Mới có 74 DNNN được CPH, ít hơn rất nhiều so với con số 200 DN theo kế hoạch CPH đặt ra trong năm nay

Mới có 74 DNNN được CPH, ít hơn rất nhiều so với con số 200 DN theo kế hoạch CPH đặt ra trong năm nay

Cổ phần hóa chưa đạt mục tiêu

(ĐTCK) Tiến độ chậm chạp của quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa (CPH) khu vực DNNN cũng như câu hỏi về chất lượng của tiến trình này không chỉ là vấn đề “nóng” đặt ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ 2014 (VBF), mà một lần nữa đã được các đối tác phát triển tập trung đề cập trong chương trình nghị sự các phiên đối thoại tại Diễn đàn Đối tác phát triển 2014 (VDPF 2014) vừa diễn ra.

Từ ý kiến tại VBF

Ông Dominic Scriven, Trưởng Nhóm công tác thị trường vốn đã thẳng thắn bày tỏ trước Thủ tướng Chính phủ cũng như đại diện các bộ, ngành tại VBF 2014 ý kiến mà ông đã nêu tại cuộc họp giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và Nhóm công tác thị trường vốn hồi cuối tháng 10 vừa qua: “Theo nhận xét của các nhà đầu tư chứng khoán, Việt Nam đang tiến rất chậm trong tiến trình CPH trong năm nay”. Theo ông Scriven, nếu CPH một phần nhỏ ban đầu để xác định quá trình hình thành giá thì cũng có thể phù hợp, tuy nhiên, các nhà đầu tư chiến lược không nhận thấy động thái đó từ phía Chính phủ Việt Nam.

“Chính phủ cần có các thông điệp rõ ràng được truyền đạt rộng rãi qua các phương tiện thông tin đại chúng để các nhà đầu tư có thể yên tâm đầu tư vào Việt Nam”, ông Scriven đề xuất.

Cũng theo Nhóm công tác thị trường vốn, dù nhận thức rõ quyết tâm CPH của Chính phủ, song ngay bản thân Nhóm công tác cũng như các nhà đầu tư nước ngoài hầu như không nắm được lộ trình mang tính định hướng về thời điểm CPH của các tập đoàn, tổng công ty mà Chính phủ dự định tiến hành CPH.

“Chúng tôi chỉ được biết thông tin về thời điểm CPH của một DN thông qua báo chí một cách ngẫu nhiên, hiện tại không có một thời hạn chính thức nào từ phía Chính phủ”, ông Scriven phản ánh và cho rằng, tầm quan trọng của việc công bố danh mục các DN sẽ được CPH có lẽ chưa được đánh giá đúng mức. Một danh mục với tên DN, thời điểm dự kiến sẽ được CPH, dự kiến về khoảng giá chào bán… sẽ là một tín hiệu đầy đủ và rõ ràng nhất về quyết tâm của Chính phủ trong việc CPH, đồng thời cũng giúp các nhà đầu tư quan tâm có thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu DN và chuẩn bị nguồn vốn cần thiết để đầu tư vào DN mà họ quan tâm. 

Đến khuyến nghị của VDPF

Đề nghị về một thông điệp rõ ràng về lộ trình CPH DNNN một lần nữa lại được đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nêu lên tại VDPF: “Chúng tôi muốn biết Chính phủ đang có định hướng cụ thể thế nào về CPH, nếu chúng ta chấp nhận một lộ trình chậm hơn để đảm bảo tính hiệu quả của tái cơ cấu thì phải có biện pháp cụ thể và phải có tầm nhìn dài hạn hơn”.

Bên cạnh việc “đánh động” sự chậm trễ về mặt tiến độ, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á Tomoyuki Kimura lại đặt vấn đề về chất lượng của tiến trình CPH trong thời gian gần đây. Theo ông Tomoyuki Kimura, mục tiêu về số lượng và tốc độ cải cách cũng như CPH các DNNN không phải là mục tiêu cuối cùng của Chính phủ, mà quan trọng hơn là phải tăng cường quản lý và tập trung tới hiệu quả của DN sau CPH.

“Chính phủ cần xem xét các hạn chế và tồn tại của tiến trình CPH, để mở rộng quá trình này với sự tham gia của nhiều bên và toàn diện hơn nữa trong thời gian tới”, ông Kimura kiến nghị.

Cũng cần phải nói thêm rằng, vấn đề chậm trễ trong tiến trình CPH các DNNN trước đó đã được Ngân hàng Thế giới (WB) nhắc tới tại buổi công bố Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam trước thềm VDPF 2014. Đánh giá tại báo cáo, ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam nhận định, tiến trình cải cách DNNN tuy đã lấy được đà nhưng vẫn chậm hơn so với mục tiêu của Chính phủ, theo đó chỉ có 74 DNNN đã được CPH, ít hơn rất nhiều so với con số 200 DN theo kế hoạch CPH đặt ra trong năm nay.

Nguyên nhân, có thể một phần do mục tiêu về số lượng DN CPH của Chính phủ quá tham vọng nên khó đạt được, song thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu số lượng, Chính phủ hoàn toàn có thể đẩy mạnh hơn quá trình tái cơ cấu và CPH một cách chất lượng hơn thông qua việc thúc đẩy quy định công bố thông của các DNNN, để đảm bảo tính minh bạch và giải trình tốt hơn, có điều tiết mạnh mẽ hơn đối với DNNN để thúc đẩy quá trình CPH nhằm đạt mục tiêu đề ra.

Nhấn mạnh quan điểm tập trung vào chất lượng, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng, vấn đề không phải là con số bao nhiêu DN CPH, mà là CPH thế nào để cải thiện chất lượng hàng hóa trên TTCK và nâng cao hiệu quả hoạt động của DN. 

“Nếu chỉ CPH mà không có biện pháp đi kèm như khuyến khích trách nhiệm giải trình phải tốt hơn, có hệ thống báo cáo rõ ràng hơn…, thì sẽ không có sự tăng trưởng hiệu quả của DN. Liên quan đến chất lượng CPH, nên giảm tập trung vào số lượng mà tăng chất lượng CPH; tăng tỷ lệ tư nhân hóa trong DNNN để tăng tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư; tăng cường quản trị DN, tăng minh bạch thông qua công khai thông tin định kỳ với độ tin cậy cao là điều quan trọng mà Chính phủ Việt Nam cần tập trung nhiều hơn nữa”, bà Kwakwa khuyến nghị.

Việc công bố thông tin kịp thời, công bằng và minh bạch, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và cởi mở, giúp DN Việt Nam và nước ngoài tăng cường hợp tác cũng là các đề xuất mà Đại sứ Singapore, Đại sứ Canada tại Việt Nam đưa ra tại VDPF 2014 với tư cách là đối tác phát triển của Việt Nam.

Theo Đại sứ Canada, cần rà soát toàn diện tính hiệu quả của DNNN đã CPH, đồng thời đưa ra các chỉ tiêu mang tính định lượng để đo được những tiến bộ đạt được trong và sau quá trình CPH, để tăng mức độ giám sát hiệu quả hoạt động này. 

Và cam kết của Chính phủ

Phản hồi trước các đối thoại và kiến nghị của các đối tác, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, cải cách DNNN là vấn đề lớn trong cam kết của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra trước các đối tác. Bộ trưởng cho biết tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 vừa qua, Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành phải xem xét lại công tác CPH DNNN không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng, đặc biệt là tỷ trọng vốn cổ phần của DN.

“Tỷ lệ cổ phần tư nhân đóng góp không chỉ dừng ở mức 3 - 5%, mà còn phải cao hơn, có thể lên đến 50 -70%, thậm chí là 100%. Quốc hội giờ cũng xem lại định nghĩa DNNN chỉ khi là 100% vốn của Nhà nước trong DN. Đây là thay đổi tư duy rất lớn để cuối cùng đạt được mục tiêu các DNNN sau khi được cổ phần hoạt động hiệu quả hơn không chỉ cho DN mà cả nền kinh tế”, Bộ trưởng Vinh nói.

Tái khẳng định trước các đối tác cam kết nâng cao chất lượng công tác CPH cũng như đảm bảo giữ đúng tiến độ tiến trình cải cách DNNN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ nỗ lực hoàn thành mục tiêu CPH 432 DNNN giai đoạn 2014 - 2015, trong đó có các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

“Không chỉ đẩy mạnh về số lượng, chúng tôi sẽ giảm mạnh tỷ trọng vốn của Nhà nước trong DN CPH, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả kinh doanh của DNNN, nhằm tăng cường tính bình đẳng, minh bạch và cạnh tranh đối với mọi thành phần trong nền kinh tế”, Thủ tướng khẳng định.

Tin bài liên quan