Quan sát thị trường để hành động
VN-Index đóng cửa tuần qua tại 829,16 điểm, giảm 42,86 điểm (-4,92%) so với cuối tuần trước đó. Đây là tuần giao dịch có xu hướng chủ đạo là giảm mạnh, khi chỉ số có 3 phiên giảm tổng cộng 44 điểm, 2 phiên tăng vỏn vẹn chưa đầy 2 điểm.
Trong đó, phiên cuối tuần, thị trường giảm gần 28 điểm, với thanh khoản khớp lệnh tăng vọt lên hơn 6.800 tỷ đồng, khi có thông tin ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng tại Đà Nẵng.
Phiên giao dịch đầu tuần này (27/7), tâm lý thị trường bi quan hơn khi thông tin về các ca nhiễm bệnh mới được công bố, tạo ra làn sóng bán tháo cổ phiếu. VN-Index mất tới 44 điểm, tương đương 5,31%, còn hơn 785 điểm.
Như vậy, VN-Index đã thủng hỗ trợ xu hướng MA60 tại 850 điểm, rơi về hỗ trợ đáy cũ tại 830 điểm. Đây là dấu hiệu tiêu cực, vùng “lình xình” (sideway) 830 - 875 điểm trong hơn một tháng vừa qua chấm dứt, chỉ số giảm về mức hỗ trợ tiếp theo là 780 - 790 điểm.
Diễn biến chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Điểm tích cực là thanh khoản trên thị trường trong tuần qua tăng mạnh so với tuần trước đó, giá trị khớp lệnh trung bình mỗi phiên đạt 4.237 tỷ đồng (tăng 19,71%), tương ứng khối lượng hơn 267 triệu cổ phiếu (tăng 22,70%). Phiên đỏ lửa đầu tuần này duy trì giá trị khớp lệnh ở mức cao, đạt trên 7.000 tỷ đồng. Về giao dịch của khối nhà đầu tư nước ngoài, khối này mua ròng ở các phiên giảm điểm mạnh.
Lực cầu chực chờ mua vào khi giá cổ phiếu giảm xuống mức thấp cho thấy, tâm lý thị trường không quá hoảng loạn, nhiều khả năng sẽ sớm bình ổn trở lại. Rất khó để nhận định thị trường tới đây sẽ diễn biến ra sao, nhưng quan sát các thị trường chứng khoán khác trên thế giới khi làn sóng thứ hai của Covid-19 ập đến (xem biểu đồ) có thể dự báo được phần nào.
Theo đó, quan sát làn sóng Covid-19 thứ hai ở một số quốc gia, cụ thể là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để dự báo về ảnh hưởng của tin tức dịch bệnh lần này đến thị trường chứng khoán Việt Nam, có thể kỳ vọng tình hình sẽ không quá tệ.
Diễn biến chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Nhật Bản.
Diễn biến chỉ số KOSPI của thị trường chứng khoán Hàn Quốc.
Diễn biến chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ.
Diễn biến chỉ số Sanghai Composite của thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Nếu xuất hiện làn sóng Covid-19 thứ hai ở Việt Nam thì tác động đối với thị trường sẽ không nhiều như khoảng thời gian đầu diễn ra dịch bệnh (làn sóng thứ nhất).
Rất khó giải thích, nhưng thực tế cho thấy, ở không ít thị trường chứng khoán, một đợt giảm giá mạnh do tác động của Covid-19 đã tạo đà cho một đợt đi lên mới và khi dịch bệnh tái bùng phát, thị trường gần như không còn bị tác động.
Trở lại với thị trường Việt Nam, sau phiên giao dịch đầu tuần này, đồ thị phân tích kỹ thuật báo hiệu thị trường tiếp tục bước vào pha giảm giá, nhưng điểm hỗ trợ mạnh của chỉ số nằm ở vùng 760 - 790 điểm.
Trường hợp vùng hỗ trợ này không thể giữ vững thì 650 - 660 điểm sẽ là đáy thứ hai dành cho VN-Index.
Thị trường biến động mạnh sẽ thúc đẩy dòng tiền sẵn sàng tham gia thị trường tại vùng giá thấp, tương tự diễn biến trước đây trong đợt bùng phát lần thứ nhất của dịch bệnh vào cuối quý I/2020.
Dự báo, nhà đầu tư sẽ quan tâm đến cổ phiếu của các doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2020, bất chấp ảnh hưởng của Covid-19 và các cổ phiếu trả cổ tức tiền mặt hấp dẫn.
Mặc dù vậy, trong những phiên đầu tiên phản ánh tác động của dịch bệnh lần hai, các cổ phiếu bất kể là giá trị hay tăng trưởng vẫn chịu áp lực bán mạnh. Do đó, việc tích lũy cổ phiếu được khuyến nghị tiến hành khi có tín hiệu cân bằng của cung - cầu thị trường.
Đi tìm điểm tựa
Trong đợt giảm giá lần này, động thái tích cực của các quỹ đầu tư nước ngoài và quỹ ETF được nhận định sẽ là điểm nâng đỡ sức cầu, trái ngược với cú sập trong tháng 3/2020.
Trong tuần giao dịch vừa qua, nhiều quỹ ETF lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam như Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF), FTSE Vietnam ETF, VFMVN30 ETF, SSIAM VNFIN Lead ETF… đều thu hút vốn đầu tư trở lại.
Cụ thể, VNM ETF hút ròng 5,64 triệu USD trong tuần qua, nâng tổng lượng vốn hút ròng từ đầu tháng 7 tới nay lên 9,21 triệu USD.
Một quỹ ETF ngoại khác là FTSE Vietnam ETF hút ròng 1,1 triệu USD, nâng số vốn hút ròng từ đầu tháng 7 tới nay lên 4,6 triệu USD. Các quỹ ETF nội như VFMVN30 ETF hút ròng 114 tỷ đồng, VFMVN Diamond ETF hút ròng 1,2 tỷ đồng, SSIAM VNFin Lead ETF hút ròng gần 80 tỷ đồng.
Ngoài các quỹ trên, thị trường kỳ vọng sẽ đón nhận thêm dòng vốn từ các quỹ ETF mới thành lập như VinaCapital VN100 ETF hay SSIAM VN30 ETF.
Yếu tố khác có tác động mạnh tới thị trường chứng khoán vẫn là dòng tiền bí đầu ra ở các kênh sản xuất - kinh doanh khi thị trường quốc tế và quốc nội đều giảm mạnh nhu cầu xuống mức rất thấp.
Trong đợt hồi phục tháng 4 - 5/2020 của thị trường, đã có những tài khoản cả mới và cũ được kích hoạt, giá trị đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Không ít nhà kinh doanh ở nước ngoài cũng bắt đáy cổ phiếu, với mục đích đầu tư dài hạn.
Trong tháng 5/2020, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ thông qua việc giảm 50 điểm cơ bản các loại lãi suất điều hành.
Các ngân hàng theo đó đã giảm lãi suất huy động trong tháng 6 và sang tháng 7 tiếp tục giảm lãi suất ở các kỳ hạn.
Trong trường hợp lạm phát kỳ vọng năm 2020 ở mức 4%, người gửi tiền sẽ chỉ còn được hưởng lãi suất thực là 2 - 3%/năm.
Theo đó, người dân có xu hướng rút vốn ra và tìm kiếm những kênh đầu tư thay thế như vàng, bất động sản, chứng khoán…
Việc tiếp tục chống dịch và thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo từng vùng đang được kích hoạt trở lại, nhưng tâm lý của người dân và doanh nghiệp không quá bi quan, vì tin tưởng vào cách khoanh vùng chống dịch hiệu quả trong thời gian qua.
Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), đây chính là “giai đoạn bình thường mới” của kinh tế và chứng khoán trước ảnh hưởng từ dịch bệnh. Do đó, nhà đầu tư không quá bi quan bán tháo các cổ phiếu cơ bản tốt khi chỉ số đã giảm về gần các ngưỡng hỗ trợ mạnh.
MBS cũng như nhiều công ty chứng khoán khác kỳ vọng, thị trường sẽ xuất hiện lực cầu bắt đáy khi sự lo lắng về dịch bệnh lắng dịu.