Thống kê sơ bộ cho thấy, so với đỉnh 2015 của VN-Index, tính đến thời điểm hiện tại, nhìn chung nhóm cổ phiếu có thị giá thấp nằm trong Top những cổ phiếu giảm giá mạnh nhất. Đứng đầu về mức độ giảm là cổ phiếu VRG của CTCP Khu công nghiệp phát triển đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam đã giảm đến hơn 230%, từ 10.000 đồng/CP xuống còn 3.000 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu có thị giá tương đối cao, mã CCM của CTCP Khoáng sản - Xi măng Cần Thơ cũng ghi nhận mức giảm mạnh từ 49.600 đồng/CP xuống còn 18.100 đồng, tương đương với mức giảm 174% sau 50 phiên giao dịch. Nhóm cổ phiếu khoáng sản ghi nhận mức trượt giá rất lớn, điển hình như cổ phiếu của CTCP Khai thác và Chế biến Khoáng sản Lào Cai (LCM) giảm hơn 100%, từ 4.100 đồng/CP xuống 2.000 đồng/CP.
Nhóm cổ phiếu mang tính đầu cơ như HAI, QBS, GTN, ITQ... cũng ghi nhận mức giảm mạnh từ 50 - 70% so với thời điểm 4/3/2015, trong đó ITQ giảm hơn 118% từ 17.900 đồng/CP xuống còn 8.200 đồng/CP.
Ngoài nhóm cổ phiếu đầu tư, nhiều mã được cho là có nền tảng cơ bản ổn định dành cho hoạt động đầu tư lâu dài cũng ghi nhận mức sụt giảm mạnh như CTCP Thủy sản Hùng Vương (HVG) giảm hơn 37%, GAS giảm 34%; cổ phiếu nhóm chứng khoán như SSI, BVS cũng không nằm ngoài xu hướng thị trường khi ghi nhận mức giảm từ 18% đến 20%.
Trong khi đó, Top những cổ phiếu đi ngược lại với xu hướng giảm của thị trường đều có thị giá rất thấp, hầu hết dưới mệnh giá, cổ phiếu SHN của CTCP Đầu tư tổng hợp Hà Nội ghi nhận tăng gần 46% từ 3.200 đồng/CP lên 6.200 đồng/CP, một số cổ phiếu cũng tăng trên mức 40% như VCX, PMT…
Điều ngạc nhiên là nhóm cổ phiếu có mức tăng cao nhất trên cả ba sàn giao dịch là NNT (tăng 55%), TBD (tăng 53%); KCE (tăng 48%)… là những mã đang đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.
Về căn bản, các chỉ số đã xuống khá thấp so với dự báo trước đó của nhiều CTCK, nhưng việc lựa chọn nhóm cổ phiếu lại dựa vào chiến thuật của từng nhà đầu tư. Nhiều quan điểm cho rằng, nếu như cổ phiếu đầu cơ ghi nhận mức sụt giảm mạnh khi thị trường đi xuống thì khi thị trường tăng trở lại, nhóm cổ phiếu này thường có sức bật nhanh hơn.
Quan sát diễn biến thị trường chỉ từ đầu tháng 5 trở lại đây, những cổ phiếu mang tính đầu cơ như VIX, GTN đã sụt giảm mạnh hơn so với mức giảm chung của thị trường. Nhiều cổ phiếu đầu cơ trượt giá không phanh trong vòng chưa đầy 3 tháng cho cho thấy, việc đầu tư vào nhóm cổ phiếu này dễ gặp rủi ro lớn hơn so với các nhóm cổ phiếu cơ bản (VNM giảm 2,8%, BID giảm 2,7%...). Tuy nhiên, rủi ro cao thường đi kèm với cơ hội lớn với các cổ phiếu đầu cơ khi dòng tiền lớn trở lại tham gia bắt đáy.
Nhiều chuyên gia cho rằng, ở giai đoạn hiện tại, nhà đầu tư nên tính đến việc đầu tư theo chu kỳ kinh doanh của DN, đặc biệt là các DN dự báo kết quả kinh doanh tốt và thường ghi nhận doanh thu lớn trong quý II như các DN ngành xây lắp…
Ngoài ra, giá dầu thô đang trong xu hướng tăng, trong khi nhóm dầu khí bị giảm nhịp theo thị trường nên chiết khấu bị cao hơn so với mặt bằng thị trường chung, vậy nên việc quan tâm đến nhóm cổ phiếu dầu khí khi nhóm này đang có định giá rẻ như hiện tại không phải không đáng quan tâm. Trong khi đó, nhóm ngành chứng khoán, bất động sản đã lặng sóng khá lâu và đã xuống sâu sẽ tiềm ẩn cơ hội cho một đợt sóng đầu cơ mới.