Cổ phần hoá doanh nghiệp cấp nước gặp khó, vì sao?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khó nhất định giá cho công ty thoát nước, vì một trong những nguyên tắc cơ bản là phải có phương án sắp xếp đất và giá trị sử dụng đất.

Hội thảo chính sách của Hội cấp thoát nước Việt Nam 2022 do CTCP Nước Môi trường Bình Dương (Biwase) đăng cai tổ chức diễn ra mới đây có nhiều nhiều nội dung quan trọng, trong đó tập trung vào cổ phần hoá, xây dựng dự thảo luật Cấp Thoát Nước và tiếp nguồn vốn ngay ưu đãi nước ngoài cho các doanh nghiệp ngành nước.

Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban chuyên trách ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Văn phòng Chính Phủ chia sẻ tại hội thảo, cổ phần hoá và thoái vốn xưa nay nhiều người hiểu nhầm là mục tiêu, nhưng không phải, đây là phương pháp để đạt được 3 mục tiêu là đổi mới mô hình quản trị, huy động vốn và đầu tư khoa học công nghệ tiên tiến đảm bảo mục đích doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Những "ách tắc" trong cổ phần hóa doanh nghiệp ngành nước

Đối với ngành nước, ông Long cho biết, năm 2015 có quyết định số 22 về cổ phần hoá, thoái vốn các đơn vị sự nghiệp và năm 2017 ban hành Quyết định 31 về tiêu chí cổ phần hoá. Quá trình thực thi đã cho thấy cơ sở pháp lý thấp, nếu chỉ là 1 quyết định của Chính Phủ thì phải xây dựng tối thiểu thành Nghị định.

Do đó, vào tháng 12/2020 đã ban hành Nghị định 150 quy định rõ các bước, các tiêu chí để thực hiện cổ phần hoá các đơn vị sự nghiệp. Điều này cho thấy, Chính phủ liên tục cập nhật để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Tính đến cuối năm 2020, trong danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước chưa thực hiện thoái vốn thì có 54 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cấp thoát nước thuộc UBND các tỉnh, thành phố, trong đó có 27 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 65% vốn; 13 doanh nghiệp có vốn nhà nước 50 - 65%, và 14 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ dưới 50%.

Sau đó có quyết định 26/2021/QĐ-TTg vào 12/8/2021 của Thủ tướng về danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, bao gồm khai thác, sản xuất, cung cấp nước sạch, thoát nước đô thị, nông thôn thuộc lĩnh vực Nhà nước nắm giữ trên 50%.

Ông Long nhận định, cổ phần hóa các công ty cấp nước thì có những cái thuận lợi, nhưng với công ty thoát nước là cả vấn đề và nhiều khó khăn.

Vừa qua, Ban đổi mới đi vài chục tỉnh xem xét, khó nhất định giá cho công ty thoát nước, vì một trong những nguyên tắc cơ bản là phải có phương án sắp xếp đất và giá trị sử dụng đất. Tất cả các cơ sở hạ tầng phục vụ cho thoát nước cơ bản nằm ở những vùng không xác định được giá trị sử dụng đất vì nằm ở những vùng không thể cấp sổ đỏ.

Dĩ nhiên, không có luật hay văn bản quy phạm pháp luật nào khi ban hành mà đúng cho tất cả loại hình doanh nghiệp ở tất cả vùng miền. Cơ bản là Các văn bản dưới luật hướng dẫn như thế nào để thực hiện.

Theo ông Long, phải đánh giá được là sau cổ phần hóa mang lại lợi ích gì, cũng đã có đánh giá đầy đủ như tăng nộp ngân sách, tăng lợi nhuận… ”nhưng còn 1 mục tiêu chính là đổi mới mô hình quản trị, đầu tư công nghệ vào hầu như tôi không thấy đánh giá được”, ông Long nói.

