Có những điều giá trị hơn tiền bạc

Có những điều giá trị hơn tiền bạc

(ĐTCK) 7 năm trước, doanh nhân Trần Quí Thanh, chủ sở hữu của Tập đoàn Nước giải khát Tân Hiệp Phát từ chối lời đề nghị trị giá 2,5 tỷ USD của Coca-Cola.

7 năm trước, tôi đang ngồi trong phòng hội nghị bọc kính tại trụ sở của Coca-Cola, đầu óc quay cuồng. Trái tim tôi đã đập dữ dội khi chứng kiến ba mình - chủ sở hữu của Tập đoàn Nước giải khát Tân Hiệp Phát (THP), doanh nghiệp gia đình của chúng tôi - từ chối lời đề nghị trị giá 2,5 tỷ USD đến từ một trong những công ty nước giải khát lớn nhất thế giới.

Vào thời điểm đó, Coca-Cola đã tạo ra doanh thu 48 tỷ USD và không có ngõ ngách nào trên thế giới mà họ không tích cực tiếp thị các sản phẩm của mình, bao gồm cả Việt Nam. Đã có rất nhiều tiềm năng ẩn chứa trong thương vụ ấy và cả hai bên đều nhận thức được điều đó. Coca-Cola cũng đã cho chúng tôi thấy kế hoạch của họ nhằm giành lấy nhiều thị phần hơn ở các thị trường mới nổi. Về mặt lý thuyết mà nói, đó chắc hẳn sẽ là một điều tuyệt vời, phải không?

Tuy nhiên, nó không thích hợp với THP và cũng có thể điều tương tự đã xảy ra với các công ty nội địa thành công khác - những doanh nghiệp đã nhận được lời đề nghị từ các tập đoàn lớn hơn và đã nói lời từ chối. Một vài người có thể nghĩ rằng, chỉ có kẻ ngốc mới đi từ chối những đề nghị như đề nghị mà chúng tôi đã nhận được từ Coca-Cola. Thế nhưng hãy xem xét những gì có thể rút ra từ các chủ doanh nghiệp, những người quyết định tiến về phía trước bằng chính sức lực của mình:

Có những điều giá trị hơn tiền bạc. Nếu thương vụ ngày ấy của THP suôn sẻ, nó hẳn đã trở thành thương vụ mua lại nước ngoài có giá trị thoả thuận lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Thậm chí, giá trị của thương vụ ấy vẫn xếp thứ hai nếu tính ở thời điểm hiện tại. Về cốt lõi, lời đề nghị của Coca-Cola đã làm suy yếu đi tầm nhìn của THP; đó không phải là một mối quan hệ đối tác “cùng thắng”.

Tầm nhìn của THP đã và vẫn đang mở rộng ra khắp châu Á và vượt xa hơn thế nữa với những thương hiệu mới mẻ, thú vị. Những người từ chối các thương vụ là những cá nhân hiểu được giá trị nội tại của sản phẩm, dịch vụ họ nắm giữ và có một đam mê mãnh liệt để phát triển cũng như duy trì quyền kiểm soát sản phẩm, dịch vụ đó. Đối với những người chủ doanh nghiệp này, có những điều giá trị hơn tiền bạc, nó liên quan đến quyền lợi mang dấu ấn cá nhân ẩn chứa trong thương hiệu của họ và tương lai của thương hiệu đó.

Có những điều giá trị hơn tiền bạc ảnh 1

Bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát

Tập trung vào tầm nhìn đề ra cho công ty và việc kiểm soát số phận của mình. Mọi doanh nhân đều muốn doanh nghiệp của mình thành công; thành công có thể được định nghĩa bằng nhiều cách khác nhau, nhưng thường liên quan đến việc bạn có đạt được tầm nhìn cho công ty hay không. Ở nhiều trường hợp, các doanh nghiệp đã thành công trong việc chạm đến thị trường nội địa của mình và vươn lên trở thành công ty khu vực - hay thậm chí là ở tầm quốc gia, để rồi trở thành các mục tiêu mua lại trong tầm ngắm của những tập đoàn đa quốc gia.

