Có ít nhất 4 nhà đầu tư "nhòm ngó" mua Vinamotor

Có ít nhất 4 nhà đầu tư đang tỏ rõ quyết tâm mua toàn bộ phần vốn nhà nước hiện có tại Công ty mẹ - Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor - Công ty cổ phần). Danh sách đến thời điểm này bao gồm Vinamco, Thành Công Ninh Bình, TMT và Sacom.
Mặc dù hoạt động lẹt đẹt, song Vinamotor - CTCP đang được nhiều đơn vị muốn mua lại. Ảnh: Đ.T

Mặc dù hoạt động lẹt đẹt, song Vinamotor - CTCP đang được nhiều đơn vị muốn mua lại. Ảnh: Đ.T

Bỗng dưng đắt hàng

Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco) là một trong những cái tên mới nhất vừa có đơn gửi Chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) xin trở thành cổ đông chiến lược của Vinamotor - Công ty cổ phần.

Trong đơn gửi Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, bà Vũ Thị Lan, Giám đốc Vinamco cho biết, họ sẵn sàng đồng hành với Vinamotor - Công ty cổ phần với vai trò là cổ đông chiến lược trong quá trình tái cơ cấu Tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực lắp ráp ô tô và cơ khí công trình này.

Nếu đúng như lời tự giới thiệu của bà Lan, với 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ, Vinamco rõ ràng là nhà đầu tư không phải dạng vừa, dù chỉ có tuổi đời chưa tới 10 năm, trong khi đơn vị mà họ muốn sở hữu là Vinamotor - Công ty cổ phần được thành lập từ năm 1995.

Cần phải nói thêm rằng, Vinamco không phải là cái tên nhiều người biết đến, nhưng nhà đầu tư này sở hữu một thương hiệu khá nổi tiếng trong giới buôn xe ô tô ở Hà Nội, đó là showroom Honda Ô tô Tây Hồ tại 197A - đường Nghi Tàm, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội. Mặc dù vậy, không rõ đây có phải là mũi nhọn kinh doanh hay không, bởi trong danh sách hơn 20 ngành nghề kinh doanh của Vinamco, có cả lĩnh vực kinh doanh khách sạn, nhà hàng, buôn bán giày dép và bất động sản.

Trong đơn đề xuất của mình, Vinamco cũng không cho biết rõ lượng cổ phần mà họ muốn mua từ sở hữu nhà nước tại Vinamotor - Công ty cổ phần, song chắc chắn, họ không góp vốn chỉ để đổi lấy một ghế hội đồng quản trị bình thường.

Vài ngày sau khi Vinamco có đơn đề nghị trên, Công ty cổ phần Thành Công Ninh Bình - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lắp ráp ô tô (thương hiệu Huyndai) cũng đã xin Nhà nước thoái toàn bộ vốn tại Vinamotor cho họ.

Như vậy, để trở thành cổ đông chính tại đây, Vinamco, Thành Công Ninh Bình phải cạnh tranh với hai cái tên khác là Công ty cổ phần Ô tô TMT và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển (Sacom).

Trên thực tế, cuộc đua sở hữu Vinamotor chỉ nóng lên sau khi Chính phủ “bật đèn xanh” cho Bộ GTVT tiến hành thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Vinamotor - đơn vị từng bị ế rất nặng trong đợt IPO công ty mẹ vào tháng 3/2014. Đây được coi là lý do chính dẫn đến việc cổ phiếu Vinamotor đột nhiên đắt hàng.

Cân nhắc phương án đấu giá

Khi chấp nhận bỏ ra gần 1.000 tỷ đồng để mua hơn 97% cổ phần, chắc chắn cả 4 nhà đầu tư này đã thấy tiềm năng phát triển, khả năng sinh lời ngay cả khi kết quả kinh doanh hiện tại của Vinamotor rất kém hấp dẫn.

Được biết, trong suốt lịch sử 40 năm hoạt động, ngoại trừ giai đoạn 1999 - 2001, hoạt động sản xuất - kinh doanh của Vinamotor luôn lẹt đẹt và chưa bao giờ được lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá cao.

Hiện sản phẩm chủ yếu của Vinamotor là các loại ô tô khách, ô tô tải mang thương hiệu Vinamotor và Transinco. Bên cạnh đó, Vinamotor vẫn duy trì hoạt động trong lĩnh vực cơ khí truyền thống, sửa chữa ô tô, máy thi công, sản xuất phụ tùng... Đây đều là những sản phẩm đang vấp phải sự cạnh tranh gay gắt của các đối tác nước ngoài.

Hiện chưa rõ, Bộ GTVT ưng ý “gả bán” Vinamotor cho đối tác nào, nhưng TMT là cái tên có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất, dù tiềm lực chưa hẳn là vượt trội so với các đối thủ còn lại.

Trước đó, vào đầu tháng này, đại hội đồng cổ đông TMT đã thông qua kế hoạch phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu để phục vụ việc mua lại cổ phần của Vinamotor.

Thuyết phục các cổ đông về chủ trương này, Chủ tịch TMT Bùi Văn Hữu cho biết, nếu mua lại cổ phần Vinamotor, TMT sẽ tiến hành tái cấu trúc Vina-motor để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Trong khi đó, đối tác đầu tiên công khai mua lại Vinamotor là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển (Sacom) cũng tỏ rõ quyết tâm trong thương vụ mua bán này. Gần 2 tháng trước, doanh nghiệp này đã chính thức ngỏ lời với Bộ GTVT về việc mua lại tất cả cổ phần của Nhà nước tại đây, khi sẵn sàng chi ra hơn 855 tỷ đồng để mua một lần trên 85 triệu cổ phần tại Vinamotor mà Bộ GTVT đang nắm giữ, với giá mỗi cổ phần 10.000 đồng. Tỷ lệ này tương đương với 97,7% vốn điều lệ mà Nhà nước còn sở hữu sau khi “ông lớn” ngành ô tô quốc doanh chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần từ hơn nửa năm trước.

Sacom cũng rất tự tin khi khẳng định với Bộ GTVT rằng sẽ đưa Vinamotor trở thành đơn vị kinh doanh hiệu quả nếu đề xuất mua lại doanh nghiệp này được chấp thuận.

Việc có đến 4 đơn vị muốn trở thành ông chủ mới tại doanh nghiệp lớn nhất của ngành ô tô quốc doanh được cho là khá bất ngờ, bởi từ đầu năm ngoái, dù Nhà nước chủ trương bán 51% cổ phần tại đây khi cổ phần hoá, nhưng không nhà đầu tư lớn nào quan tâm mua vào. Kết quả là, phiên IPO tháng 3/2014, Tổng công ty chỉ bán được chưa tới 10% trong số 51 triệu cổ phần chào bán.

“Phương án đấu giá phần cổ phiếu Nhà nước tại Vinamotor đang được Bộ GTVT cân nhắc báo cáo Chính phủ”, một lãnh đạo Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) cho biết.

Tin bài liên quan