Minh định giá trị quyền sử dụng đất
Doanh nghiệp có quyền sở hữu diện tích đất đai lớn, cả đất giao và đất thuê đều trở thành tâm điểm săn đón của các nhà đầu tư trong quá trình cổ phần hóa, nhưng đây cũng là nút thắt khiến cổ phần hóa chậm.
Đảm nhận vai trò trưởng ban chỉ đạo cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn nêu ra những khó khăn mà bộ này gặp phải trong quá trình xác định giá trị đất khi định giá doanh nghiệp cổ phần hóa, đặc biệt là với các doanh nghiệp quản lý quỹ đất lớn. Đơn cử, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đang quản lý tới hơn 300.000 ha đất hay Tổng công ty Cà phê Việt Nam đang quản lý quỹ đất tới 35.000 ha. Đây đều là đất thuê, tức là không đưa vào định giá tài sản doanh nghiệp, hay nói cách khác định giá những quyền sử dụng đất này bằng 0.
“Đằng sau quỹ đất lớn này là các vườn cao su, cà phê ở vùng sâu, vùng xa, liên quan đến đời sống của hàng nghìn hộ dân. Bởi vậy, ở đây không chỉ đơn thuần là cổ phần hóa rồi đưa doanh nghiệp lên sàn chứng khoán là xong, mà làm thế nào để đảm bảo ổn định nông thôn, nông dân là bài toán không thể không có lời giải thấu đáo”, ông Tuấn nói.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đang quản lý tới hơn 300.000 ha đất
Cũng liên quan đến vấn đề đất đai, ông Tuấn chỉ ra thực tế cho thấy việc xác định giá trị thương quyền đối với các khu đất mà các doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng có vị trí địa lý đắc địa, lợi thế thương mại lớn hiện chưa rõ ràng.
Tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, một doanh nghiệp mà ông Tuấn ngồi ghế Trưởng ban chỉ đạo cổ phần hóa là Tổng công ty Vật tư nông nghiệp gần 5 năm nay vẫn dùng dằng cổ phần hóa và đang phải giải quyết khiếu kiện dai dẳng, dẫn đến chậm cổ phần hóa.
Nhiều doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn chậm cổ phần hóa theo kế hoạch do ách ở khâu định giá doanh nghiệp.
Giới chuyên gia và cả đại diện đến từ các cơ quan quản lý đều bức xúc về tình trạng, nhiều doanh nghiệp nhà nước bị thâu tóm qua cổ phần hóa, chuyển mục đích sử dụng các khu đất có lợi thế vị trí địa lý thành dự án bất động sản, nhà cao tầng…
“Không ít trường hợp đất thuê của doanh nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng sang xây dựng nhà ở, nhà cho thuê, trung tâm thương mại không được tổ chức bán đấu giá theo quy định của Luật Đất đai, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước…”, ông Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhận xét.
Trước tình trạng đó, giới chuyên gia kinh tế như các ông Lê Đăng Doanh, Trần Đình Thiên, Nguyễn Đức Thành cho rằng, với những doanh nghiệp có lợi thế đất đai, có nhiều nhà đầu tư lớn săn đón, Nhà nước nên cho phép bán lô lớn và tổ chức đấu giá giữa các nhà đầu tư.
Cậy nhờ “bà mối” cao tay
Trong mỗi thương vụ bán đấu giá cổ phần doanh nghiệp nhà nước, nhà tư vấn cổ phần hóa đóng vai trò như “bà mối” đưa doanh nghiệp tới cộng đồng nhà đầu tư. Vậy nhưng, có một thực tế là, nhiều công ty chứng khoán không thiết tha với việc cung cấp dịch vụ tư vấn cổ phần hóa cho doanh nghiệp nhà nước.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Điệp Tùng, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán FPT cho biết, công ty ông gần như bỏ hẳn nghiệp vụ tư vấn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Lý do là mức phí tư vấn bị khống chế trong khung quá thấp, doanh nghiệp lại phải đối mặt với nhiều rủi ro, trong khi rất khó đảm bảo để quy trình thực hiện các thủ tục chặt chẽ.
Nếu không có cơ chế tháo gỡ bất cập về phí tư vấn, các doanh nghiệp rất khó tìm kiếm được nhà đầu tư tiềm năng, nhất là nhà đầu tư chiến lược, vì nhà tư vấn không mặn mà tham gia.
- Đại diện CTCK BSC.
