KTS Trịnh Hoài Ân. |
Rất nhiều đô thị ở Việt Nam đều sở hữu ít nhất một dòng sông. Vậy với các địa phương, có nên thực hiện công tác quy hoạch phát triển đô thị theo các dòng sông?
Tại các quốc gia phát triển, khi xây dựng các công trình cao tầng họ cũng đồng hành đầu tư hệ thống ngầm các công trình hạ tầng, như: tàu điện ngầm; các hành lang thoát nước quy mô lớn. Và con người có thể đi bộ và kiểm soát các hành lang đó trong lòng đất.
Theo tôi, việc đầu tư xây dựng các khu đô thị dọc theo các dòng sông ở các địa phương là cần thiết.
Theo ông, với đô thị ven sông, nên thiết kế theo hướng nào?
Tôi đề xuất khi hình thành một khu đô thị mới ven sông cần tập trung đầu tư cụm trung tâm mới của đô thị ven sông. Bởi nó là cỗ máy tạo ra các hình thức lao động đa chức năng: công việc văn phòng, bảo hiểm, y tế, tài chính, logistics, thiết kế, quảng cáo, giáo dục, xây dựng, bán lẻ, du lịch, ẩm thực…
Ngoài ra, mỗi không gian sống cần tích hợp với không gian công viên để đảm bảo tính thư giãn. Quy mô khu trung tâm đô thị chiếm khoảng 15 - 25% tổng diện tích khu đất bao gồm các chức năng: y tế, giáo dục, thương mại, dịch vụ...
Có thể hình thành 5 đơn vị ở (20.000 dân), trong mỗi 1 đơn vị ở cần có các công trình nhà trẻ, trạm y tế, công viên trung tâm, trường tiểu học, trường phổ thông cơ sở... Các công trình có bán kính phục vụ không vượt quá 500 m. Cần tích hợp cảnh quan sông chính vào trung tâm đô thị mới, đảm bảo có được các hành lang du lịch sông nước kết nối với các trung tâm đô thị khác.
Nếu quy hoạch tốt, các dự án đô thị bên sông có thể góp phần điều tiết thủy lợi, nâng cao khả năng chống lũ, chỉnh tuyến, tạo dòng chảy hợp lý, thậm chí có đê thứ 2? Hay với TP.HCM là chống triều cường, ngập mặn… Ông nghĩ gì về điều này?
Đúng vậy, nếu có tư duy và tầm nhìn quy hoạch tốt thì các dự án đô thị ven sông sẽ góp phần nâng cao khả năng chống lũ, chỉnh tuyến, tạo dòng chảy hợp lý...
Lâu nay, có vẻ khi bàn về câu chuyện thiết kế quy hoạch, dường như các công ty quốc tế có ưu thế. Ông nhìn nhận gì về vấn đề này?
Các công ty quốc tế họ có một trình độ nhận thức và tầm nhìn phát triển đô thị khá khác biệt so với các công ty Việt Nam. Thể hiện qua các chiến lược phát triển đô thị từ cấp quốc gia, đến cấp vùng, cấp quy hoạch chung cấp tỉnh, cấp thành phố.
Mỗi một cấp quy hoạch, họ có định hướng dài hạn trong tổng thể quy hoạch cấp quốc gia. Mỗi một thành phố phải tận dụng thế mạnh của mình để phát huy hết khả năng của chính thành phố đó, không có sự cạnh tranh giữa các thành phố.
Nhu cầu mở rộng không gian đô thị ngày càng lớn. Ảnh: Shutterstock. |
Theo ông, cần đưa ra những tiêu chí lựa chọn đơn vị nghiên cứu, quy hoạch ra sao?
Theo tôi cần lựa chọn các đơn vị tư vấn có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tư vấn thiết kế quy hoạch. Trên cơ sở tầm nhìn chiến lược dài hạn về quy hoạch đô thị và các giá trị quy hoạch đô thị tại mỗi quốc gia, nơi mà các chuyên gia được tiếp cận, học tập và đã phát triển nó thành hiện thực.
Để phát triển được đô thị ven sông, theo ông cần có cơ chế chính sách đặc thù, giao đất lâu dài như thế nào?
Trong kỷ nguyên mới, thời kỳ hội nhập theo xu thế hội nhập toàn cầu các xu thế sở hữu đất đai giành để thương mại sẽ bị sụt giảm. Người lao động văn phòng sẽ ít đi lại, họ điều khiển và tương tác qua mạng xã hội, người ta sẽ ít thuê văn phòng với chi phí cao nữa. Thay vào đó, các giá trị về nghỉ dưỡng, định cư gắn liền với thiên nhiên sông nước và cảnh quan là nhu cầu thật của con người và nó là nhu cầu cốt lõi.
Bởi vậy, những chính sách đặt ra đối với các khu đô thị mới này cần có cơ chế thông thoáng hơn, như: Thời hạn thuê đất được kéo dài thêm 100 năm; Cần có chính quyền đô thị riêng để giải quyết các thủ tục hành chính cho mỗi một khu đô thị, để tránh quá tải trong việc quản lý thủ tục hành chính tập trung; Việc có chính quyền đô thị riêng sẽ đẩy nhanh giải quyết các thủ tục hành chính và giá trị tài sản thuê đất của nhà đầu tư được giữ vững theo thời gian thuê.
Đô thị sinh thái là gợi ý tốt cho các thành phố. Ảnh: Shutterstock. |
Về mặt xã hội cần tính toán gì để đảm bảo các đô thị ven sông có đóng góp tốt về mặt cảnh quan đô thị, chất lượng sống, và bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương?
Trong cơ cấu bố trí dân cư cần có thành phần dân cư thu nhập thấp và trung bình. Đây là nơi người dân được tái định cư và tạo công ăn việc làm tại nơi họ sinh sống khi họ bị thu hồi đất và giải phóng mặt bằng. Trong đó, ngoài chính sách tái định cư, chủ đầu tư cần có chính sách thỏa thuận giá đền bù đảm bảo tính hợp lý theo nguyên tắc thị trường, đôi bên cùng có lợi.
Còn kinh tế đêm, du lịch đường sông có vai trò như thế nào tới sự phát triển của đô thị ven sông?
Các nhà hàng sông nước về đêm, phố thương mại, ẩm thực, biểu diễn âm nhạc đường phố... là yếu tố du lịch cần có trong các đô thị dọc sông nước. Nó sẽ góp phần tạo nên bản sắc văn hóa phong phú cho các đô thị. Du lịch đường sông kết nối với các điểm du lịch sinh thái còn góp phần nâng cao các giá trị đời sống tinh thần của người dân trong khu đô thị
Vậy, một kế hoạch phát triển đô thị ven sông nên được tính toán trong quãng thời gian bao lâu?
Thời gian cho 1 khu đô thị cần có tầm nhìn định hướng cho 100 năm.
Theo ông, khi phát triển các đô thị ven sông, cần chú ý điều gì để các khu này không chỉ là mảng vá đẹp của Hà Nội, TP.HCM hay “bóp” các dòng sông nhỏ hẹp hơn lại?
Theo tôi, chúng ta cần tôn trọng các diện tích sông rạch hiện hữu. Việc đề xuất một không gian quy hoạch mới cần có tính tích hợp với các không gian hiện hữu (không gian sông nước, không gian các công trình cao tầng...). Cần nhớ rằng, các yếu tố cây xanh và sông nước là giá trị cốt lõi của tự nhiên để hình thành không gian sống bền vững.