Một vấn đề khác được ông Long nêu tại hội thảo, năm 2020, tỷ lệ hao hụt của cả nước là 17,5%, thì BWE 5,33%, năm 2021 là 5%. Rõ ràng BWE có đầu tư, đầu tư cơ sở hạ tầng và kể cả đổi mới mô hình quản trị.

Nhưng cũng phải nói rằng, Bình Dương có thuận lợi nhất định, khó so sánh với các vùng Bình Phước, hay Hà Giang, Tuyên Quang , Sóc Trăng… vì Bình Dương có khách hàng tiêu thụ là Khu công nghiệp nhiều, còn các tỉnh thành khác, bán nước cho hộ gia đình nhiều, và thậm chí ở vùng sâu vùng xa bán xong không thu được tiền.

“Rõ ràng, cái này cần có cơ chế chính sách, trong đó nêu rõ phần nào Nhà nước làm, còn bao nhiêu cho đấu thầu. Dĩ nhiên, không thể phủ nhận thành quả trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp ngành nước”, ông Long nói.

Giải pháp trong thời gian tới được ông Long nêu ra là sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý. Với các bộ ngành giao thì trên cơ sở tổng kết, đánh giá toàn diện số lượng công ty là công ty cấp thoát nước, số công ty là công ty cấp nước để trình Chính Phủ, Thủ tướng Chính Phủ để ban hành đầy đủ và đúng tiến độ các cơ chế, chính sách và đề án sắp xếp, đổi mới và cơ cấu lại DNNN, phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Ông Long cho rằng, quan trọng hơn cả, là Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai… và đầu tư kinh doanh.

Với các doanh nghiệp nói chung, ý kiến cá nhân ông Long cho rằng, cần có cơ sở pháp luật rõ ràng cho các doanh nghiệp này như điều lệ hoạt động quy định cụ thể về cơ sở pháp lý ràng buộc đối với doanh nghiệp. "Việc lựa chọn đối tác tham gia trong quá trình cổ phần hoá phải có tiềm lực (tài chính, con người, công nghệ…)", ông Long nói.

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT Biwase (BWE) cho rằng, cổ phần hoá tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp khi mà việc minh bạch thông tin buộc doanh nghiệp phải nỗ lực rất nhiều bởi nhiều ông chủ (nhà đầu tư) quan tâm tới kết quả kinh doanh doanh nghiệp và doanh nghiệp chịu sự kiểm soát của nhiều cơ quan quản lý như HOSE, SSC, nên ban điều hành cần tự cải thiện và có năng lực, có tính chuyên nghiệp cao mới đáp ứng được.

BWE cổ phần hoá từ cuối năm 2016, đến nay là 5 năm, sau cổ phần hoá, tổng sản lượng tăng 490.000 m3/ngày/đêm, nước tiêu thụ tăng 77,5%, tổng đầu nối (khách hàng) tăng 147.751 (gần 25 phường xã, trên 5000 hộ/xã)…. Vốn chủ sở hữu tăng từ 1.623 tỷ đồng lên 3.790 tỷ đồng, tương ứng tăng 2,33 lần, vốn hoá thị trường tăng gần 4 lần.

Ông Thiền cho rằng, BWE tiếp tục phát triển tốt, dù Nhà nước nắm giữ cổ phần không chi phối (19,44% vốn điều lệ), vẫn tăng công suất nhà máy xử lý nước, sản lượng nước cũng tăng gấp 2 lần…).

“Theo đó, có gì phải bận tâm nên hay không nên cổ phần hoá các DNNN ngành nước khác”, ông Thiền nói.

Cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi quốc tế cho các ngành "xanh"

Ông Thiền cho biết, giai đoạn đầu trước cổ phần hoá, BWE mở rộng hệ thống cấp nước dựa vào nguồn vốn vay ODA là chủ yếu, tới quý III/2016 công suất khoảng 270.000m2/ngày/đêm. Với các nguồn vốn vay ODA cấp nước như Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan, Pháp - AFD, ADB, WB, về ODA môi trường có Phần Lan, Nhật Bản – JCA.

