Không có đường lùi
Tại cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước triển khai nhiệm vụ 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận, năm 2013, khu vực doanh nghiệp này cần quyết liệt sắp xếp lại và cổ phần hóa. “Thực tế, hoạt động của doanh nghiệp đã chứng minh cổ phần hóa là hiệu quả, tạo ra cơ chế quản trị năng động hơn, hiệu quả hơn cho doanh nghiệp. Các công ty con của tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nào không hiệu quả thì phải giải quyết, bán, giải thể… còn lại đều phải cổ phần hóa, cả công ty mẹ”, Thủ tướng chỉ đạo.
Nhà nước sẽ nắm 65 - 75% vốn điều lệ của VNA sau cổ phần hóa
Ngay tại Hội nghị, ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (VNA) cho biết, VNA đã chọn được nhà tư vấn quốc tế là liên danh nhà thầu Morgan Stanley và Citygroup. Điểm thuận lợi là nhà thầu này không yêu cầu chi phí cao, thay vào đó họ sẽ hưởng phí nếu giao dịch tìm đối tác chiến lược nước ngoài của VNA thành công. Thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp của VNA muộn nhất là ngày 1/4/2013 để tiến hành IPO theo đúng kế hoạch. Theo đề án tái cơ cấu vừa được Chính phủ phê duyệt, VNA sẽ IPO với tỷ lệ phần vốn Nhà nước nắm giữ là 65 - 75% vốn điều lệ (vốn điều lệ của VNA là 8.942 tỷ đồng). Sau cổ phần hóa, VNA có quy mô 1 công ty mẹ, 9 đơn vị phụ thuộc và 26 công ty con hạch toán độc lập.
Trong kế hoạch lớn của năm 2013, Tổng công ty Viglacera dự kiến sẽ hoàn thành việc xác định giá trị doanh nghiệp muộn nhất vào 30/6/2013, IPO muộn nhất vào tháng 9/2013. Ông Luyện Công Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Viglacera cho biết, phương án cổ phần hóa Công ty mẹ Viglacera đang chờ thẩm định của Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính. Dự kiến, Viglacera sẽ bán ra công chúng khoảng 20% vốn, nếu thị trường khó khăn, Tổng công ty chấp nhận bán được tỷ lệ thấp để doanh nghiệp chuyển đổi hoạt động sang mô hình cổ phần.
Doanh nghiệp nhà nước sẽ được phân loại thành 3 nhóm:
1. Nhóm DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm những doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh, hệ thống cơ sở hạ tầng then chốt, các ngành độc quyền mà Nhà nước cần kiểm soát
2. Nhóm DN do Nhà nước nắm giữ từ 75% đến dưới 100% vốn điều lệ bao gồm những DN quy mô lớn, quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân, DN có sản xuất các sản phẩm dịch vụ thiết yếu cho phát triển sản xuất hoặc đời sống cộng đồng dân cư.
3.Nhóm DN do Nhà nước nắm giữ trên 65% đến dưới 75% vốn điều lệ bao gồm các DN còn lại quy định tại danh mục doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn ban hành kèm theo Quyết định 14/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm giảm thiểu đối tượng doanh nghiệp do Nhà nước trực tiếp sở hữu 100% vốn điều lệ; đồng thời, đạt được những mục tiêu tương tự như cổ phần hóa DN 100% vốn Nhà nước.
