Giải quyết các nút thắt thể chế
Tại Hội thảo “Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023”, PGS.TS. Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhận định, điểm nghẽn lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là nhiều cơ chế quản lý, chính sách pháp luật chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nên ảnh hưởng đến nhiều hoạt động đầu tư, kinh doanh. Chẳng hạn, các dự án bất động sản còn gặp nhiều vướng mắc ở Luật Đất đai, hay đầu tư công còn vướng ở quy trình, thủ tục… Do đó, giải quyết nút thắt thể chế là yếu tố quan trọng để tạo đà thúc đẩy tăng trưởng.
“Một số bất cập trên thị trường đất đai, tài chính, bất động sản, lao động, y tế đã được nhận diện và đang được tiếp cận tháo gỡ... Với những lợi thế này, cơ hội để “vượt điểm nghẽn” trong năm tới là rất lớn”, ông Hùng cho biết.
Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, đồng thời chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan, đơn vị khẩn trương rà soát sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định về đầu tư, đấu thầu để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư, đấu thầu dự án bất động sản. Tại thị trường vốn, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 153/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế…
Mở rộng chính sách tài khoá, thúc đẩy đầu tư công
Lãi suất, tỷ giá đang là điểm nóng của nền kinh tế, tuy nhiên, theo PGS.TS. Hồ Sỹ Hùng, xét trên tổng thể, Ngân hàng Nhà nước đang thể hiện được sự chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, phù hợp tình hình và biến động thực tế.
“Đà phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022 sẽ tạo nền tảng, nguồn lực cho điều hành chính sách năm tới. Lạm phát được kiểm soát tốt tạo điều kiện thích ứng, thận trọng (chứ không phải thắt chặt) chính sách tiền tệ; thâm hụt ngân sách ở mức thấp và thu ngân sách đạt kế hoạch tạo dư địa mở rộng phù hợp chính sách tài khóa... Theo đó, cần duy trì và phát huy ảnh hưởng tích cực của quá trình phục hồi này để tạo quán tính cho nền kinh tế tiếp tục vận hành ổn định”, ông Hùng cho biết.
Thêm nữa, nhiều chương trình, kế hoạch phát triển trung - dài hạn đã được phê duyệt; kế hoạch, hồ sơ giải ngân đầu tư công, quy trình thủ tục đã được chuẩn bị kỹ trong năm 2022; các gói thuộc Chương trình phục hồi và các chương trình mục tiêu quốc gia đã được thông qua, nên có thể triển khai nhanh hơn trong năm tới, tạo tác động nhanh hơn đến nền kinh tế.
Cải thiện môi trường kinh doanh
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ, Nghị quyết 68/2022/QH của Quốc hội đã đưa ra 10 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Trong đó, các nhóm giải pháp cần bám sát những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc.
“Chúng ta cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và cần quan tâm đặc biệt đến sự minh bạch và công bằng, hướng tới chất lượng cao hơn không chỉ đơn thuần là giải quyết các thủ tục hành chính. Sự tham gia này không chỉ của mỗi Nhà nước, mà có trách nhiệm của tất cả các chủ thể. Bản thân doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm, đây là cơ hội, là thời cơ để bứt phá”, ông Phan Đức Hiếu cho biết.
Cùng quan điểm, ông Hùng nhấn mạnh việc cần tận dụng cơ hội để đổi mới. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế vừa qua, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tranh thủ các chính sách hỗ trợ hoặc quãng thời gian điều chỉnh để đổi mới công nghệ, cải tiến sản phẩm, từ đó bứt phá từ sản xuất phân khúc giá trị thấp sang những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao.