Chữ ký không giống mẫu
8 lô hàng dầu được PV Oil nhập khẩu năm 2015 từ Singapore và Malaysia dẫu có C/O mẫu D được nộp kèm theo, đã không giúp PV Oil được hoàn lại số thuế nhập khẩu ước tính là 39,67 tỷ đồng.
Trong kiến nghị vừa được PV Oil đưa ra đầu năm 2017, đơn vị này cho biết, trong năm 2016 đã liên tục gửi nhiều công văn đề nghị cơ quan hải quan thực hiện hoàn thuế hoặc sớm xác minh C/O của các lô hàng này để thực hiện hoàn thuế theo đúng quy định hiện hành và Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), do các C/O này sắp hết hiệu lực.
Tuy nhiên, tới ngày 21/12/2016, sau hơn 1 năm kể từ ngày nộp hồ sơ C/O mẫu D cho 8 lô hàng nói trên, PV Oil mới nhận được trả lời của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3 với việc từ chối.
Lý do được nêu ra là “C/O thể hiện chữ ký người cấp C/O ở ô số 12 không giống với chữ ký trong danh sách quy định và hoá đơn bên thứ 3 cấp, nhưng không tích dấu vào ô 13, không có thông tin tên và nước của công ty phát hành hoá đơn vào ô số 7”.
“PV Oil đã 2 lần trực tiếp gửi công văn và PV Oil Nhà Bè - đơn vị được PV Oil uỷ quyền trực tiếp gửi công văn và nộp C/O đã 6 lần gửi công văn giải trình và đề nghị cơ quan hải quan xác minh nếu cần thiết để có phản hồi doanh nghiệp trong thời gian C/O còn hiệu lực.
PV Oil nhiều lần cam kết và khẳng định tất cả các lô hàng nêu trên đều đảm bảo hồ sơ hợp pháp và C/O này đủ điều kiện để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt.
- Ông Võ Khánh Hưng, Phó tổng giám đốc PV Oil
Tuy nhiên, PV Oil đã không nhận được bất cứ phản hồi nào và tới sau khi C/O liên quan hết hiệu lực thì mới nhận được công văn từ chối chấp nhận C/O mẫu D với các lý do nêu trên”, ông Võ Khánh Hưng, Phó tổng giám đốc PV Oil nói và cho biết thêm, trên thực tế, ô số 13 ghi “Third country invoicing” theo nguyên bản tiếng Anh đều được hiểu là “hoá đơn do nước thứ 3 cấp” không phải là “bên thứ 3”, nên nhà cung cấp và cơ quan hải quan Singapore đã không thực hiện yêu cầu như lý do Cơ quan hải quan Việt Nam đưa ra.
Theo PV Oil, vấn đề không cho PV Oil hưởng hoàn thuế ở đây là do cách hiểu của cơ quan hải quan nước nhập khẩu với C/O lô hàng trên, nhưng không làm thay đổi cách thực tế hợp pháp của lô hàng hoàn toàn đủ điều kiện để được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định ATIGA.
“PV Oil nhiều lần cam kết và khẳng định tất cả các lô hàng nêu trên đều đảm bảo hồ sơ hợp pháp và C/O này đủ điều kiện để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt. Tuy nhiên cho đến nay, C/O của các lô hàng nhập khẩu năm 2015 đã hết hiệu lực, nhưng cơ quan hải quan vẫn chưa hoàn thuế cho PV Oil”, ông Hưng cho biết trong đơn kiến nghị.
Chậm nộp bản chính
Trong hoạt động nhập khẩu xăng dầu, PV Oil cũng còn rơi vào tình huống chậm nộp bản chính của C/O mẫu D khiến cho doanh nghiệp cũng chưa được hưởng ưu đãi thuế.
Cụ thể với lô hàng dầu diesel xuất xứ Thái Lan được mở tờ khai số 101069309462/A11 ngày 7/10/2016, PV Oil đã có công văn xin nợ C/O. Tới ngày 13/11/2016, doanh nghiệp đã thực hiện nộp bổ sung C/O mẫu D và đã được chấp thuận hồ sơ cũng như được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt và thực hiện hoàn thuế cho lô hàng.
Tuy nhiên, ngày 8/12/2016, PV Oil nhận được yêu cầu phải kê khai nộp thuế bổ sung cho lô hàng nói trên do không được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định ATIGA vì đã không nộp C/O form D tại thời điểm đăng ký tờ khai.
Giải trình của doanh nghiệp về chuyện chậm nộp đã không được chấp thuận. Theo nhận xét của PV Oil, các quy định hiện hành của Bộ Tài chính cho phép “cơ quan hải quan của nước thành viên có thể chấp nhận C/O với điều kiện hàng hoá được nhập khẩu trước khi hết thời hạn hiệu lực của C/O đó”.
“Như vậy yêu cầu xuất trình C/O ngay khi đăng ký tờ khai cho lô hàng để hưởng ưu đãi như công văn 12802/BTC-TCHQ là không thể. Còn nếu chấp nhận chịu phạt chi phí lưu tàu 10 ngày để có C/O, thì chi phí doanh nghiệp bị đội lên cao không chấp nhận được”, PV Oil giải thích trong kiến nghị xin lại 7,04 tỷ đồng tiền thuế đã nộp.
Ngoài các lô hàng nói trên, PV Oil cũng đang quyết tâm đòi lại 57,6 tỷ đồng thuế đã nộp hồi quý III/2016 cho 3 lô hàng nhập khẩu do không có chữ ký của người xuất khẩu trong C/O. giấy chứng nhận xuất xứ C/O.
Theo PV Oil phản hồi, việc không có chữ ký trên là khách quan mà người mua (PV Oil) không thể chi phối, tác động tới việc này.