Chỉ số VN-Index đã có nhiều phiên giảm điểm liên tục, đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu dầu khí và ngân hàng. Ông nhìn nhận thế nào về diễn biến này?
Nhịp giảm điểm mạnh của thị trường trong 2 phiên đầu tuần xuất phát trước hết từ yếu tố kỹ thuật, bắt nguồn từ đợt điều chỉnh của chỉ số VN-Index từ mốc 974,8 điểm. Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn ở mức tiêu cực của chỉ số chung đã ảnh hưởng xấu đến tâm lý của nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh tình trạng margin của thị trường đang tương đối căng. Chính vì thế, thị trường tỏ ra nhạy cảm hơn đối với các thông tin xấu.
Ông Vũ Minh Đức
Việc các cổ phiếu ngân hàng có nhịp giảm mạnh cũng xuất phát từ những lo lắng của một bộ phận nhà đầu tư về khả năng sẽ có thêm một thông tin xấu nào đó. Tuy vậy, yếu tố cơ bản đã thúc đẩy lực cầu giá thấp mạnh mẽ, giúp cho các cổ phiếu như BID, CTG, VCB, VPB phục hồi rất nhanh vào thời điểm cuối phiên ngày 12/12.
Theo ông, đây là hiệu ứng tâm lý ngắn hạn hay là tín hiệu cho một đợt hồi phục trong thời gian tới?
Với tín hiệu bắt đáy mạnh trong phiên 12/12, tâm lý của nhà đầu tư đã được cải thiện theo chiều hướng tích cực hơn. Căn cứ vào các tín hiệu kỹ thuật, trước đó chúng tôi đã dự báo khả năng VN-Index có thể giảm tới ngưỡng 875 - 880 điểm. Thực tế thì chỉ số sàn HOSE chỉ giảm xuống mức thấp nhất là 895,73 điểm trước khi phục hồi lại.
Nếu không có việc SAB và BHN bất ngờ tăng trần sau thông tin khả quan về đợt đấu giá thoái vốn Nhà nước thì có lẽ mục tiêu dự báo của chúng tôi đã đạt được. Do đó, tôi cho rằng, nhiều khả năng thị trường đã tìm thấy điểm cân bằng ngắn hạn.
Năm 2017 sắp qua và các doanh nghiệp niêm yết sắp bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh năm. Liệu có thể kỳ vọng vào một đợt sóng kết quả kinh doanh sắp tới? VN-Index có cơ hội chinh phục mốc 1.000 điểm trong năm nay không, thưa ông?
Tôi cho rằng, tác động của những thông tin tiêu cực đã qua. Thị trường hiện tại đang quan tâm hơn đến việc Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất, ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại như thế nào hay là phiên cuối cùng trong đợt đảo danh mục ETF vào ngày 15/12 tới sẽ tác động tới chiến lược mua và bán ra sao.
Theo số liệu tạm tính của chúng tôi, lợi nhuận và thu nhập trên một cổ phiếu bình quân của các công ty trên sàn HOSE đang thể hiện sự tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2016 với tỷ lệ bình quân gần 20%.
Điều này đã hỗ trợ cho mặt bằng P/E của chỉ số VN-Index giữ ở khoảng 18,5 lần, mặc dù chỉ số đã tăng tới hơn 46% tính theo mức cao nhất từ đầu năm tới nay. Nếu tốc độ tăng trưởng này tiếp tục được duy trì trong năm tới thì nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào một kịch bản lạc quan cho năm 2018.
Nếu cuối tuần này VN-Index đóng cửa trên mốc 930 điểm, cũng có thể hy vọng mốc 1.000 điểm sẽ được chinh phục ngay trong tháng 12 này.
Theo ông, nhóm ngành hay nhóm cổ phiếu nào nhà đầu tư nên quan tâm trong giai đoạn này?
Bên cạnh đà tăng trưởng mạnh về lợi nhuận của nhóm ngân hàng, chứng khoán, hỗ trợ cho việc tăng giá của các cổ phiếu trong ngành thì các ngành như hàng tiêu dùng, tiện ích, công nghiệp, năng lượng, công nghệ cũng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận rất khả quan. Theo đó, các cổ phiếu tiêu biểu trong những ngành này có thể sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của dòng tiền trong thời gian tới.