Có đến hơn 70% doanh nghiệp cơ khí đang thiếu vốn trầm trọng
Năm 2014, giá trị nhập khẩu của ngành cơ khí đã lên tới 26,53 tỷ USD, cao gấp 2 lần so với năm 2013 (15,23 tỷ USD) và mức nhập siêu bình quân 2 năm 2013 - 2014 của ngành cơ khí ở mức 14 tỷ USD/năm.
Theo báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược Phát triển ngành cơ khí Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010, có xét đến năm 2020 tại Hội thảo Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam do Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) tổ chức, rất nhiều mục tiêu đặt ra trong Chiến lược đã không đạt được, hụt rất xa so với mục tiêu.
Cụ thể, mục tiêu của Chiến lược là đến năm 2010, ngành cơ khí đáp ứng được 45 - 50% nhu cầu sản phẩm cơ khí cả nước, nhưng mới hoàn thành hơn 32%. Các chỉ tiêu đối với các phân ngành cơ khí quan trọng như thiết bị toàn bộ, máy động lực, cơ khí phục vụ nông lâm ngư nghiệp, máy công cụ, cơ khí đóng tàu… đều đạt kết quả rất thấp.
Thực tế này cũng được các doanh nghiệp (doanh nghiệp) tham gia Hội thảo chỉ ra rằng, những năm qua, cơ khí Việt Nam mới tập trung cho khâu lắp ráp, mà “bỏ quên” đầu tư bài bản cho các bước quan trọng như thiết kế, chế tạo khuôn mẫu, tạo phôi, gia công cắt gọt, nhiệt luyện, thử nghiệm xuất xưởng.
Ông Nguyễn Chí Sáng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí Việt Nam chỉ ra rằng, Chiến lược Phát triển ngành giai đoạn vừa qua khó tạo ra nền tảng để ngành cơ khí phát triển. Các chính sách đề ra còn chung chung, thiếu tính cụ thể, trong khi thực tế, cái doanh nghiệp cần nhất là chính sách hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ đầu tư, mức độ đầu tư với từng mặt hàng cụ thể chưa đi vào cuộc sống.
Theo ông Sáng, đầu tư phát triển cơ khí muốn hiệu quả, nên phân chia thành 2 khía cạnh: cơ khí hàng hóa vận hành theo cơ chế thị trường và cơ khí hàng hóa phải được Nhà nước hỗ trợ. Khi doanh nghiệp sản xuất được hàng hóa, sản phẩm cơ khí mà thị trường cần, được thị trường chấp nhận, thì không cần Nhà nước thúc giục, họ vẫn làm mọi cách để có vốn đầu tư sản xuất, gia tăng hiệu quả.
Do vậy, trong giai đoạn tới, cần xác định rõ lĩnh vực nào cần có bàn tay hỗ trợ của Nhà nước để doanh nghiệp có thể đầu tư phát triển, bởi nếu không hỗ trợ, doanh nghiệp không thể tự xoay xở được.
Công ty cổ phần Chế tạo thiết bị điện Đông Anh (EEMC) là một trong những doanh nghiệp cơ khí ngành điện có những sản phẩm thiết kế, chế tạo có thị trường tiêu thụ tốt trong những năm qua, nhưng chính ông Trần Văn Quang, Chủ tịch EEMC thừa nhận, ngành cơ khí Việt Nam đang đứng ở bậc rất thấp, trong khi chính sách chung của Nhà nước thì chưa được cụ thể, khiến nhiều chủ trương mới chỉ dừng lại ở khẩu hiệu.
EECM đã chế tạo thành công máy biến áp 220 kV - 250 MVA vận hành an toàn tại Trạm 220 kV Thái Nguyên. Việc chế tạo thành công máy biến áp 220 kV đã làm đối trọng để các công ty nước ngoài bán sản phẩm vào Việt Nam phải giảm giá 20 - 30% khi đấu thầu tại Việt Nam, góp phần giảm nhập siêu cho đất nước.
Tuy nhiên, để làm được như EECM, các doanh nghiệp không nên quá quan tâm đầu tư cho lắp ráp, mà cần đầu tư cho các khâu quan trọng mang tính quyết định hơn như thiết kế, chế tạo khuôn mẫu, tạo phôi, gia công cắt gọt… để làm chủ.
Ở góc độ khác, ông Quang chỉ ra, dung lượng thị trường của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cơ khí hoàn chỉnh còn rất nhỏ, nhưng lại rất đa dạng về chủng loại, nên không đảm bảo quy mô kinh tế, khó thu hút được các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí vì không đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Tại thời điểm này, có đến hơn 70% doanh nghiệp cơ khí đang thiếu vốn trầm trọng. Đại diện một doanh nghiệp tham gia Hội thảo cho rằng, chính sách cho phát triển ngành cơ khí thì có đủ, nhưng chưa đến được với doanh nghiệp. Vấn đề hỗ trợ vốn, hạ tầng, đất đai cũng tương tự như vậy, khi các chủ trương đưa ra chung chung, chưa định lượng doanh nghiệp nào được đầu tư bao nhiêu, trong bao nhiêu năm…, khi có dự án. doanh nghiệp lập hồ sơ lên Ngân hàng Phát triển Việt Nam rồi lại về vì chưa hợp lệ. doanh nghiệp đi lại nhiều, tốn kém, mà cuối cùng vẫn không vay được vốn.
“Không có vốn thì doanh nghiệp không thể đầu tư mở rộng sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ mới, nên năm này qua năm khác, cơ khí Việt Nam vẫn sở hữu công nghệ cũ, lạc hậu, trình độ tụt hậu tới 2 - 3 thế hệ so với các nước trong khu vực”, đại diện doanh nghiệp này cho biết.