Các công ty gắn kết với sự tự chủ và tự lèo lái số phận của mình thì thường phải đối mặt với những lời đề nghị hợp tác từ các đối tác doanh nghiệp giàu mạnh hơn. Dù rằng những công ty đa quốc gia có thể trở thành đối thủ cạnh tranh gay gắt một khi bị từ chối, nhưng các công ty gắn kết và có đam mê mãnh liệt về sự tự chủ cũng như tầm nhìn dài hạn của họ sẽ tiếp tục cạnh tranh thành công bất chấp áp lực gia tăng.

Thấu hiểu thị trường của mình. Đây cũng chính là yếu tố giúp các doanh nghiệp trở nên thành công ngay từ ban đầu. Hãy xác định và phục vụ thị trường của mình thành công với những sản phẩm phù hợp với thị trường đó. Trong trường hợp của THP, quyết định duy trì sự tự chủ đã được đưa ra dựa trên những hiểu biết của chúng tôi về thị trường.

Một trong những phương châm then chốt của THP luôn là: “Chúng tôi tồn tại để phục vụ khách hàng và thu về lợi nhuận”. Việc chú trọng vào mục tiêu trung tâm này chính là thứ đã giúp chúng tôi kiểm soát thị trường. Chúng tôi hiểu thị trường của mình bao gồm những ai và những người đó mong muốn điều gì - đó chính là lý do Coca-Cola muốn có được chúng tôi. Nhiều doanh nghiệp cũng rơi vào tình huống tương tự như chúng tôi - và họ cũng đã từ chối thương vụ được đề nghị bởi tập đoàn đa quốc gia, để rồi trở thành đối thủ thực sự trong mắt các tập đoàn lớn ấy. Họ giữ được lợi thế cạnh tranh vì họ thấu hiểu thị trường theo cách của riêng họ.

Những người yếu tim sẽ khó lòng từ chối các thương vụ mua lại đến từ đề nghị của các tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, các doanh nghiệp làm được điều đó là do có những lý do cụ thể và chiến lược của riêng họ.

Sân nhà cũng là biển lớn. Tại Tân Hiệp Phát, chúng tôi mong đợi việc vươn ra toàn cầu và chúng tôi có niềm tin vào việc đó. Hiện nay, xu hướng của người tiêu dùng ngày càng hướng về các sản phẩm Organic, các sản phẩm có lợi cho sức khỏe và châu Á sở hữu nhiều công thức, bí quyết mà ở châu Âu hay ở Mỹ không có. Đây là một lợi thế.

Tuy nhiên, cốt lõi để đem thương hiệu Việt đi xa chính là tư duy của mỗi doanh nhân, doanh nghiệp. Sản phẩm phải xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng, thấu hiểu nhu cầu khách hàng hoặc chúng ta tạo ra nhu cầu của khách hàng và tìm cách đáp ứng tốt nhất. Không hẳn vươn ra khỏi biên giới mới là vào biển lớn, mà thị trường Việt Nam cũng đang là biển lớn.

Rất nhiều doanh nghiệp có kinh nghiệm, sừng sỏ trên trường quốc tế đã có hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đòi hỏi doanh nghiệp phải cải tiến, phải hoàn thiện mình liên tục mới có thể tiếp tục tồn tại trên thương trường.

Đó là những cuộc chạy đua trên thương trường và cũng chính là cuộc chạy đua phát triển nội lực, đòi hỏi sự nỗ lực sáng tạo liên tục nhằm tạo nên giá trị và sự khác biệt. Cuộc chạy đua có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc trên hành trình khẳng định thương hiệu và nâng tầm doanh nghiệp Việt Nam.

Tin bài liên quan