Lãnh đạo một công ty chứng khoán lớn tỏ cũng tỏ ra ngán ngại khi được hỏi về dư địa của mảng tư vấn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Ông nói rằng, thời gian tư vấn IPO, đấu giá cho một doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn tốn cả năm trời vì thủ tục phức tạp, lượng tài sản lớn, nằm rải rác ở nhiều địa bàn trên cả nước, nhưng mức phí thu về chỉ vài trăm triệu đồng, bởi vậy, các công ty chứng khoán lớn không mấy mặn mà tham gia tư vấn. Bản thân công ty ông đã từ chối tư vấn cho một số doanh nghiệp, vì mức phí thu về chẳng bõ bèn gì.
Chi phí cho thuê tư vấn cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước theo quy định hiện hành (tại Thông tư số 196/2011/TT-BTC ngày 26/12/2011 của Bộ Tài chính), được tính theo giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, nhưng mức chi không quá 500 triệu đồng đối với các doanh nghiệp có giá trị trên 100 tỷ đồng. Trường hợp cổ phần hóa tập đoàn, tổng công ty nhà nước thì ban chỉ đạo cổ phần hóa báo cáo cơ quan có thẩm quyền nếu vượt mức quy định.
Vướng mắc về trần phí trả cho đơn vị tư vấn khi tiến hành cổ phần hóa cũng được ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phản ánh. Theo ông Thành, EVN đang xây dựng kế hoạch cổ phần hóa Tổng công ty Phát điện 1 (EVN Genco 1), Tổng công ty Phát điện 2 (EVN Genco 2) và Tổng công ty Phát điện 3 (EVN Genco 3).
EVN xác định vốn điều lệ tại Genco 3 là 24.000 tỷ đồng, gấp 3 lần so với giá trị sổ sách và dự kiến khi cổ phần hóa sẽ bán ra công chúng 49%. Với Genco 1, EVN đã báo cáo Chính phủ kế hoạch tái cơ cấu tài chính để cổ phần hóa trong năm 2017. Còn Genco 2 sẽ cổ phần hóa trong năm 2018.
“Với quy mô lớn như vậy, EVN đã trình phương án chọn tư vấn có kinh nghiệm của nước ngoài, nhưng không được cấp có thẩm quyền chấp thuận vì chi phí cao. Cũng vì thế mà ý tưởng tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài trước IPO bị cắt bỏ luôn trong phương án cổ phần hóa…”, ông Thành cho hay.
“Nếu không có cơ chế tháo gỡ bất cập về phí tư vấn, các doanh nghiệp rất khó tìm kiếm được nhà đầu tư tiềm năng, nhất là nhà đầu tư chiến lược, vì nhà tư vấn không mặn mà tham gia. Mức phí hạn chế còn khiến doanh nghiệp khó phối hợp với nhà tư vấn tổ chức các buổi roadshow, thậm chí là ở các thị trường nước ngoài để chào hàng trước khi IPO”, đại diện Công ty Chứng khoán BSC cho hay.
Dọn dẹp vật cản mới
Ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán từ thị trường cho thấy, nhiều doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn chậm cổ phần hóa theo kế hoạch do ách ở khâu định giá doanh nghiệp.
Theo quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính trước khi định giá đối với các doanh nghiệp quy mô lớn có vốn nhà nước trên 500 tỷ đồng hoạt động kinh doanh trong những lĩnh vực, ngành nghề đặc thù (bảo hiểm, ngân hàng, bưu chính viễn thông, hàng không, khai thác than, dầu khí, khai thác mỏ quý hiếm khác), các công ty mẹ thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp khác theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Kiểm toán định giá doanh nghiệp lớn là việc làm cần thiết nhằm hạn chế lỗ hổng thất thoát tài sản nhà nước, nhưng cần được tập trung thực hiện rốt ráo. Việc nhiều doanh nghiệp lớn “xếp hàng” chờ Kiểm toán Nhà nước kiểm toán kết quả định giá là một trong những nguyên nhân gây chậm cổ phần hóa các doanh nghiệp này.
Bên cạnh đó, do thời gian chờ đợi và kiểm toán kéo dài, kết quả định giá doanh nghiệp trong nhiều trường hợp trở nên lạc hậu so với thị trường và chính bản thân doanh nghiệp. Mới đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu thúc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa Công ty mẹ-Tổng công ty Phát điện 1, trong đó có việc kiểm toán định giá.
Một số doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương thực hiện IPO xong nhưng thất bại trong việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược lại đang vướng như gà mắc tóc và chậm trễ trong việc thực hiện các thủ tục để chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Nguyên do là Ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp phải chờ xin ý kiến các cơ quan quản lý về việc cộng số cổ phần dự kiến bán cho nhà đầu tư chiến lược vào phần vốn nhà nước theo phương án đã được phê duyệt hay tiếp tục hành trình “kén rể” lần thứ tư, thứ năm.
(Còn tiếp)