanh nghiệp kêu ca”, bà Virginia Foote nhắc tới các vấn đề sẽ được bàn tới trong các phiên đối thoại VBF giữa kỳ sẽ diễn ra sáng nay, 9/6.

Đặc biệt, vị đồng chủ tịch liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tỏ vẻ thất vọng với tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. “Cổ phần hóa vẫn như là một cách để gọi vốn chứ không thay đổi được nhiều về quản trị doanh nghiệp. Tỷ lệ bán cổ phần thấp thì nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà, doanh nghiệp cũng không thay đổi được gì nhiều”, bà Virginia Foote thẳng thắn.

Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam lại lo năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân trong nước quá yếu để nói về cạnh tranh trong hội nhập.

Dẫn nghiên cứu của VCCI về tỷ lệ tới 96% là doanh nghiệp nhỏ và cực nhỏ, 2% doanh nghiệp cỡ vừa và 2% doanh nghiệp quy mô lớn, ông Lộc lo ngại khả năng kết nối được với chuỗi sản xuất toàn cầu của nền kinh tế toàn doanh nghiệp nhỏ và cực nhỏ.

“Vai trò kinh tế tư nhân tăng lên là đáng mừng, chiếm 49% GDP, nhưng trong đó 33% từ khu vực kinh tế cá thể chứ không phải doanh nghiệp tư nhân. Tỷ lệ này tăng lên trong những năm qua cho thấy xu hướng li ti hóa,  manh mún tăng lên. VBF giữa kỳ sẽ phải tìm giải pháp cho câu hỏi làm thế nào để khu vực tư nhân lớn lên, có thể trở thành đối tác của khu vực FDI. Chỉ một khu vực tư nhân nội địa mạnh mới đảm bảo sức cạnh tranh của nền kinh tế”, ông Lộc bày tỏ quan điểm.

Ông Lộc cũng tiết lộ sẽ đề cập đến các vấn đề liên quan đến khuyến khích doanh nghiệp sáng tạo khởi nghiệp và một môi trường đầu tư kinh doanh không chỉ thông thoáng, thuận lợi mà còn an toàn với giới đầu tư kinh doanh.

“Doanh nghiệp Việt Nam khá mong manh khi các quy định pháp luật chưa thống nhất, dễ bị vận dụng sai, dễ bị hình sự hóa. Yếu kém trong thiết chế pháp lý nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của doanh nghiệp khiến doanh nghiệp rất không yên tâm làm ăn lâu dài. Chúng tôi sẽ đặt vấn đề này với các cơ quan của Chính phủ”, ông Lộc cho biết.

Tin bài liên quan