1. Tôi biết cậu em đồng nghiệp trước ở Sài Gòn, sau rồi vợ chồng em bán hết nhà đất tại thành phố, đưa 2 con lên Đà Lạt sinh sống.
Đà Lạt là 1 thành phố đẹp, rất lý tưởng để nghỉ dưỡng. Từ Sài Gòn chuyển lên Đà Lạt ở, dù là ở ngoại ô, cũng vẫn là phố thị. Cậu em làm nhà gỗ, tạo lập cơ ngơi, cuộc sống rất dễ thương. Vợ chồng cậu có ý tưởng làm homestay ngay tại gia đình, 2 đứa con sẽ được học online chứ không tới trường. Đó cũng là 1 sự lựa chọn dũng cảm và đặc biệt của các phụ huynh ở thời cho con đi học quá vất vả như hiện nay.
Ngày trước, ở các vùng rừng núi sâu, vùng xa, có các bản làng của nhiều người từ khắp nơi tới lập nghiệp, khai hoang. Người ta gọi là đi "Kinh tế mới". Phải là những người có cuộc sống quá khó khăn, gọi là đói nghèo, mới dứt áo từ miền quê đồng bằng để lên núi lập địa. Tất nhiên, cuộc sống, sinh hoạt ở các vùng rừng núi thì khắc nghiệt rồi, khắc nghiệt nhiều hơn ở miền xuôi. Khí hậu khắc nghiệt, thiên nhiên hoang dã, việc đối mặt với côn trùng có hại thật sự là sự hòa nhập không hề dễ dàng.
Chưa kể sự văn minh trong ứng xử cũng có khác biệt vùng miền, dẫn tới vênh nhau trong cuộc sống đời thường. Nhưng, vì miếng cơm manh áo, những người đi Kinh tế mới thời đó đã phải thích ứng để tồn tại. Con người là 1 trong những sinh vật trên trái đất có khả năng hòa nhập vào môi trường mới nhanh nhất.
Giờ, xu hướng bỏ phố về rừng không phải vì miếng cơm manh áo như trước kia nữa. Ở lứa tuổi trẻ, khoảng 40 tuổi trở xuống, các bạn còn thời gian để trải nghiệm cuộc sống, thậm chí có thể chấp nhận bỏ vài năm “lên rừng” để đầu tư vào miếng đất còn rẻ, sau đó bỏ công sức cải tạo, làm nhà, trồng cây, kinh doanh farmstay. Tới khi đạt được kỳ vọng về lợi nhuận, thì bán đi để quay lại thành phố.
Cũng có nhiều bạn chán cuộc sống đô thị thực sự, cần có miếng đất xa hẳn nắng nóng, khói bụi, họ có thể nhất thời đi kiếm nơi thanh vắng, hoặc cũng có thể ở cả đời. Việc này chưa ai khẳng định và thống kê được, vì xu hướng này chỉ mới rộn ràng lên vài năm gần đây.
Việc “bỏ phố” không quá khó, dù để dứt ra khỏi sự hấp dẫn của những văn minh, sạch đẹp, choáng ngợp cũng là 1 thử thách, nhưng khó hơn cả là việc “lên rừng”. Ở Sài Gòn, các bạn thường nghĩ tới Đà Lạt, Bảo Lộc, xa hơn là Đắk Nông, Đắk Lắk...
Nhưng nếu “lên rừng” mà ở gần phố thị, ngoại ô thành phố, thị trấn, thì vẫn là sự lựa chọn đơn giản để giao thoa trước sự thay đổi dần dần; “lên rừng” mà mua các miếng đất sang tay, vô trong nơi vùng sâu, không có sổ, thì lại ảnh hưởng tới quy hoạch của nền tảng trồng lại rừng. Ở đâu có sự khai phá của con người, thiên nhiên nơi ấy nhất định đã bị sự can thiệp và chi phối.
Bởi vậy, chọn lựa thế nào cho phù hợp, rất cần cách suy nghĩ thấu đáo của các bạn trẻ.
2. Vì sao người trung niên ít khi theo trào lưu bỏ phố về rừng, mà lại chỉ thích bỏ phố về vườn? Vì sức khỏe cũng như thời gian của họ đã không còn quá nhiều, để “thích thì nhích” như tuổi trẻ nữa. Người trung niên cũng thích khí hậu biển hơn khí hậu núi, do đặc điểm thời tiết khiến con người không bị tác động quá nhiều lên sức khỏe.
Một ngày 4 mùa, kiểu như Đà Lạt khiến du khách rất say mê, nhưng nếu như ở đó quá lâu, người lớn tuổi cảm thấy dễ bệnh, nhiễm lạnh, cơ thể chưa kịp thích nghi với nhiệt độ, thì bên ngoài đã “chuyển mùa”.
Các bức hình tuyệt đẹp trong sương mù khiến cho giới trẻ xuýt xoa, nhưng để có thể đủ sức khỏe dầm mình trong sương giá vào sáng sớm cũng là 1 thử thách lớn với người đã “có tuổi”. Và như đã nói, tuổi trẻ còn sự dài rộng thời gian để đầu tư 1 farmstay, 1 homestay, các bạn trẻ có thể “rút quân” trở lại đô thị lớn bất cứ lúc nào, còn với tuổi trung niên, xây dựng xong cơ sở vật chất thì nhìn lại cuộc đời đã chẳng còn mấy năm để sống.
Tuy nhiên, dù thế nào, cá nhân tôi vẫn tôn trọng mọi sở thích. Yêu thích và theo đuổi trào lưu bỏ phố về rừng hay bỏ phố về vườn, đều được tôn trọng. Chỉ là bạn cần mua miếng đất đầy đủ sổ sách, cho dễ dàng quang minh chính đại.
Trồng cây gây rừng là chuyện rất tuyệt vời trong cuộc đời. Sống buông bỏ vật chất cũng là sự chọn lựa cá nhân. Chỉ có điều hơi lo chút, nếu số đông mà “buông” hết, thì còn lại quá ít nhân lực đóng góp cho sự phát triển của xã hội, của cộng đồng, của văn minh nhân loại.
Hy vọng, là tôi chỉ lo hão huyền!