Câu chuyện cổ phần hóa TMC đang hé lộ phần nào những phức tạp trong quản lý điều hành
Trong số báo 48 (ra ngày 24/4/2015) và 50 ra ngày 27/4/2015), Báo Đầu tư đăng tải bài viết “Cổ phần hóa TMC: Khi cổ đông thành ‘người đổ vỏ’” và “Trách nhiệm phía sau bản cáo bạch” phản ánh việc nhà đầu tư gặp rắc rối khi mua cổ phần tại TMC do cáo bạch thông tin không đầy đủ. Liên quan tới vấn đề trên, Tập đoàn TKV vừa có văn bản trả lời kiến nghị của nhà đầu tư với nhiều tình tiết mới, theo đó tính chất vụ việc ngày càng nghiêm trọng.
Chủ động không thông tin
Trao đổi với nhà đầu tư về việc công bố thông tin khi thực hiện IPO của TMC, ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc TKV cho biết, trong quá trình xây dựng phương án cổ phần hóa, các thông tin liên quan đến vụ kiện tranh chấp với Eximbank Thái Lan đã được TMC đưa vào dự thảo. Tuy nhiên, sau khi xem xét nhiều yếu tố liên quan, TMC đã không đưa chi tiết các thông tin về vụ tranh chấp vào bản công bố thông tin. Nguyên nhân, theo ông Biên, vì 3 lý do:
Thứ nhất, vụ kiện tranh chấp với Eximbank Thái Lan (hơn 13,78 triệu USD cả gốc và lãi - PV) xuất phát từ Thỏa thuận tài trợ - một tài liệu mà TMC không thừa nhận. Theo đó, TMC phủ nhận sự tồn tại Thỏa thuận tài trợ vốn giữa Exim bank Thái Lan và các bên (trong đó có TMC).
Thứ hai, tại thời điểm công bố thông tin IPO, vẫn chưa có phán quyết cuối cùng của Viện Trọng tài Thái Lan.
Thứ ba, TMC không có nghĩa vụ thực hiện thỏa thuận do người đại diện theo pháp luật ký thỏa thuận vượt quá thẩm quyền.
TKV viện dẫn ý kiến của Bộ Tư pháp (tại Công văn số 3090/BTP – PLDSKT ngày 18/4/2013) rằng: “... Thỏa thuận tài trợ vốn ký ngày 20/6/2001 không có dấu của TMC thì không làm phát sinh hệ quả pháp lý đối với TMC và TMC không có nghĩa vụ thực hiện thỏa thuận;... TMC không có nghĩa vụ thực hiện thỏa thuận do người đại diện theo pháp luật ký thỏa thuận vượt quá thẩm quyền”...
Câu chuyện éo le ở chỗ, mặc dù phủ nhận sự tồn tại Thỏa thuận tài trợ vốn giữa Eximbank Thái Lan và các bên (trong đó có TMC), nhưng TKV lại yêu cầu TMC nhận trách nhiệm nghĩa vụ pháp lý, Công ty mẹ - Tổng công ty Khoáng sản Vinacomin sẽ thực hiện nghĩa vụ vật chất liên quan đến phán quyết của Viện Trọng tài Thái Lan.
Thỏa thuận vượt thẩm quyền
Một chi tiết đáng lưu ý khác trong vụ tranh chấp pháp lý giữa TMC và Ngân hàng Eximbank Thái Lan, đó là Thỏa thuận tài trợ vốn giữa Exim bank Thái Lan và các bên (trong đó có TMC) do người đại diện theo pháp luật ký thỏa thuận vượt quá thẩm quyền. Theo đó, thỏa thuận tài trợ vốn chỉ có chữ ký của ông Lê Xuân Trường (Giám đốc TMC) và người làm chứng của phía Việt Nam là ông Vũ Xuân Khoát, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Khoáng sản (tại thời điểm năm 2001 – PV) vào trang cuối của Thỏa thuận, mà không có dấu của TMC, dấu giáp lai hay chữ ký vào tất cả các trang.
