Có nên giảm tiếp trần lãi suất huy động?

Có nên giảm tiếp trần lãi suất huy động?

(ĐTCK) Nhiều chuyên gia kinh tế - tài chính trong nước cho rằng, không nên giảm thêm trần lãi suất huy động.

Trái ngược với nhận định của các tổ chức tài chính nước ngoài về khả năng trần suất huy động tiếp tục được cắt giảm thêm ít nhất 2%/năm từ nay đến cuối năm, nhiều chuyên gia kinh tế - tài chính trong nước cho rằng, trong các loại lãi suất chỉ đạo, trần lãi suất huy động không nên cắt giảm thêm và tiếp tục duy trì ở mức 9%/năm như hiện nay.

Có nên giảm tiếp trần lãi suất huy động? ảnh 1Theo các chuyên gia, trần lãi suất huy động ở mức 9%/năm như hiện nay là hợp lý

Standard Chartered vừa đưa ra báo cáo về triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam với nhận định lãi suất sẽ giảm thêm lần nữa trong năm nay. Theo dự báo của Standard Chartered, GDP của Việt Nam sẽ tăng 5% trong năm 2012, thấp hơn so với mức dự đoán trước đó là 5,8%. Đồng thời, nhận định được đưa ra từ Standard Chartered cũng cho rằng, lạm phát tại Việt Nam đã hạ nhanh hơn dự đoán ban đầu, có thể sẽ hạ xuống mức trung bình 8,8% trong năm 2012, từ mức 18,7% trong năm 2011. Đây sẽ là cơ sở để NHNN đưa lãi suất chỉ đạo thấp hơn nữa để thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cùng quan điểm với Standard Chartered, JPMorgan Chase cũng nhận định, CPI Việt Nam tăng thấp hơn dự báo ở tháng 7 sẽ tạo cơ sở để NHNN hạ lãi suất thêm ít nhất 200 điểm phần trăm trong các tháng cuối năm.

Trong khi đó, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia lại cho rằng, nếu không có gì tác động đến chính sách, thì CPI đến cuối năm nay chỉ tăng 5 - 6%. Nhưng do tác động của các chính sách như ứng trước 30.000 tỷ đồng vốn đầu tư ngân sách năm 2013 cho các công trình đầu tư xây dựng cơ bản, bơm tín dụng…, thì khả năng mức tăng CPI sẽ được kiểm soát ở mức 8% vào cuối năm nay.

Theo TS. Lịch, một số chuyên gia nước ngoài cũng thống nhất quan điểm Việt Nam không nên đưa CPI giảm xuống quá nhanh và chỉ số giá tiêu dùng cuối năm đạt mức tăng 8% là đẹp nhất. Còn nếu CPI được kiểm soát ở mức tăng thấp hơn 5 - 6%, sẽ không còn dư địa để thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ. Vì thế, lãi suất ở mức 9%/năm như hiện nay đối với kỳ hạn tiết kiệm dưới 1 năm là hợp lý, bởi CPI cả năm 8% thì lãi suất huy động tiền gửi phải ở mức 9%/năm, người gửi tiền mới hưởng được lãi suất thực dương.

“Trần lãi suất nên tiếp tục duy trì đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 năm, nhằm ổn định mặt bằng lãi suất và thị trường tiền tệ”, ông Lịch nói.

Thực tế cho thấy, khi NHNN chính thức cho phép tự do hóa lãi suất kỳ hạn 1 năm trở lên, mặt bằng lãi suất huy động ở kỳ hạn dài ngày đã biến động mạnh và các nhà băng nhỏ, thị phần tiền gửi hạn chế đã tranh thủ nâng lãi suất lên 12 - 13%/năm để hút vốn.

Ở một khía cạnh khác, tổng giám đốc của một ngân hàng lớn trên địa bàn TP. HCM cho rằng, với trần lãi suất huy động 9%/năm, các ngân hàng nhỏ có nhiều bất lợi, nên thời gian qua, nhiều ngân hàng đã tìm cách “lách trần” để cạnh tranh huy động vốn, có thể đẩy lãi suất huy động lên tới 11%/năm. Do vậy, việc hạ lãi suất huy động thực tế xuống dưới 9%/năm khó thực hiện được. Bên cạnh đó, tâm lý của người Việt Nam luôn lo ngại khi lãi suất tiết kiệm giảm mạnh sẽ làm cho tiền đồng mất giá và tranh thủ gom ngoại tệ hoặc vàng. Vì thế, nếu lãi suất tiền đồng giảm thêm, sẽ khó tránh được dòng vốn dịch chuyển từ tiết kiệm sang các kênh đầu tư khác.

Trong khi đó, Tổng giám đốc DongA Bank, ông Trần Phương Bình cho biết, xu hướng của người tiêu dùng hiện nay đã có sự thay đổi. Theo ông Bình, so với trước, hiện tâm lý của khách hàng hướng đến việc tích cóp nhiều hơn là tăng chi tiêu. Vì thế, trong các đợt cắt giảm lãi suất vừa qua, nguồn tiết kiệm của DongA Bank  tuy có sụt giảm, nhưng không nhiều so với những lần trước. Tuy nhiên, ông Bình đưa ra nhận định, khả năng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dưới 1 năm sẽ đứng ở mức 9%/năm trong thời gian từ nay đến cuối năm. Đồng thời, cần thiết duy trì để khống chế tình trạng chạy đua lãi suất huy động vốn, khiến thị trường mất ổn định.

Cũng theo ông Bình, trong lúc này, gửi tiền đồng vẫn có lợi hơn so với các kênh đầu tư khác. Hiện tại, các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán vẫn chưa nhìn thấy triển vọng tăng trưởng tốt trong thời gian tới; ngoại tệ tuy dự đoán có xu hướng tăng, nhưng có sự kiểm soát với biên độ chỉ khoảng 2 - 2,5%...

Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính cho rằng, nếu gửi tiết kiệm, khách hàng nên chia khoản vốn làm hai: một phần gửi ngắn hạn và phần còn lại có thể gửi kỳ hạn dài, hưởng lãi suất cao.