Có những ngân hàng “rất khôn ngoan” trong chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cuộc đua ngân hàng số đã và đang diễn ra khá sôi nổi tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh phải thay đổi thói quen từ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, thanh toán, dịch vụ… nhằm thích nghi với đại dịch Covid-19.
Có những ngân hàng “rất khôn ngoan” trong chuyển đổi số

Nội dung trên đã được đưa ra tại buổi Tọa đàm trực tuyến các Lãnh đạo ngân hàng với chủ đề “Xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số: Xu hướng và sáng kiến chiến lược” mới diễn ra ngày 8/9.

Tại Tọa đàm, chia sẻ về chiến lược chuyển đổi số tại BIDV, bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó tổng giám đốc phụ trách khối Bán lẻ và Trung tâm Ngân hàng số cho biết, là một ngân hàng lớn nên việc chuyển đổi số tại BIDV tạo ra nhiều áp lực. Do đó, bài toán đặt ra cho BIDV là chiến lược được lựa chọn sẽ như thế nào để tạo ra sự khác biệt.

“Trong quá trình chuyển đổi số, BIDV đã lựa chọn tham gia vào hệ sinh thái của các đối tác và cộng hưởng với đối tác để tạo giá trị tốt nhất cho hai bên, đem lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Bên cạnh việc tham gia vào hệ sinh thái của đối tác, BIDV cũng kiến tạo vào hệ sinh thái đó với những nét riêng của BIDV, từ đó tạo ra sự khác biệt cho ngân hàng”, bà Giao cho biết.

Cụ thể, bà Giao cũng cho biết, kiến trúc hệ sinh thái số của BIDV được chia làm 3 lớp: lớp thứ nhất là dịch vụ ngân hàng cơ bản (BIDV sở hữu và quản trị); lớp thứ hai là dịch vụ ngân hàng bổ sung thêm (dịch vụ quản lý chi tiêu, quản lý thuế... Với các dịch vụ này, BIDV vẫn quản lý và sở hữu công nghệ lõi); lớp thứ ba là các dịch vụ đời sống cho khách hàng (sức khỏe, nhà hàng, nghỉ dưỡng... BIDV lựa chọn tham gia vào hệ sinh thái của các đối tác).

Nhìn rộng hơn trong hệ thống, ông Đinh Văn Chiến, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối Khách hàng cá nhân TPBank, cho biết, hệ sinh thái ngân hàng số tại Việt Nam đang tập trung tại 3 hoạt động chính.

Đó là các ngân hàng đang xây dựng cho mình năng lực (năng lực công nghệ ) để phát triển hệ sinh thái; Hợp tác với các công ty công nghệ, nhằm cải thiện quá trình giao dịch và cung cấp dịch vụ ngân hàng; Các ngân hàng tích cực kết nối với các công ty Fintech để cung cấp các sản phẩm để gia tăng giá trị cho khách hàng.

Các diễn giả tại buổi Toạ đàm

Các diễn giả tại buổi Toạ đàm

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, các ngân hàng đã xác định chuyển đổi số không còn là định hướng, mục tiêu, mà là nhu cầu cần thiết của mỗi ngân hàng như “món ăn hàng ngày”.

"Nếu không chuyển đổi số, chắc chắn các ngân hàng sẽ tụt hậu, đặc biệt là các ngân hàng thương mại trong bối cảnh cạnh tranh giữa các ngân hàng, các đơn vị trung gian thanh toán ví điện tử, Fintech", ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, thống kê hơn 94% các ngân hàng thương mại đã tham gia vào lĩnh vực chuyển đổi số. Hiệu ứng của nó là gì, trong thời gian qua, ngân hàng nào tham gia vào sâu, tiện ích tạo cho người dân được tiện lợi nhất, nhanh, hiệu quả, an toàn thì hệ sinh thái của ngân hàng đó được khách hàng trải nghiệm nhiều nhất.

“Tôi xin “bật mí” ở đây là có những ngân hàng thương mại rất khôn ngoan và có tầm nhìn xa, vì vậy đã thu hút được một lượng khách hàng rất lớn trong tương lai cũng như lượng tiền gửi không kỳ hạn vô cùng lớn và các ngân hàng này cũng không đặt vấn đề thu phí khách hàng”, ông Hùng chia sẻ.

Ông Võ Tấn Long, Phó tổng giám đốc Công ty Tư vấn PwC Việt Nam cho biết, các hình thái về ngân hàng số ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á đang phát triển nhanh và đa dạng. Nhìn vào thực tế tại Việt Nam, ông Long cho rằng, trong một vài năm tới, ngân hàng số tại Việt Nam sẽ rất phát triển, bởi tầng lớp trung lưu đang phát triển rất nhanh.

Thống kê của Ngân hàng Thế giới, từ nay đến năm 2030, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam có tốc độ tăng trưởng liên tục ở mức 2 con số. Việt Nam sẽ trở thành một thị trường hấp dẫn để các dịch vụ tài chính, đặc biệt các dịch vụ tài chính được số hóa phát triển.

"Nếu so sánh với các quốc gia khác thì Việt Nam có dân số tương đối trẻ. Đây sẽ là một trong những lực lượng chính tham gia vào thị trường tài chính và tạo nên hình thái của thị trường tài chính trong thời gian tới. Đặc biệt, Chính phủ và ngân hàng trung ương đều có động thái cởi mở trong hoạt động chuyển số sẽ thúc đẩy và là cơ hội lớn để ngành Ngân hàng, cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính phát triển trong một vài năm tới", ông Long nói.

Ngày 11/5/2021 vừa qua, Thống đốc NHNN ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN về “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, theo ông Hùng: “Đây là cơ hội để các ngân hàng đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số và thiết lập hệ sinh thái ngân hàng số một cách toàn diện”.

Tin bài liên quan