Có nên hạn chế ngồi ghế HĐQT?

Có nên hạn chế ngồi ghế HĐQT?

(ĐTCK) Thông tư 121 cấm thành viên HĐQT của một công ty không được đồng thời là thành viên HĐQT từ 6 công ty trở lên là không hợp lý. Tại sao là 6, mà không phải là 3 - 4 hoặc 7 - 8 công ty?

Theo phản ánh của nhiều DN, một quy định bất hợp lý tại Thông tư 121/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng, đó là thành viên HĐQT của một công ty không được đồng thời là thành viên HĐQT của trên 5 công ty khác, trừ trường hợp là thành viên HĐQT của các công ty trong cùng tập đoàn hoặc các công ty hoạt động theo nhóm công ty…

“Thông tư 121 cấm thành viên HĐQT của một công ty không được đồng thời là thành viên HĐQT từ 6 công ty trở lên là không hợp lý. Tại sao là 6, mà không phải là 3 - 4 hoặc 7 - 8 công ty? Quy định này chẳng khác nào hạn chế quyền tự do đầu tư, kinh doanh của người dân, đi ngược lại tư tưởng cải cách của Hiến pháp mới là người dân được quyền tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm…”, lãnh đạo một DN niêm yết nói.

Trên thực tế, khi bỏ vốn đầu tư vào nhiều DN, một nhu cầu chính đáng của người dân là muốn tham gia HĐQT của nhiều công ty để quản chặt đồng vốn, cũng như đảm bảo khả năng sinh lời tốt nhất cho đồng vốn mà họ đầu tư. Thông tư 121 hạn chế quyền tham gia HĐQT tại nhiều DN có thể khiến một bộ phận người dân hạn chế đầu tư vào DN.

Thực ra, giới đầu tư có cách để lách quy định bất hợp lý nêu trên, nhưng họ không muốn hành xử như vậy. Họ không muốn vì bất cập của quy định pháp lý mà phải làm một việc không đàng hoàng…

Được biết, trong năm nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) có kế hoạch sửa đổi Thông tư 121 theo hướng tiếp cận gần hơn các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Giới đầu tư kỳ vọng, việc sửa đổi Thông tư 121 sẽ bãi bỏ quy định cấm một nhân sự tham gia HĐQT của từ 6 công ty trở lên. Nhà quản lý không nên đưa ra quy định hạn chế người dân tham gia thành viên HĐQT của bao nhiêu DN, mà hãy trao cho họ tự quyết định tùy theo khả năng, cũng như nhu cầu thực tế.

Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về minh bạch thông tin của các DN đại chúng, niêm yết như định hướng của Bộ Tài chính, UBCK, khi sửa đổi Thông tư 121, nhà quản lý nên bổ sung các quy định về nghĩa vụ minh bạch thông tin áp dụng đối với cổ đông sáng lập, cổ đông lớn ở các DN, nhất là thông tin về tỷ lệ sở hữu cổ phần.

Bộ Tài chính cũng có thể cân nhắc bổ sung các quy định nhằm kiểm soát, ngăn ngừa tiêu cực có thể phát sinh từ quan hệ sở hữu chéo giữa các DN mà một người đồng thời làm thành viên HĐQT ở nhiều công ty khác nhau, thay vì duy trì quy định hạn chế quyền tham gia HĐQT của người dân ở nhiều DN như hiện tại. Qua đó, khuyến khích người dân đầu tư vốn, tham gia quản trị tại nhiều DN theo tư tưởng cởi mở của Luật Doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2015.

Tin bài liên quan