Chiều 23/7, Bộ Công thương tổ chức họp với các thương nhân đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu về tình hình cung ứng xăng dầu 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
Cung ứng đủ xăng dầu
Thông tin tại cuộc họp, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết: "Sản xuất tại 2 Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn đạt 6,87 triệu tấn, tương đương khoảng 8,3 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023.".
Về nhập khẩu 6 tháng, theo số liệu Tổng cục Hải quan cung cấp, đạt 5,54 triệu tấn (tương đương khoảng 6,9 triệu m3 tấn), tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước tại cuộc họp về cung ứng xăng dầu, chiều 23/7. |
"Sở dĩ nhập khẩu xăng dầu tăng do từ tháng 4 năm 2024, nhà máy Lọc dầu Dung Quất tạm dừng sản xuất để bảo dưỡng, các thương nhân tăng nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung", ông Chinh nói..
Như vậy, từ dữ liệu báo cáo của 2 nhà máy và Tổng cục Hải quan, tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu xăng dầu 6 tháng đầu năm đạt 12,41 triệu tấn, tương đương khoảng 15,2 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Trong đó: nhập khẩu chiếm 44,5%, sản xuất trong nước chiếm 55,5%.
Trong khi đó, theo báo cáo từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, tổng nguồn nhập khẩu và mua trong nước thực hiện 6 tháng đạt 13,8 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, bằng 48% tổng nguồn tối thiểu Bộ Công thương phân giao, giảm 0,28% so với cùng kỳ 2023 (Cùng kỳ 2023 đạt 14,2 triệu m3/tấn xăng dầu các loại).
Tổng lượng tiêu thụ 6 tháng đạt khoảng 13,2 triệu m3 tấn (bình quân tiêu thụ khoảng 2,2 triệu m3/tấn/tháng xăng dầu các loại), giảm khoảng 0,2 % so với 6 tháng đầu năm 2023. Tồn kho thời điểm 30/6/2024 khoảng 1,85 triệu m3/tấn tương đương cùng kỳ.
Lượng xăng dầu đã đáp ứng được đúng theo nguồn cung được phân giao cũng như nhu cầu sử dụng trong 6 tháng đầu năm theo kế hoạch.
Trong 7 tháng đầu năm 2024 (tính đến kỳ điều hành ngày 18/7/2024), các mặt hàng xăng dầu đã qua 29 kỳ điều chỉnh giá, trong đó mặt hàng xăng RON 95 có 16 lần tăng và 13 lần giảm, mặt hàng dầu diesel 14 lần tăng, 15 lần giảm và dầu madut có 18 lần tăng và 11 lần giảm.
Tác động của điều chỉnh giá bán xăng dầu lên tình hình kinh tế xã hội 6 tháng qua không có đột biến, không phải sử dụng đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu để bình ổn giá.
Tiêu thụ xăng dầu 6 tháng cuối năm 13,2 triệum3/ tấn
Năm 2024, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được Bộ Công Thương phân giao cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (36 thương nhân) thực hiện là 28.437.856 m3/tấn xăng dầu các loại. Trong đó: xăng dầu mặt đất: bao gồm xăng, diesel, dầu mazut, dầu hỏa: 27.457.817 m3/tấn; nhiên liệu hàng không: bao gồm Jet A1, xăng tàu bay: 980.039 m3).
Vụ Thị trường trong nước cho hay, dự kiến 6 tháng cuối năm 2024, tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu xăng dầu các loại khoảng 12,76 triệu tấn, tương đương khoảng 15,3 triệu m3/tấn.
Trong đó, hai nhà máy lọc dầu trong nước sản xuất ước đạt khoảng 8,26 triệu tấn, tương đương 9,9 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, nhập khẩu khoảng 4,5 triệu tấn (tương đương khoảng 5,4 triệu m3 tấn xăng dầu các loại).
Tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu 6 tháng tới (theo báo cáo của các thương nhân) ước khoảng 13,3 triệu m3/tấn xăng dầu các loại.
Đối với tiêu thụ, ước khoảng 13,2 triệu m3/tấn, bằng mức tiêu thụ nửa đầu năm.
Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước trong thời gian tới, ông Pham Văn Chính cho biết: "Bộ Công thương sẽ chỉ đạo các thương nhân kinh doanh xăng dầu bám sát việc thực hiện tổng nguồn tối thiểu đã được phân giao và kế hoạch đăng ký theo từng quý. Theo dõi sát tình hình thực hiện tổng nguồn tối thiểu của các thương nhân đầu mối, nhất là những thương nhân thực hiện đạt thấp.
Bộ phối hợp chặt chẽ với các Sở Công thương điều tiết, đảm bảo cân đối cung cầu xăng dầu trên từng địa bàn, trường hợp cần thiết điều chuyển tổng nguồn tối thiểu từ các thương nhân không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện cho các thương nhân đầu mối khác nhằm đảm bảo cung cầu trên thị trường.
Song song là thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu theo kế hoạch.
Bộ Công thương đề nghị các thương nhân thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ và của Bộ về các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp; Chủ động sản xuất, nhập khẩu bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường, thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 được phân giao và dự trữ xăng dầu theo quy định.
Các thương nhân được "nhắc nhở" thực hiện nghiêm việc báo cáo kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, mua xăng dầu của các nhà máy Lọc dầu, dự trữ lưu thông…Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo về Bộ để kịp thời có giải pháp xử lý.
"Tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh (từ đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ), trong mọi tình huống phải cung cấp đủ hàng cho cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên. Rà soát, đảm bảo duy trì các điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định", lãnh đạo Bộ Công thương chỉ đạo.