Có một Phạm Thị Việt Nga khác

Có một Phạm Thị Việt Nga khác

(ĐTCK) Chị được biết đến như một lãnh đạo DN tài ba, người có công đưa CTCP Dược Hậu Giang (DHG) từ quy mô xí nghiệp lên tầm vóc tập đoàn, trở thành cánh chim đầu đàn của ngành dược Việt Nam. Tuy nhiên, ít ai biết, thành công ấy được khơi nguồn từ chữ Học.

Ai từng gặp chị, biết chị cũng đều thắc mắc sao chị ham học quá?

Tôi sinh ra và lớn lên trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, học tại Trường nội trú Lý Tự Trọng, cái chữ được đổi bằng những ngày vừa đi học, vừa trốn máy bay địch, lưng lúc nào cũng đeo vòng ngụy trang. Năm 20 tuổi, với hành trang là tấm bằng tốt nghiệp cấp II và bằng Dược sĩ trung học, tôi vượt rừng Trường Sơn hơn 4 tháng, chỉ mong được tốt nghiệp cấp III và vào giảng đường Đại học Dược TP. HCM. Cũng vì “thèm” kiến thức mà trong ngôi trường Lý Tự Trọng đã có bao thầy cô, bạn bè trở thành thương binh, có bạn đã ngã xuống sau giờ học bài bị giặc ném bom. Sự học đối với chúng tôi đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu của thầy cô, của nhà trường, của nhân dân. Chính vì vậy, khi đất nước hòa bình, tôi không chỉ học cho mình, mà học cho cả bạn bè, cho những đồng đội không bao giờ được tiếp tục học.

 

Hình như việc học của chị không được suôn sẻ?

Ngoài gian nan do học trong cảnh chiến tranh, khó khăn về kinh tế thời bao cấp sau khi hòa bình lập lại khiến việc học của tôi (học dược sĩ) và chồng (học bác sĩ) rất khổ cực. Tôi nhớ, năm 1977, tôi sinh cháu Quỳnh Anh, tôi phải ôm theo cháu khi đó mới 15 ngày tuổi vào Sài Gòn để nhập học Đại học Dược.

Vì con còn nhỏ, nhà lại nghèo, không có phương tiện đi lại, nên mỗi ngày, một người bạn ở đường Nguyễn Thái Học, Quận 1 đã dùng xe đạp đưa đón tôi đi học. Suốt 4 năm như thế, cuối cùng tôi cũng tốt nghiệp Đại học Dược. Trong khoảng thời gian học ấy, hai vợ chồng nhiều khi không có đủ tiền để mua một mớ rau. Tôi đã phải bán vật kỷ niệm duy nhất trong ngày cưới là đôi bông tai để có chút tiền lo cuộc sống.

 

Khi trẻ, người ta có lý do để nỗ lực học, phục vụ công việc và mở mang đầu óc. Nhưng càng lớn, tuổi tác, thời gian và hạn chế về khả năng tiếp thu dễ khiến nhiều người lùi bước. Với chị thì sao?

Đúng là tuổi tác cũng làm cho mình học bài lâu nhớ, lại mau quên hơn và khó thức thâu đêm để học, để thi như thời sinh viên. Rồi thì áp lực công việc. Những lúc DHG lâm vào cảnh khó khăn, tôi cũng nản chí, muốn thôi không học nữa. Có bao việc thúc bách tôi khi ấy, nào là công ăn việc làm, tiền lương cho CBCNV… Nhưng cũng chính trong những thời điểm đó, mỗi ngày đi học như thêm một chìa khóa mở cho tôi kiến thức mới, giúp tôi tìm thấy tia sáng, đường thoát mới cho DHG. Lúc đó, tôi không học vì bằng cấp, không nghĩ đến lâu dài, mà học hết môn nào tôi đều tìm ra ý tưởng cho công việc. Đến nay cũng vậy, mỗi lần học dù là tiến sĩ hay thạc sĩ, dù là một buổi hội thảo, tôi vẫn tìm được những bài học thiết thực cho công việc của mình. Đó là lý do tôi say mê học.

 

Dường như chị đã nhận lại được rất nhiều từ những vun đắp kiến thức này?

Hầu hết thành công trong quá trình xây dựng đội ngũ DHG vững mạnh đều là kết quả của quá trình vun đắp kiến thức của tôi, không chỉ ở trường học, ở bạn bè, sách vở, mà ở cả những bài viết, bài đọc trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Một ví dụ cụ thể là nhờ kiến thức học được ở lớp thạc sĩ UBI với thầy Thiêm mà tôi cùng các cán bộ ở DHG đã vạch cho Công ty “sứ mạng - tầm nhìn - giá trị cốt lõi và bản sắc văn hóa”. DHG kiên trì theo đuổi tầm nhìn “Vì một cuộc sống khỏe đẹp hơn”, bám năng lực lõi của Công ty mà kinh doanh, dù lúc đó vốn liếng của DHG không thiếu và có nhiều “rủ rê” đầu tư ngoài ngành. DHG không tham gia thị trường ngoài năng lực lõi, tiếp tục phát triển bền vững kể cả năm 2011 - 2012 khi tình hình kinh tế chung hết sức khó khăn.

 

Kiến thức nào thu nhận được làm chị thấy sung sướng nhất?

Từ những kiến thức về quản trị chiến lược học ở lớp thạc sĩ UBI, tôi đã áp dụng vào việc quản trị nhân sự, chăm sóc khách hàng và cả người tiêu dùng. Tôi nhận ra mối quan hệ giữa người với người đi từ cảm xúc, chứ không phải chỉ bằng lý trí.

