Công viên nước Đầm Sen (quận 11, TP.HCM) tích lũy được khá nhiều tiền nhưng chưa thể đầu tư, mở rộng hoạt động. Ảnh: Lê Toàn.

Công viên nước Đầm Sen (quận 11, TP.HCM) tích lũy được khá nhiều tiền nhưng chưa thể đầu tư, mở rộng hoạt động. Ảnh: Lê Toàn.

Có những doanh nghiệp ngồi trên đống tiền chưa biết tiêu ra sao

Trong khi nhiều công ty chạy đôn, chạy đáo tìm vốn, sẵn sàng phát hành trái phiếu để vay vốn với lãi suất cao chót vót, thì không ít doanh nghiệp có tới 70 - 80% tài sản là tiền, nhưng không tìm được cơ hội để phát triển kinh doanh.

Khó tìm cửa đầu tư

9h sáng ngày lễ Quốc khánh 2/9, xe và người đứng chật ních trước cổng Công viên nước Đầm Sen (quận 11, TP.HCM). Ước tính, hàng chục ngàn người đổ về khu vui chơi này trong ngày hôm đó và mang về nguồn thu hàng tỷ đồng cho Công viên.

Với việc chủ động mở rộng thêm dịch vụ, CTCP Công viên nước Đầm Sen đã đạt mức doanh thu kỷ lục. Báo cáo của Công ty cho biết, trong nửa đầu năm 2019, doanh thu thuần của Công ty đạt gần 138 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp gần 92 tỷ đồng. Tuy nhiên, dư địa tăng trưởng của Công viên không còn nhiều.

Chủ tịch HĐQT CTCP Công viên nước Đầm Sen, ông Phạm Duy Hưng thừa nhận, Công viên đã khai thác đến mức giới hạn vì không còn diện tích để mở rộng các trò chơi.

Kinh doanh hiệu quả với lãi ròng hàng năm tương đương 60 - 80% vốn góp cổ đông, Công viên nước Đầm Sen đã tích lũy được lượng tiền lớn, nhưng cả hai dự án mà Công viên theo đuổi từ lâu, gồm xây dựng công viên nước thứ hai ở Gò Vấp và xây dựng Trung tâm hội nghị tại Khu công nghệ cao TP.HCM (quận 9) đều gặp khó về thủ tục pháp lý.

Đến cuối quý II/2019, tổng số tiền mặt, tài sản tương đương tiền, cùng khoản tiền gửi ngắn hạn tại doanh nghiệp này đã lên tới 236 tỷ đồng, chiếm gần 92,5% tài sản. 

Thực tế, không ít doanh nghiệp cùng “cảnh ngộ” với CTCP Công viên nước Đầm Sen, đó là thừa vốn, nhưng khó tìm cửa đầu tư.

Số tiền đang dự trữ tại CTCP Dịch vụ trực tuyến FPT (FPT Online) đến cuối quý II/2019 vẫn còn tới 859 tỷ đồng, dù Công ty đã chia cổ tức tới hai lần bằng tiền mặt với tổng tỷ lệ 130%. Đại gia công nghệ này lại tiếp tục chi thêm 147 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức, tỷ lệ 100% vào cuối tháng 8 vừa qua.

FPT Online là đơn vị thành viên của FPT phụ trách mảng nội dung số, cũng được biết tới là đơn vị vận hành trang báo điện tử VNExpress.

Bảo toàn nguồn vốn dưới dạng tiền mặt, FPT Online đầu tư mới khá ít (thêm 2 tỷ đồng tài sản cố định sau nửa đầu năm). Doanh nghiệp này chi 3,7 tỷ đồng để sở hữu 4,12% vốn CTCP Công nghệ Sen Đỏ, nhưng toàn bộ đều là trích dự phòng. Dù mạnh về tiền, nhưng FPT Online đang đau đầu về bài toán tìm hướng tăng trưởng.

Trong khi cái khó của CTCP Công viên nước Đầm Sen hay FPT Online là tìm kênh đầu tư, thì trường hợp của Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) lại gặp vướng từ chính sách.

Tiền, tài sản tương đương tiền và tiền gửi của ACV tăng gấp 2,3 lần so với 5 năm trước, đạt gần 29.200 tỷ đồng vào cuối quý II/2019, tương đương 1,3 tỷ USD. 

Một nghịch lý là tiền ACV dự trữ ngày càng nhiều, nhưng hạ tầng khu bay lại đang thiếu vốn trầm trọng để cải tạo, nâng cấp, bởi tài sản này không còn thuộc ACV sau khi Tổng công ty cổ phần hóa, mà do Nhà nước quản lý.

Trong khi đó, dự án cải tạo, nâng cấp đường cất - hạ cánh và đường lăn của 2 cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã rất cấp thiết.

Đau đầu

Nếu thiếu vốn khiến nhiều công ty phải chạy đua tìm vốn, thậm chí chấp nhận phát hành trái phiếu với chi phí lãi cao chót vót, bài toán với các công ty thừa quá nhiều vốn là làm sao để sử dụng vốn hiệu quả cũng không dễ dàng.

CTCP Bến xe miền Tây nhiều năm trước đã gom góp lợi nhuận để chuẩn bị cho dự án đầu tư bến xe mới, nhưng kỳ Đại hội vừa qua, Công ty đã gây bất ngờ khi quyết định trả cổ tức 400% (100 tỷ đồng), trong đó một nửa phần cổ tức trên đã trả hồi cuối tháng 6. Sau đợt trả cổ tức này, lợi nhuận chưa phân phối của CTCP Bến xe miền Tây vẫn còn gần 105 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần vốn điều lệ.

Giải thích về quyết định này, ông Nguyễn Ngọc Thừa, Tổng giám đốc CTCP Bến xe miền Tây cho biết, dự án bến xe mới tại An Phú Tây, Bình Chánh đến nay “vẫn đang phải chờ” xác định chủ đầu tư liệu có phải là SAMCO (công ty mẹ của CTCP Bến xe miền Tây) hay không cũng còn trong quá trình xin ý kiến của UBND TP.HCM.

Ở các doanh nghiệp thừa vốn và có hiệu suất sinh lời tốt, việc trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ khủng không hiếm gặp. Tuy nhiên, trường hợp của Công ty cổ phần Đầu tư dịch vụ Hoàng Huy (HHS), dù nhiều tiền, nhưng từ 3 năm nay chưa trả một đồng cổ tức nào.

Doanh nghiệp chuyên kinh doanh trong lĩnh vực phân phối ô tô tải và kinh doanh bất động sản này đã phát hành thu về lượng vốn lớn trong giai đoạn 2014 - 2015. Song, do sự thoái trào của ngành ô tô sau giai đoạn tăng nóng vì bị siết quy định về tải trọng, HHS không còn kinh doanh hiệu quả như trước.

Theo báo cáo bán niên đã kiểm toán, Công ty Hoàng Huy có hơn 1.900 tỷ đồng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn và 122 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn. Nếu chia đơn thuần số tiền này phân phối lại cho 274,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành, các cổ đông có thể nhận về 7.360 đồng với mỗi cổ phần sở hữu.

Các cổ đông góp thêm vốn ngoài việc mất chi phí cơ hội khi đáng ra có thể nhận lãi suất nếu gửi tiết kiệm còn không được nhận cổ tức và chịu lỗ nếu bán ra, vì đến nay, cổ phiếu đã “bốc hơi” đáng kể (hiện còn chưa đến 3.000 đồng/cổ phiếu).

Ẩn số lưu chuyển dòng tiền

Các số liệu phản ánh trên bảng cân đối kế toán vốn chỉ phản ánh tình hình tài chính của doanh nghiệp tại một thời điểm. Quan sát trên dòng vốn lưu chuyển tiền tệ, một số doanh nghiệp sở hữu lượng lớn tiền mặt thường xuyên có dòng tiền vào - ra liên tục trong rất nhiều kỳ kế toán.

Cụ thể, dòng tiền đi ra thường ở khoản chi cho vay, mua công cụ nợ của đơn vị khác và đi về qua việc thu hồi cho vay, bán lại các công cụ nợ của đơn vị khác. Lượng tiền lớn trữ tại các doanh nghiệp có thể “nằm yên” trong tài khoản tiết kiệm ngân hàng, nhưng cũng không ngoại trừ khả năng đi tìm các khoản đầu tư khác sinh lời tốt hơn (thường đi kèm rủi ro cao hơn) và trở lại tài khoản tiết kiệm vào cuối kỳ.

Tin bài liên quan