* Sẽ chuyển một số doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước nắm trên 50% cổ phần (các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác có khả năng đầu tư hoặc mức độ cạnh tranh khá cao) thành loại Nhà nước nắm trên 25% hoặc trên 35% cổ phần, nhằm đảm bảo phải có sự biểu quyết tán thành của Nhà nước mới thông qua được một số hoặc tất cả các quyết định quan trọng thuộc thẩm quyền của ĐHCĐ, Hội đồng thành viên
(Theo Dự thảo Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả của DNNN) |
Tương tự, Tập đoàn Dệt may Việt
Đến thời điểm này, ngoài 3 tên tuổi trên, một loạt doanh nghiệp nhà nước thuộc các Bộ như Giao thông Vận tải, Xây dựng, Công thương… cũng được yêu cầu cổ phần hóa trong năm 2013 với số lượng ít nhất 20 doanh nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhà nước thuộc quản lý của các địa phương cũng đang “tăng ga” cho cổ phần hóa. Một lãnh đạo UBND TP. HCM cho biết, hiện Thành phố quản lý 99 doanh nghiệp nhà nước. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2015, Thành phố phải cổ phần hóa được 29 doanh nghiệp, sau đó tiếp tục cổ phần hóa thêm 48 doanh nghiệp nữa. Riêng năm 2013, TP. HCM đặt mục tiêu cổ phần hóa được 9 doanh nghiệp; năm 2014 làm tiếp 9 doanh nghiệp và năm 2015 sẽ cổ phần hóa 14 doanh nghiệp. Với sự khẩn trương như trên, có thể thấy, năm 2013 sẽ là năm sôi động của cổ phần hóa doanh nghiệp niêm yết.
Cơ chế “thoáng”
Theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2012, cả nước chỉ cổ phần hóa được 12 doanh nghiệp nhà nước. Kết quả nghèo nàn này, theo ông Phạm Viết Muôn, Phó trưởng Ban đổi mới doanh nghiệp nhà nước, một phần do những tác động từ khó khăn trên thị trường vốn, một phần do chúng ta chủ trương làm chậm lại quá trình cổ phần hóa. Tuy nhiên, năm 2013 sẽ khác. Định hướng đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa DNNN giúp cho hoạt động này được khởi động sớm ngay từ đầu năm 2013. Trong đó, đáng chú ý, sẽ có nhiều quy định mới liên quan đến hoạt động này được ban hành theo hướng gỡ các “nút thắt” bấy lâu nay.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho biết, dự kiến trong quý I/2013, Nghị định mới về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ được ban hành. Trong đó, có đưa ra một số quy định mới về việc xác định lợi thế vị trí đất trong giá trị doanh nghiệp và việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đang vướng những quy định này nếu muốn đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa. Ông Phạm Viết Thanh cho biết, VNA có nhiều đất đai, đơn vị thành viên vì thế việc xác định giá trị doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực này rất phức tạp. Nếu được Chính phủ gỡ vướng nội dung này, tiến độ cổ phần hóa sẽ được đẩy nhanh.
Dù cổ phần hóa theo hình thức nào chăng nữa, việc chuyển đổi mô hình hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước được nhìn nhận sẽ hiệu quả hơn và gia tăng vai trò giám sát của xã hội với đồng vốn nhà nước.
Sẽ tăng tính chủ động và quyền lợi cho nhà đầu tư chiến lược Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính)
Với quy định hiện nay, nhà đầu tư chiến lược được mua cổ phần theo nguyên tắc: Đối với trường hợp bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược sau khi đấu giá công khai thì giá bán do Ban chỉ đạo cổ phần hóa thỏa thuận trực tiếp với các nhà đầu tư chiến lược, nhưng không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất của cuộc đấu giá công khai. Đối với trường hợp thỏa thuận trực tiếp hoặc đấu giá giữa các nhà đầu tư chiến lược có đủ tiêu chuẩn và đã thực hiện đăng ký mua trước khi thực hiện đấu giá công khai là giá thỏa thuận giữa các bên (trường hợp thỏa thuận) hoặc là giá đấu thành công (đối với trường hợp đấu giá) nhưng không thấp hơn giá khởi điểm đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa phê duyệt.
Theo dự thảo Nghị định, tới đây, doanh nghiệp có thể đàm phán với nhà đầu tư chiến lược, bán một phần vốn cho họ theo giá thỏa thuận. Nhà đầu tư có thể tham gia vào doanh nghiệp, hỗ trợ, tái cơ cấu để doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, có hiệu quả hơn sau đó mới tiến hành bán cổ phần ra công chúng (nếu cần). Như vậy, quy định mới sẽ tăng tính chủ động và quyền lợi cho nhà đầu tư chiến lược, khuyến khích họ bỏ vốn tỷ lệ lớn vào doanh nghiệp so với quy định hiện hành. Đây cũng là một hình thức cổ phần hóa, thay vì doanh nghiệp phải nhất nhất IPO. |