 

Để làm tốt vai trò của một người đứng đầu DN, theo chị có những tri thức gì không thể bỏ qua?

Muốn làm tốt vai trò lãnh đạo DN, cần rất nhiều yếu tố. Có những yếu tố không thể thiếu như khả năng nhận xét, đánh giá vấn đề khách quan, nhất là những vấn đề thuộc về con người; khả năng thu hút, khai thác, phát huy tài năng của những người xung quanh. Đặc biệt, phải biết vượt lên tự ái bản thân, biết chấp nhận thay đổi, kể cả đó là những đề xuất của nhân viên.

 

Người ta hay nói, lý thuyết và thực tiễn nhiều khi rất khác nhau. Vì thế, không ít người tự hào rằng, họ không cần đào tạo bài bản nhưng vẫn làm tốt công việc. Quan điểm của chị thế nào?

Như tôi đã nói, sự thành công của tôi có rất nhiều yếu tố từ lý thuyết. Lý thuyết sẽ được ứng dụng tốt ở thực tiễn, nếu người tiếp nhận lý thuyết từng có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Khi đó, họ sẽ nhận ra điểm tương đồng của lý thuyết và thực tiễn, cũng như giá trị của lý thuyết như thế nào khi họ đứng trước một thực tiễn cần quyết định.

 

Thu nhận được nhiều kiến thức, chị ngộ ra được những gì?

Mỗi ngày trôi qua là một thay đổi, dù có học bao nhiêu cũng không đủ. Học - học nữa - học mãi và học ở mọi nơi, mọi người là điều tâm niệm của tôi.

Nhìn lại những việc chị làm cho Công ty và cho mọi người, thấy rõ ở chị một chữ Tâm rất lớn. Với người lãnh đạo, chữ Tâm là như thế nào?

Theo tôi, chữ Tâm nơi người lãnh đạo DN cần bắt đầu từ cái tâm dành cho CBCNV, dành cho sản phẩm, dịch vụ, dành cho người tiêu dùng, dành cho cộng đồng xã hội xung quanh mình. Chính chữ Tâm đã giúp DHG và cá nhân tôi không những vượt qua nhiều khó khăn đi đến thành công, mà còn mang lại nhiều may mắn.

 

Chữ Tâm này có phải chủ yếu đến từ bản tính hay thương người?

Tôi không có bản tính hay thương người bẩm sinh đâu. Chỉ là tôi nhận quá nhiều chữ Tâm của người khác dành cho mình. Từ nhỏ, cha mẹ đi kháng chiến, gửi chị em chúng tôi cho những người bà con, lớn lên sống với cái tâm lớn lao của Đảng, nhân dân, đồng đội… Có thể nói, từ nhỏ đến giờ, hơn 60 năm tôi nhận quá nhiều chữ Tâm và sống ở đâu, tập thể nào cũng dành chữ Tâm cho nhau. Vì vậy, dành cho người khác chữ Tâm là lẽ đương nhiên của cuộc sống.

 

Có câu ví, thương trường như chiến trường. Chị làm sao “chiến đấu” mà giữ được cái tâm không thay đổi?

Chưa bao giờ tôi nghĩ thương trường là chiến trường và càng không nghĩ các doanh nghiệp dược đang cạnh tranh với DHG là đối thủ cần “chiến đấu”. Bởi lẽ, mỗi doanh nghiệp có lợi thế, thế mạnh khác nhau, phục vụ những nhu cầu khác nhau, các đối tượng người tiêu dùng khác nhau và cho đến giờ này, thị trường dược phẩm Việt Nam còn nhu cầu lớn mà chúng tôi chưa đáp ứng được. Hơn nữa, dù có cạnh tranh cũng nên nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tạo niềm tin với khách hàng và người tiêu dùng. Chữ Tâm giúp chúng tôi có nhiều bạn bè tốt, sánh vai nhau cùng phát triển, hơn là chiến đấu “một mất, một còn”.

 

Khi quyết định một vấn đề khó, được bên này thì mất bên kia, chị thường ưu tiên giải quyết theo hướng nào?

Khi cần chọn lựa, giải quyết bất cứ vấn đề gì, tôi ưu tiên quan tâm đến cảm xúc của con người.

 

Nhiều năm xông pha thương trường, phần thưởng lớn nhất với chị là gì?

Phần thưởng lớn nhất mà tôi có được là niềm tin và tình thương của tất cả mọi người dành cho tôi.

 

Trong một lần trò chuyện với phóng viên, GS.TS Tôn Thất Nguyễn Thiêm, một chuyên gia, nhà nghiên cứu và cũng là người thầy được giới doanh nhân ngưỡng mộ đã tâm sự chân tình về ấn tượng của ông khi gặp chị Phạm Thị Việt Nga, bây giờ là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc DHG: “Đó là một người giản dị, tình cảm và rất ham học”.

 

GS Thiêm kể, một lần xuống trụ sở DHG để giảng dạy cho cán bộ tại đó, xe đến sớm, nhưng ông đã thấy chị Nga trong tư thế sẵn sàng để học. Lần khác, ngồi trên xe của DHG, tài xế vô tình mở nhầm đĩa CD và GS. Thiêm nghe thấy giọng của mình. Thì ra, những gì ông giảng dạy, chị Nga đều ghi âm, chuyển vào CD để nghe lại trong những lần ngồi xe giữa các chặng đường công tác, chị lắng nghe để hiểu thấu đáo những gì thầy Thiêm truyền đạt.