Những kênh dẫn vốn quan trong được ông Ryu Trento đưa ra là ngân hàng, vay từ cá nhân gia đình, kết hợp với một nhà đầu tư chiến lược và chào bán ra công chúng. Ngoài ra, cùng còn một cách thu hút vốn từ các quỹ đầu tư riêng lẻ.
Theo ông Trento, mỗi kênh sẽ có những thách thức khác nhau. Chẳng hạn, với ngân hàng sẽ là điều khoản chặt chẽ và lãi suất cao, còn kênh gia đình thì không có tính chuyên nghiệp. Kết hợp với một nhà đầu tư chiến lược thì phải lựa chọn, phải rà soát thẩm định kỹ về tất cả góc độ pháp lý cũng như tài chính….
Trong khi đó, chia sẻ kinh nghiệm tạo vốn của công ty mình, ông Phan Lê Hòa, Giám đốc Thị trường vốn và Quan hệ nhà đầu tư, Tập đoàn Novaland cho biết, cấu trúc tài chính của doanh nghiệp khi đi M&A thông thường gồm 2 phần là nợ (debt) chiếm khoảng 75-80% trong cấu trúc và cổ phần (equity) chiếm khoảng 20-25% trong cấu trúc. Về nợ, các phương thức huy động chủ yếu bao gồm phát hành trái phiếu, vay ngân hàng, tổ chức tín dụng. Về cổ phần thì sẽ là huy động vốn qua cổ phần ưu đãi, cổ phần phổ thông theo hình thức phát hành riêng lẻ với nhà đầu tư tổ chức trong nước và nước ngoài, hoặc đại chúng thông qua thị trường chứng khoán.
"Năm 2015, Tập đoàn Novaland đã huy động được 50 triệu USD từ các nhà đầu tư. Năm 2016, chúng tôi sẽ tiếp tục huy động thêm hơn 100 triệu USD qua phát hành riêng lẻ và sau đó niêm yết vào cuối năm 2016”, ông Hòa nói.
Còn ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng giám đốc Công ty TTCS (thuộc Tập đoàn Thành Thành Công) chia sẻ: "M&A là giải pháp căn cơ và hữu hiệu để chúng tôi giải quyết vấn đề của mình. Chúng tôi sáp nhập một công ty đường và mở rộng nguồn nguyên liệu. Ngành đường không được phép đầu tư nhà máy mới nên chúng tôi chỉ có thể nâng cấp nhà máy mới và hướng tới giải pháp M&A để mở rộng vùng nguyên liệu".
Cũng theo ông Ngữ, không chỉ ở Việt Nam, TTCS còn muốn hướng tới thị trường các nước Đông Nam Á. Bàn về câu chuyện "hôn nhân" bền vững sau M&A, ông Ngữ cho rằng, để M&A bền vững, phải tính từ tiền M&A, tức là doanh nghiệp cần phải xác định mục tiêu phát triển như vậy, thì cần tìm đối tác như thế nào cho phù hợp và hạn chế tối đa rủi ro.
“Tất nhiên sẽ có rất nhiều phát sinh, thậm chí xung đột sau M&A, nhưng các bên cần tập trung đồng hóa công tác tổ chức, quản lý theo mục tiêu chung… Khi đó, các bên có thể dễ dàng điều chỉnh những khác biệt”, ông Ngữ nhìn nhận.
Cùng nói về các giải pháp thu hút vốn tại Diễn đàn, đại diện một doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc vừa và nhỏ chia sẻ, những doanh nghiệp dệt may vừa và nhỏ đang rất thiếu vốn để phát triển. Không biết tại diễn đàn này có nhà đầu tư nào quan tâm đến đầu tư vốn cho các doanh nghiệp dệt may không?
Trả lời câu hỏi của doanh nghiệp, ông John Ditty, Phó Tổng giám đốc điều hành, Trưởng Bộ phận Tư vấn Mua bán doanh nghiệp, Công ty KPMG Việt Nam nói rằng, hiện tại có rất nhiều quỹ đầu tư có thể rót vốn cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam. Nếu doanh nghiệp quan tâm đến những nguồn vốn này có thể gặp đại diện của KPMG để được tư vấn cụ thể hơn.