Có nên kết hợp vị trí CEO và chủ tịch?

Có nên kết hợp vị trí CEO và chủ tịch?

(ĐTCK) Công ty nên để một người kiêm nhiệm vị trí CEO và chủ tịch hay phân nhiệm vụ cho hai người? Những nghiên cứu sâu về vấn đề này cho thấy, câu trả lời là… rất phức tạp.

Với xu hướng hiện tại, phần lớn sẽ cho rằng, câu trả lời đúng là giữ hai vị trí này tách biệt, vì như vậy sẽ giúp đa dạng hóa tư duy trong ban lãnh đạo, giúp CEO giữ được vai trò giám sát thích hợp với hoạt động của công ty.

Nhưng có những công ty lớn đang đi ngược lại xu hướng đó. Gần đây nhất, hãng cung cấp dịch vụ video internet danh tiếng Netflix đã vừa bổ nhiệm Reed Hastings kiêm nhiệm cả hai vai trò CEO lẫn Chủ tịch. Liệu cổ đông của Netflix có bao giờ phải hối tiếc?

Trở lại năm 2006, trong một bài viết trên Havard Business Review có tiêu đề “Trước khi quyết định phân tách CEO/chủ tịch…”, Robert Pozen, Chủ tịch (không kiêm CEO) của hãng đầu tư Anh, đã trích dẫn 3 nghiên cứu từ 3 quốc gia khác nhau (Mỹ, Anh và Thụy Sĩ) cho thấy, không có sự khác nhau đáng kể về giá cổ phiếu hay thu nhập giữa những công ty phân tách hai vai trò này với những công ty kết hợp. Những nghiên cứu này dựa trên các dữ liệu từ năm 1996.

Cũng trong thời kỳ này, có một trường phái đưa ra các lý thuyết (không phải là dữ liệu) về việc vì sao phân tách hai vai trò này sẽ làm nảy sinh vấn đề. Năm 2003, William Allen và William Berkeley (chủ tịch và CEO của hãng bảo hiểm cùng tên) cho rằng, việc phân tách sẽ tạo ra hai phe phái quyền lực và sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh. 2 năm sau đó, Jay W. Lorsch và Andy Zelleke cũng lập luận tương tự trên Tạp chí Sloan Management Review rằng, việc phân tách hai vai trò này sẽ làm các trách nhiệm trong khối lãnh đạo trở nên kém rõ ràng, làm loãng bộ phận cấp cao và gây ra xung đột quyền lực.

Nghiên cứu năm 2012 của Matthew Semadeni và Ryan Krause của Trường Kelley School thuộc Đại học Indiana cho thấy, hai vai trò này không cần phân tách trừ khi tình hình kinh doanh của công ty đang diễn biến xấu. Tuy nhiên, Krause rút ra kết luận rằng, việc phân tách hai vai trò gần như không ảnh hưởng gì tới công ty, quan trọng là nếu một công ty đang hoạt động tốt, thì việc đi theo mô hình nào không phải là vấn đề.

Tuy nhiên, một nghiên cứu khó hiểu hơn đến từ GovernanceMetrics International đã tiếp cận vấn đề từ một góc độ khác: không phải chỉ riêng kết quả đem lại, mà là chi phí của việc phân tách hai vai trò.

Nghiên cứu được kiểm nghiệm với 180 công ty ở Bắc Mỹ có tổng vốn hóa khoảng hơn 20 tỷ USD. Do tính phức tạp của việc vận hành những doanh nghiệp lớn, chi phí và hiệu quả hoạt động của các mô hình lãnh đạo khác nhau sẽ được làm rõ hơn.

Và nghiên cứu đã chỉ ra được sự khác biệt. Đáng ngạc nhiên là việc kết hợp hai vai trò này sẽ tốn chi phí hơn là phân tách, thậm chí là tốn hơn rất nhiều. Tổng lương thưởng trung bình (gồm lương cơ bản, thưởng, khuyến khích, ưu đãi, cổ phiếu, quyền chọn cổ phiếu và lương hưu) của các lãnh đạo giữ cả hai vai trò là 16 triệu USD, cao hơn gần 60% so với lương thưởng trung bình chỉ 10,6 triệu USD cho hai cá nhân giữ hai vị trí CEO và chủ tịch ở những công ty theo mô hình phân tách.

Ai đó có thể lập luận rằng, sự khác biệt trong lương thưởng sẽ dẫn đến khác biệt trong hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Nếu đúng như thế, đó sẽ là luận điểm hỗ trợ cho phe ủng hộ kết hợp hai vị trí. Nghiên cứu này cũng chỉ ra như vậy - nhưng chỉ trong ngắn hạn. Lợi nhuận trung bình trong 1 năm của các cổ đông tại các công ty theo mô hình kết hợp hai vai trò rất ấn tượng: 11,65%. Trong khi đó nhóm công ty phân tách hai vai trò chỉ đem lại 2,27%. Tuy nhiên theo thời gian, nhóm công ty thứ nhất lại tụt lùi dần và nhóm thứ hai lại tiến lên. Lợi nhuận 5 năm của nhóm thứ hai là 31,3%, trong khi nhóm thứ nhất đạt lợi nhuận 5 năm là 39,96%.

Kết hợp tất cả các kết quả này với nhau, kết luận cuối cùng có thể là: những công ty phân tách hai vị trí CEO và chủ tịch đã đạt được lợi nhuận dài hạn cao hơn, là bởi đây là những công ty đang gặp khó khăn và họ đã hành động để thay những CEO lãnh đạo kém; hoặc là những công ty kết hợp hai vị trí CEO và chủ tịch đã tạo cơ hội cho những CEO lãnh đạo kém được tại vị quá lâu.

Nói cách khác, dựa trên phần lớn các nghiên cứu, số phận của Netflix cũng sẽ giống như các công ty khác, sẽ vẫn đi theo đúng bản chất tình hình hiện tại của công ty, bất kể việc họ có phân tách hay kết hợp hai vị trí CEO và chủ tịch.

Tin bài liên quan