Cơ hội với “điện sạch”

Cơ hội với “điện sạch”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Gần đây, bộ phận tư vấn nhiều CTCK lớn liên tục nhận đề nghị từ các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu... về việc giới thiệu cơ hội mua cổ phần, M&A các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Quản lý cao cấp của một quỹ đầu tư châu Âu mới trở về Việt Nam sau hơn 2 năm làm việc tại Canada chia sẻ, quỹ của cô đã thoái vốn khỏi danh mục đầu tư nhiệt điện than do áp lực của các cổ đông và đang chuyển sang đầu tư năng lượng tái tạo như thủy điện, điện mặt trời, điện gió... Việt Nam đang phát triển khá nóng về “điện sạch” dạng này, do đó trở thành một điểm đến của các quỹ đầu tư.

Ở giai đoạn thế giới nhiều bất ổn như hiện nay, dường như yếu tố lợi nhuận bền vững được đề cao.

Đại diện một số quỹ đầu tư vừa có chuyến tham quan một loạt dự án điện mặt trời ở miền Trung, miền Nam đã tỏ ra không mấy mặn mà khi giám đốc tư vấn một CTCK đưa cho quỹ một bản danh sách dài về nhiệt điện than và giới thiệu cơ hội đầu tư.

Họ không muốn rơi vào cảnh bị nghỉ việc một ngày không xa, giống như các đồng nghiệp phụ trách danh mục đầu tư nhiệt điện than của họ ở một số nước, đang phải đối mặt.

Xu hướng đầu tư vào năng lượng sạch của các nhà đầu tư lớn trên thế giới cũng được Dragon Capital nhắc đến nhiều lần. Có lẽ bởi vậy mà các hội thảo hay diễn đàn gần đây liên quan đến năng lượng sạch thường rất hút khách.

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, đến cuối tháng 8, cả nước đã có 102 dự án điện mặt trời, công suất 6.300 MWp, mức kỷ lục của ngành điện. Việt Nam có nhiều chính sách hấp dẫn nên không chỉ có các công ty tư nhân Việt Nam mà nhiều tập đoàn nước ngoài cũng mạnh tay bỏ vốn vào lĩnh vực này.

Chẳng hạn như một tập đoàn nước ngoài đã đầu tư 286 MW điện mặt trời, bằng một nửa công suất của 100 dự án của họ tại Thái Lan và đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội.

Việc các nhà đầu tư nhân tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và đạt công suất 200% so với quy hoạch điện trong thời gian qua, đã cho thấy khả năng và năng lực xã hội lớn đến nhường nào.

Bởi thế, mục tiêu thu hút vốn đầu tư khoảng 13-15 tỷ USD mỗi năm, từ nay cho đến năm 2030, nhằm đầu tư bổ sung hơn 70.000 MW điện, không phải là bất khả khi.

Tuy nhiên, đây là nguồn vốn lớn, nếu không có cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực xã hội, sẽ không có ngân sách nào đáp ứng nổi. Khi Nhà nước có những chính sách phù hợp, thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia, thị trường vốn cho các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo chắc chắn còn nhiều sôi động.

Do phần lớn các dự án điện mặt trời mới đưa vào phát điện thương mại trong vòng 1 năm trở lại đây, cho nên, thời điểm này, nhà đầu tư mới có nhiều thông tin, nhiều dữ kiện để phân tích, mổ xẻ các cơ hội đầu tư.

Cũng như ở thời điểm này, nhiều doanh nghiệp mới có cơ sở, có báo cáo để triển khai thủ tục niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán tập trung, huy động vốn qua phát hành trái phiếu.

Cơ hội cho nhà đầu tư tổ chức và cá nhân, do vậy, không quá chênh lệch. Đặc biệt, thị giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo ở Việt Nam đang được đánh giá trong ngưỡng khá hấp dẫn so với nhiều nhóm ngành.

Trong tiêu điểm của số báo này, Đầu tư Chứng khoán mang đến cho bạn đọc một bức tranh chiều sâu về hoạt động của các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng sạch, trong mối tương quan với thị trường khu vực và thế giới.

Nhiều thông tin được phân tích và tổng hợp phần nào giúp các nhà đầu tư gạn lọc được cơ hội với kỳ vọng có lợi nhuận bền vững. Một xu hướng đầu tư đồng điệu, đang trở thành khẩu vị của nhiều nhà đầu tư khắp thế giới.

Tin bài liên quan