Theo ông, tiến độ cổ phần hóa chậm trễ có nguyên nhân từ đâu?
Về chính sách cổ phần hóa, đến nay, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành đồng bộ và khá đầy đủ. Trong thẩm quyền của mình, Bộ Tài chính cũng đã kịp thời ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn để thúc đẩy tái cơ cấu DNNN, trong đó trọng tâm là cổ phần hóa. Do vậy, tiến độ cổ phần hóa chậm chủ yếu liên quan đến khâu tổ chức triển khai của các bộ, ngành, UBND các tỉnh.
Nhưng theo phản ánh của các bộ, vẫn còn bất cập về cơ chế trong quá trình xác định giá trị DN, khi xử lý tài chính phải hoàn nhập lại dự phòng các khoản phải thu khó đòi không đủ điều kiện để loại trừ ra khỏi giá trị DN. Do đó, sau khi cổ phần hóa, công ty cổ phần không có nguồn quỹ để bù đắp cho những tổn thất xảy ra đối với các khoản nợ phải thu khó đòi tồn tại từ giai đoạn là DNNN. Bộ Tài chính sẽ khắc phục bất cập này như thế nào?
Đây là vướng mắc mang tính kỹ thuật, nên Ban chỉ đạo cổ phần hóa tại các DN phải có trách nhiệm xử lý. Nếu xét thấy cần thiết, Ban chỉ đạo cổ phần hóa báo cáo chủ sở hữu, để có hướng giải quyết. Trong trường hợp vượt thẩm quyền, Ban chỉ đạo cổ phần hóa báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ… để xử lý, nhằm đảm bảo cho việc xử lý tài chính phản ánh xác thực giá trị DN, tránh thất thoát tài sản của Nhà nước.
Một bất cập khác là DN chỉ phải công bố thông tin về tình hình tài chính, sản xuất - kinh doanh trước thời điểm tổ chức chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) 20 ngày. Theo phản ánh của NĐT, nhất là NĐT nước ngoài, thời hạn công bố thông tin như vậy là quá ngắn và chỉ công bố bằng tiếng Việt nên họ gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin, tìm hiểu cơ hội đầu tư. Đây là một trong những lý do khiến nhiều DN thất bại khi tổ chức IPO thời gian qua. Bất cập này sẽ được tháo gỡ ra sao, thưa ông?
Cục Tài chính doanh nghiệp, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị liên quan sẽ rà soát lại cơ chế này, để điều chỉnh hợp lý theo hướng: DN công bố thông tin sớm hơn nữa trước IPO, nhằm tạo thuận lợi cho NĐT tìm hiểu thông tin, đánh giá cơ hội đầu tư vào DN, góp phần giúp DN tiến hành IPO thành công hơn.
Liên quan đến thu hút cổ đông chiến lược nước ngoài, từ ngày 1/11 tới, khi áp dụng các cơ chế mới tại Quyết định 51/2014 của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của DNNN, sẽ giúp các DN cổ phần hóa thuận lợi hơn trong thu hút NĐT nước ngoài.
Những vấn đề quan trọng nhất mà NĐT nước ngoài quan tâm là sự minh bạch, chất lượng và tính thanh khoản của hàng hóa, đều được giải quyết khi áp dụng Quyết định 51, nhất là cơ chế IPO gắn với đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, niêm yết trên TTCK, đảm bảo cho DN hậu cổ phần hóa hoạt động minh bạch hơn.
Để đưa Quyết định 51 vào cuộc sống, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở GDCK cần tăng cường tiếp cận và hỗ trợ DN theo hướng giảm bớt thủ tục hành chính, giúp DN thực hiện IPO, đăng ký giao dịch, niêm yết diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.
Liệu cơ chế gắn IPO với đăng ký giao dịch trên UPCoM và niêm yết có khả thi khi Quyết định 51 không có chế tài xử lý các trường hợp không tuân thủ, thưa ông?
Ngay sau khi Quyết định 51 có hiệu lực, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, đề xuất phương án ban hành chế tài xử lý đối với các trường hợp DN sau IPO không đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK đúng hạn.
Không ít phương án IPO triển khai thời gian qua thất bại, do cổ đông nhà nước nắm cổ phần chi phối tại DN hậu cổ phần hóa, trong khi đây là những DN không thuộc danh mục các ngành mà Nhà nước cần nắm cổ phần chi phối. Việc này do lỗi của cơ chế, hay do khâu tổ chức thực hiện, thưa ông?
Những ngành, lĩnh vực nào mà Nhà nước cần nắm cổ phần chi phối đã được quy định cụ thể tại Quyết định 37/2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN. Tới đây, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát sau cổ phần hóa, nếu phát hiện những DN không thuộc lĩnh vực Nhà nước cần nắm cổ phần chi phối, mà Ban chỉ đạo cổ phần hóa vẫn xây dựng phương án cổ phần hóa theo hướng cổ đông nhà nước nắm cổ phần chi phối, dẫn đến IPO không thành công, Ban chỉ đạo cổ phần hóa phải chịu trách nhiệm.
Dự kiến, cuối năm nay, Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt lại đề án tổ chức, hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo hướng tiếp tục thu gọn khu vực DNNN. Qua đó, giúp NĐT tư nhân trong và ngoài nước có cơ hội tham gia nắm cổ phần chi phối tại các DN cổ phần hóa thuộc các lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối.