Trong 12 FTA mà Việt Nam đã tham gia và hoàn tất đàm phán (xem bảng), có 8 FTA đã có hiệu lực, 2 hiệp định đã ký kết, nhưng chưa có hiệu lực, 2 FTA thế hệ mới đã kết thúc đàm phán gồm: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Đây là các FTA thế hệ mới toàn diện, bao gồm: thương mại hàng hóa, dịch vụ, điện tử; phòng vệ thương mại; đầu tư; quy tắc xuất xứ; các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật; thuận lợi hóa hải quan; hàng rào kỹ thuật thương mại; sở hữu trí tuệ; cạnh tranh; mua sắm công; phát triển bền vững; thể chế và pháp lý.
Những lợi ích Việt Nam đạt được khi tham gia các FTA
Một là, các FTA Việt Nam đã tham gia, ký kết tạo hiệu ứng thúc đẩy giá trị thương mại hai chiều. Những mặt hàng được hưởng lợi nhiều từ FTA lớn nhất là dệt may, da giày, gạo, cà phê, thuỷ sản…
Hai là, các FTA tạo hiệu ứng tích cực đến đa dạng hoá mặt hàng xuất khẩu sang thị trường các đối tác. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam (30 nhóm mặt hàng) đều có khả năng hưởng lợi từ các FTA.
Ba là, các FTA tạo hiệu ứng tích cực thúc đẩy cải cách và tái cấu trúc nền kinh tế, đồng thời tạo hiệu ứng tích cực đối với Việt Nam trong cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hoàn thiện môi trường kinh doanh để phát triển nhanh và bền vững.
Bốn là, các FTA có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thông qua sự gia tăng tốc độ xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Năm là, các FTA có tác động tích cực đến nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp và nền kinh tế nhờ vào việc tiếp cận thị trường xuất khẩu có sự ưu đãi về thuế quan, giảm được chi phí các yếu tố đầu vào với giá rẻ hơn theo các điều kiện ưu đãi trong các FTA.
Sáu là, tham gia các FTA song phương và đa phương là một nấc thang quan trọng để Việt Nam bước tiếp lên các nấc thang liên kết và hội nhập quốc tế cao hơn, sâu hơn, trước hết là thực hiện các cam kết trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Cơ hội từ các FTA thế hệ mới
Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, được xem là một trong những nước có nền kinh tế hướng xuất khẩu mạnh mẽ nhất trong khối các nước ASEAN. Đáng chú ý, Việt Nam đã tham gia và hoàn tất đàm phán 12 FTA song phương và đa phương, trong đó có 2 FTA thế hệ mới.
Với việc được xóa bỏ tới trên 99% các loại thuế quan theo các cam kết, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tăng thị phần xuất khẩu. Các ngành dự kiến sẽ được hưởng lợi nhiều là những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam mà một số thị trường đang duy trì thuế quan cao như dệt may, da giày và hàng nông sản.
Về nhập khẩu, các doanh nghiệp sẽ được lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu với giá cả hợp lý, chất lượng tốt và ổn định từ khu vực này. Đặc biệt, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội được tiếp cận với nguồn công nghệ/kỹ thuật cao, với trình độ quản lý/sản xuất hiện đại từ các nước phát triển để nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm.
Thách thức do các FTA mang lại
Thách thức lớn nhất do các FTA mang lại chính là tăng sức ép cạnh tranh cho toàn bộ nền kinh tế quốc gia, khu vực và toàn cầu. Do sức ép cạnh tranh, một số doanh nghiệp sau thời gian chuyển đổi, tái cơ cấu nếu không vươn lên được có thể phải giải thể hoặc phá sản, một bộ phận người lao động sẽ mất việc làm; khu vực nông nghiệp và nông dân dễ bị tổn thương.
Hai là, ưu đãi thuế quan chỉ dành cho các sản phẩm xuất khẩu có xuất xứ nội khối phù hợp. Hiện ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa phát triển, phần lớn nguyên liệu sản xuất của nhiều ngành xuất khẩu của đang được nhập từ Trung Quốc, các nước ASEAN, Hàn Quốc… Do đó, yêu cầu cao về tỷ lệ xuất xứ nội khối trong các FTA là một đòi hỏi không dễ dàng đối với doanh nghiệp Việt Nam nếu muốn được hưởng ưu đãi thuế.
Ba là, áp lực cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ, dịch vụ chất lượng tốt từ các đối thủ cạnh tranh trên chính thị trường nội địa.
Bốn là, khi các hàng rào bảo hộ bị dỡ bỏ, lợi thế tương đối và phân công lao động giữa các nền kinh tế sẽ có sự chuyển dịch, nhất là trong lĩnh vực dệt may, giày dép, điện tử, sản xuất hàng tiêu dùng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, do đây là các lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế, năng lực cạnh tranh cao.
