Có một bầu Thắng rất khác

Có một bầu Thắng rất khác

(ĐTCK) Nhắc đến Đồng Tâm Long An, hay Kienlongbank, mọi người nghĩ ngay đến ông Võ Quốc Thắng, một ông bầu có tâm huyết với bóng đá, nhưng hiện nay, ông đã lùi về sau để chèo lái con thuyền truyền thống của gia đình - Đồng Tâm Group.

Sau bóng đá là sự điềm tĩnh, kiệm lời

Quả thực, bầu Thắng đã tạo được dấu ấn sâu đậm trong lĩnh vực bóng đá bằng sự cống hiến với cả tâm huyếT của mình. Bầu Thắng sang Bồ Đào Nha mời chuyên gia Henrique Calisto về xây dựng mô hình câu lạc bộ chuyên nghiệp với việc hình thành một khu tập luyện khép kín tại huyện Bến Lức, Long An.

Đồng Tâm Long An sau đó vô địch V-League 2 lần (mùa 2005, 2006). Đó cũng là lúc Tập đoàn Đồng Tâm mở rộng quy mô hoạt động. Thông qua việc quảng bá thương hiệu của bóng đá, bầu Thắng được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa 11 (2002 - 2007), cũng như mở rộng quy mô sản xuất ở miền Trung.

Tuy nhiên, từ sự sôi nổi của một ông “bầu” trong lĩnh vực bóng đá gắn liền với tên tuổi của Gạch Đồng Tâm, giờ đây hình ảnh của ông Thắng dần chuyển sang điềm tĩnh hơn, ít lộ diện hơn, chủ yếu tập trung cho Đồng Tâm Group.

Sau 2 nhiệm kỳ liên tiếp ngồi ghế Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), bầu Thắng đã quyết định rút lui kể từ cuối năm 2017, vì tâm lý ngại ngồi lâu sẽ tạo điều tiếng không hay trong dư luận. Một lý do khác quan trọng hơn khiến ông rời ghế “nóng” VPF là quá rất bận rộn trong công việc kinh doanh, bởi ông dành nhiều tâm huyết cho Đồng Tâm cũng như Kienlongbank.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ ngày 15/1/2018, chủ tịch HĐQT ngân hàng không được làm thành viên HĐQT ở các doanh nghiệp khác. Theo quy định này, ông Thắng phải chọn 1 trong 2, hoặc là Kienlongbank hoặc là Đồng Tâm Group và ông đã chọn Đồng Tâm Group - doanh nghiệp mà ba ông - ông Võ Thành Lân sáng lập từ ngày 25/6/1969.

Từ một cơ sở sản xuất gạch bông nhỏ lẻ của gia đình, đến nay, Đồng Tâm đã có 12 nhà máy với hơn 3.000 cán bộ nhân viên, hoạt động trong nhiều lĩnh vực.

Hiện nay, ngoài việc đầu tư mở rộng quy mô sản xuất ở các nhà máy nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, Đồng Tâm liên tục cho ra đời nhiều sản phẩm, dịch vụ được người tiêu dùng đón nhận và đánh giá cao, như ngói màu, sơn, bột trét, keo dán gạch, cửa, sứ vệ sinh, bê tông tươi, cống cọc, bao bì, đầu tư kinh doanh khu công nghiệp, dịch vụ logistic, cảng biển…; phát triển mở rộng hệ thống showroom, chi nhánh, khu hàng, cửa hàng cộng tác, nhà phân phối trải dài khắp các tỉnh, thành trên cả nước và ra mắt website mua hàng trực tuyến đầu tiên trong ngành vật liệu xây dựng tại Việt Nam.

Nhà máy sản xuất cọc bê tông ly tâm dự ứng lực tại Bến Lức, Long An 2. 

Ông Thắng cho biết, Đồng Tâm 5 năm liên tiếp đạt hơn 1.048 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tính đến hết năm 2017. ĐHCĐ Đồng Tâm diễn ra trong quý IV/2018 cũng đã thống nhất thông qua các chỉ tiêu doanh thu thuần đạt được trong năm 2018 là 2.100 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 180 tỷ đồng,cổ tức dự kiến chia là 12%.

Lợi nhuận tích lũy còn lại sẽ bổ sung vào nguồn vốn tự có, nâng cao năng lực tài chính tiếp tục đầu tư vào các dự án đang triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển giai đoạn 2018 - 2020. Đồng Tâm đã đưa vào hoạt động Nhà máy sản xuất Cọc bê tông ly tâm dự ứng lực tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An, với công suất 1 triệu md/năm. Bên cạnh đó, Cảng Quốc tế Long An cũng đưa vào khai thác cầu cảng số 2 vào tháng 12/2018 và tiếp tục khởi công xây dựng cầu cảng số 3, nâng tổng chiều dài cầu cảng lên 630 m.