Nhưng năm 2015 - 2016, các yêu cầu ngày càng khắt khe hơn, ràng buộc như trần nợ công Chính phủ, Việt Nam đã qua ngưỡng các nước nghèo/thu nhập thấp, khiến các tổ chức tài chính quốc tế hạn chế cho vay, cho vay lãi suất không còn ưu đãi.

Để nhiệm vụ cấp nước ở các công ty cấp nước hoàn thành tốt như mở rộng phạm vi cấp nước, tăng cường dịch vụ, hiện đại công nghệ, tăng năng lực cấp nước, kinh doanh…. thì phải có vốn để đầu tư, đồng nghĩa cần nâng cao uy tín, tín nhiệm với các tổ chức tín dụng.

Ông Thiền cho rằng, nếu có ý chí hoàn thiện, nâng cấp năng lực quản trị thì từng bước có thể vượt qua các thảo luận hợp đồng vay với các tổ chức tín dụng nước thải để tự thử thách chính mình, tạo nguồn lực để phát triển công ty. Nhờ vậy, trong 5 năm qua, 2015 - 2021, BWE đã đầu tư 4.181,6 tỷ đồng.

Tham dự và chia sẻ tại hội thảo, đại diện tại Việt Nam của Ngân hàng phát triển AFD (Pháp) cho biết, chiến lược hoạt động và vai trò của AFD liên quan đến đấu tranh chống biến đổi khí hậu.

Theo đó, AFD có các khoản vay ưu đãi trực tiếp cho các dự án phù hợp với kế hoạch đầu tư của bên vay và nhiệm vụ của AFD tại Việt Nam (hiệu quả năng lượng, năng lượng sạch, vệ sinh công nghiệp, nâng cấp vệ sinh trong ngành công nghiệp chế biến thức ăn, tiếp cận tốt hơn các dịch vụ như cấp nước và vệ sinh, giao thông công cộng…). Khoản vay tối thiểu 10 - 100 triệu USD, thực hiện dự án phù hợp với các tiêu chuẩn môi trường và xã hội quốc tế áp dụng tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, AFD cũng đưa ra yêu cầu về cấu trúc rủi ro tín dụng phù hợp. Bên vay phải là doanh nghiệp có cổ phần Nhà nước chi phối trong toàn bộ thời gian vay và có quyền hợp pháp để vay trực tiếp từ một định chế nước ngoài.

Thực tế, AFD đã có nhiều kinh nghiệm trong việc cung cấp các khoản vay trực tiếp không có bảo lãnh Chính Phủ tại Việt Nam và Đông Nam Á, như cho EVN vay để thực hiện dự án thuỷ điện Huội Quảng (100 triệu USD, 15 năm, trong đó 5 năm ân hạn); PPWSA/Cambodia cho dự án cung cấp và xử lý nước (30 triệu Euro, 12 năm trong đó 3 năm ân hạn), hay cho BIDV Việt Nam vay 100 triệu USD không có tài sản đảm bảo để tài trợ vốn cho các dự án năng lượng tái tạo.

Trong năm 2021, AFD cũng cấp tài trợ 70 triệu Euro cho EVN thực hiện dự án mở rộng thuỷ điện Hoà Bình, kỳ hạn 15 năm trong đó 5 năm ân hạn

Đại diện AFD cho biết, đang thực hiện nghiên cứu đánh giá về ngành cấp nước và vệ sinh. Hiện thảo luận cùng BIDV về hạn mức tín dụng thứ 2 đa lĩnh vực (khoảng 100 triệu USD) tập trung cho ngành nước và vệ sinh, xây dựng danh mục dự án trong năm 2022 và có thể có nguồn vay vào cuối năm 2022, đầu năm 2023. Đồng thời, mở rộng các hạn mức tín dụng với các ngân hàng cổ phần nhà nước khác.

Tin bài liên quan