FTA mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất dệt may Việt Nam
Năm là, trong khi các hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ thì các xu hướng bảo hộ mậu dịch mới lại hình thành một cách tinh vi và khó lường hơn. Đặc biệt, với lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm và một số sản phẩm công nghiệp nhẹ, vốn là thế mạnh của Việt Nam, hàng rào bảo hộ không những không bị dỡ bỏ mà còn được đưa vào diện “xem xét” đặc biệt hơn, sẽ là thách thức lớn đối với xuất khẩu.
Sáu là, đối với lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam tham gia AEC và một số hiệp định thương mại tự do đang mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là nông sản trong nước khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ.
Ví dụ: tham gia AEC, Việt Nam có thêm nhiều cơ hội xuất khẩu gạo sang Philippines, Malaysia, Indonesia; rau quả sang Campuchia. Tuy nhiên, quá trình này sẽ nảy sinh những thách thức lớn, tăng sức ép cạnh tranh với nông sản nhập khẩu (Thái Lan, Lào…). Đặc biệt, các loại nông sản xuất khẩu chính của Việt Nam như gạo, cà phê, thủy sản cũng phải cạnh tranh khốc liệt về giá và chất lượng sản phẩm.
Giải pháp phát triển thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa
Thứ nhất, cần quan tâm đến các thị trường nhập khẩu mà hàng hóa Việt Nam có thế mạnh như: nông sản, thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, hàng điện tử.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, đổi mới công tác thông tin thị trường và xúc tiến thương mại. Tăng cường, phổ biến, hướng dẫn, có giải pháp phù hợp hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả tại những thị trường đã thực hiện cam kết trong các hiệp định thương mại.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu thống nhất và quy định về tiêu chuẩn, phương thức kiểm dịch, kiểm tra chất lượng hàng hóa. Công khai hóa tiêu chuẩn áp dụng, đơn vị thực hiện kiểm tra, thời gian và chi phí đối với từng mặt hàng cụ thể.
Thứ tư, chuẩn bị kỹ càng và kịp thời để tận dụng tối đa cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ năm, hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế và cam kết trong các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới, với tinh thần đổi mới toàn diện, đồng bộ cả kinh tế và chính trị.
Thứ sáu, tăng cường giám sát, quản lý trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài; xây dựng chính sách và quản lý đầu tư.
Thứ bảy, hỗ trợ doanh nghiệp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu. Xây dựng vườn ươm doanh nghiệp trọng điểm với quy mô hiện đại để ươm tạo các doanh nghiệp từ nguồn là các hộ kinh doanh, các cá nhân và đào tạo kỹ thuật, tư vấn về năng lực quản trị hoạt động sản xuất - kinh doanh cho các chủ doanh nghiệp.
Liên quan đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), do nguyên tắc đàm phán trong TPP là đàm phán kín, vì vậy khả năng tiếp cận thông tin sớm để từ đó có nghiên cứu, đánh giá tác động (tốt/xấu) đối với từng ngành/lĩnh vực của Việt Nam thường bị chậm (có độ trễ tương đối lớn) so với các quốc gia thành viên khác.
Ngoài ra, nguyên tắc đàm phán TPP là không có trường hợp ngoại lệ (mọi quốc gia thành viên là đều ngồi vào đàm phán ở vị trí như nhau, không có sự phân biệt đối xử, nghĩa vụ và trách nhiệm là giống nhau). Chính ví vậy, đòi hỏi mọi sự chuẩn bị từ các cấp chính quyền, doanh nghiệp phải gấp rút và nhanh chóng hơn.
Một là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho các doanh nghiệp và tất cả các đối tượng tham gia trong chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu và nhân dân thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, hội thảo hội nghị, diễn đàn trao đổi.
Hai là, xác định rõ vai trò chính và rất quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và tham gia vào các khâu có giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu cho hàng hóa xuất khẩu.
Ba là, phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan, các trường đại học nhằm xây dựng hệ thống cơ sở và cập nhật dữ liệu thị trường để từ đó đưa ra những cảnh báo sớm cho doanh nghiệp và các nhà sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu, từ đó đưa gia những giải pháp ứng phó kịp thời.
Bốn là, các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị sẵn sàng khi phải đối mặt với các vụ kiện có thể phát sinh bất kỳ lúc nào. Đặc biệt, lưu ý tới những cam kết mới như: lao động, công đoàn; môi trường; truy xuất nguồn gốc xuất xứ; sở hữu trí tuệ.
Năm là, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, đây là giải pháp gốc rễ cho Việt Nam nhằm thay đổi cấu trúc nền kinh tế. Phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ để không chỉ gia tăng chất lượng, tiêu chuẩn cho hàng hóa mà còn nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.
Sáu là, thay đổi cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng cho mặt hàng xuất khẩu, tăng cường nhập khẩu hàng hóa có chất lượng, nhập khẩu công nghệ nguồn.