Hồ sơ lưu trữ của TMC và Công ty Liên doanh Kẽm Việt Thái cũng không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến bản Thỏa thuận tài trợ vốn ngày 20/6/2001 nêu trên. Theo TKV, TMC đã liên hệ và làm việc với các cá nhân có liên quan (ông Lê Xuân Trường và ông Vũ Xuân Khoát) để xác định vấn đề Thỏa thuận tài trợ vốn, nhưng không có thông tin chi tiết gửi nhà đầu tư.
Mặc dù nhận định, Thỏa thuận tài trợ vốn do ông Lê Xuân Trường (Giám đốc TMC thời điểm năm 2001) ký là vượt quá thẩm quyền gây ảnh hưởng đến hoạt động của TMC và vốn nhà nước, nhưng tại Tờ trình số 5584/TTr - TKV ngày 16/10/2014 (sau khi đã cổ phần hóa TMC) gửi Bộ Công thương về phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Khoáng sản – Vinacomin, Hội đồng Thành viên TKV lại đề nghị “Công ty cổ phần Kim loại màu Thái Nguyên tiếp tục thực hiện nghĩa vụ pháp lý với tư cách là cổ đông góp vốn của Công ty Liên doanh, thực hiện các quyền, nghĩa vụ pháp lý liên quan phát sinh theo vụ kiện. Công ty mẹ - Tổng công ty Khoáng sản – Vinacomin sẽ thực hiện nghĩa vụ vật chất liên quan đến phán quyết của Viện Trọng tài Thái Lan”. Trong khi đó, trách nhiệm của những người có liên quan đến Thỏa thuận tài trợ vốn có thể gây thiệt hại hàng chục triệu USD cho ngân sách nhà nước và cổ đông mua cổ phần của TMC trước đây (nay là cổ đông của Công ty cổ phần Kim loại Màu Thái Nguyên – Vimico) không hề được đề cập.
Hậu quả nhà đầu tư “gánh”
Trong khi TKV hoàn toàn ý thức được những rủi ro nghiêm trọng đối với TMC và các bên liên quan khi phải đối mặt với vụ kiện tranh chấp với Eximbank Thái Lan, như việc TMC có thể bị yêu cầu bán tài sản, hàng hóa ở nước ngoài, bị phong tỏa tài khoản..., thì tất cả những rủi ro lớn khác (theo dự đoán của TKV) mà nhà đầu tư phải đối mặt khi mua cổ phần của TMC lại được Ban Chỉ đạo cổ phần hóa TMC chủ động để ra ngoài bản cáo bạch.
Về thời điểm, trong khi Ngân hàng Eximbank Thái Lan nộp đơn khởi kiện TMC từ ngày 12/8/2012, tức là trước thời điểm cổ phần hóa TMC gần 2 năm (TMC thực hiện IPO ngày 18/4/2014) nhưng tất cả tranh chấp pháp lý liên quan đến vụ việc này đã không được cảnh báo đầy đủ đến nhà đầu tư. Chỉ đến khi bán xong cổ phần, giao tài sản cho các cổ đông, những rủi ro của vụ việc mới được “bàn giao” cho nhà đầu tư đúng như TKV dự kiến!
Và chỉ đến khi công bố thông tin bán đấu giá cổ phần lần đầu Công ty mẹ - Tổng công ty khoán sản – Vinacomin (ngày 27/3/2015), thông tin về vụ việc tranh chấp giữa Ngân hàng Eximbank Thái Lan và TMC mới được công bố đến nhà đầu tư trên website của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và website của Tổng công ty Khoáng sản – Vinacomin...
Câu chuyện cổ phần hóa TMC của TKV đang hé lộ phần nào những phức tạp trong quản lý điều hành doanh nghiệp nhà nước. Việc nhà đầu tư mua xong cổ phần mới biết mình phải gánh thêm nghĩa vụ nặng nề từ số cổ phần đã mua, trong khi trách nhiệm của những người quản lý doanh nghiệp trước đây lại không được truy cứu cụ thể, có thể đặt các doanh nghiệp nhà nước khác đang trong tiến trình cổ phần hóa vào thế bị nghi ngờ.