Khi được hỏi vì sao ông quyết định rời ghế “nóng” Kienlongbank để chọn điều hành Đồng Tâm Group, bầu Thắng chia sẻ: “Trong kinh doanh, có lẽ tôi được biết đến nhiều và sớm hơn qua quá trình gắn bó với thương hiệu Đồng Tâm, chuyên sản xuất - kinh doanh sản phẩm vật liệu xây dựng, trang trí nội, ngoại thất. Đây là ngành nghề truyền thống của gia đình”. 

Vẫn sát cánh cùng Kienlongbank

Mặc dù rút lui khỏi ghế “nóng” Kielongbank, nhưng ông Thắng hiện vẫn còn cổ phần tại ngân hàng này do con trai đứng tên. Tại Đồng Tâm, gần 70% vốn điều lệ của doanh nghiệp này do ông Thắng và gia đình sở hữu.

Cũng giống như Đồng Tâm, có thể thấy, từ ngày bầu Thắng giữ chức Chủ tịch HĐQT điều hành từ ngày 25/4/2013 đến nay, lợi nhuận của Kienlongbank có nhiều thay đổi. Theo đó, năm 2013 lợi nhuận sau thuế đạt 313 tỷ đồng, năm 2014 là 176 tỷ đồng, năm 2015 là 165 tỷ đồng, năm 2016 xuống chỉ còn 121 tỷ đồng.

Bước sang năm 2017, bức tranh lợi nhuận khả quan hơn với 202 tỷ đồng. Đáng chú ý trong năm 2018, Kienlongbank có thay đổi lớn về nhân sự và bầu Thắng rời ghế Chủ tịch, nhưng kết thúc năm 2018, tổng tài sản Ngân hàng đạt 42.330 tỷ đồng, tăng 13,40%; lợi nhuận trước thuế đạt 300,05 tỷ đồng, tăng 18,98%; tỷ lệ nợ xấu được kiểm ở mức 0,86%.

Bên cạnh đó, Kienlongbank đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM, hoàn tất tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 3.237 tỷ đồng, tiếp tục mở rộng mạng lưới hoạt động thêm 17 chi nhánh, phòng giao dịch mới. Đến cuối năm 2018, Kienlongbank đã có 134 điểm giao dịch tại 28 tỉnh, thành trên cả nước.

Từ đó cho thấy, Kienlongbank đạt được những kết quả trên không thể không có “bóng dáng” phía sau của bầu Thắng, nhất là khi xuất phát điểm của nhà băng này chỉ là một NHTMCP quy mô vừa và nhỏ được thành lập từ năm 1995 tại Kiên Giang.

Cho dù khi bước vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng chỉ là một “người ngoại đạo” rẽ ngang và không ít người đã ngờ vực về việc lấn “sân” của ông, nhưng bầu Thắng cho biết, là doanh nhân, cũng như các đồng nghiệp khác, ông luôn khát khao được làm việc, được cống hiến hết mình trong những lĩnh vực mình đam mê, yêu thích, với mong muốn tạo ra nhiều của cải cho xã hội và công ăn việc làm cho người lao động.

"Là doanh nhân, tôi luôn khát khao được làm việc, được cống hiến hết mình trong những lĩnh vực mình đam mê, yêu thích, với mong muốn tạo ra nhiều của cải cho xã hội và công ăn việc làm cho người lao động"  Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Đồng Tâm Group

“Tôi rất vui vì trong suốt thời gian qua được làm việc, được đóng góp cho sự phát triển của Kienlongbank, mang đến cho khách hàng hình ảnh Ngân hàng mới mẻ, ấn tượng và đầy sức sống”, ông Thắng chia sẻ.

Kenlongbank ngay từ đầu đã xác định con người là nhân tố quan trọng trong hoạt động tín dụng, vì vậy trong suốt 5 năm qua - một nhiệm kỳ ông Thắng giữ vị trí ghế “nóng” cũng như hiện tại, tập thể HĐQT Kienlongbank, thống nhất đề cao xây dựng nền tảng văn hóa doanh nghiệp và đào tạo con người.

Từ quản lý cấp cao đến nhân viên, cộng tác viên đều thấm nhuần cách hành xử văn hóa của Kienlongbank, là dùng văn hóa thay vì quyền lực để điều hành một doanh nghiệp, ngân hàng.

“Trong điều hành đội bóng hay doanh nghiệp, tôi luôn dùng văn hóa. Chỉ có văn hóa mới kêu gọi một tập thể thay đổi vì điều tốt đẹp hơn và chỉ có văn hóa mới có sức mạnh thuyết phục, loại trừ những hạn chế, yếu kém ra khỏi tổ chức”, bầu Thắng chia sẻ và cho rằng, việc kế nghiệp cha kinh doanh vật liệu xây dựng, nhưng đó cũng là niềm đam mê từ nhỏ của ông.

Bóng đá là sở thích thể thao và có chút tự ái dân tộc khi muốn đưa nền bóng đá quốc gia phát triển hơn nữa. Còn với nghề ngân hàng, lĩnh vực tài chính cũng là một ngành kinh doanh như các ngành khác.

Tin bài liên quan