Không để lỡ cơ hội vàng
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định nhà nước về sự cần thiết của việc triển khai Dự án Đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành tại phiên họp thứ ba của Hội đồng được tổ chức ở Hà Nội vào cuối tuần trước.
Đây là phiên họp được đánh giá là mang tính quyết định tới việc Dự án có tổng mức đầu tư lên tới 8 tỷ USD có được trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư ngay trong năm nay hay không.
Trên thực tế, dù vẫn phải chờ kết quả kiểm phiếu của 16 thành viên Hội đồng là lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, nhưng nhiều khả năng Báo cáo Đầu tư dự án sẽ nhận được đa số phiếu thuận để có thể trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội xem xét thông qua ngay trong kỳ họp tháng 10/2014.
Như vậy, Sân bay Long Thành về cơ bản đã vượt qua “cửa ải” đầu tiên, dù Báo cáo Đầu tư do Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) lập vẫn còn nhiều hạn chế cần phải chỉnh sửa, khắc phục.
“Báo cáo Đầu tư dự án vẫn chưa thật thoát ý, có tính thuyết phục cao về sự cần thiết phải đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành thay vì tiếp tục mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất và nâng cấp Sân bay quân sự Biên Hòa”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đánh giá.
Cần phải nói thêm rằng, tại phiên họp này, lần đầu tiên, lãnh đạo UBND TP.HCM chính thức khẳng định, địa phương này không thể kham nổi sức ép giao thông trong trường hợp Sân bay Tân Sơn Nhất nới công suất tối đa từ 20 triệu khách hiện nay lên 25 triệu khách.
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín, hiện công suất của Tân Sơn Nhất đã đạt 20 triệu khách. Muốn nâng lên 25 triệu khách, việc mở rộng nhà ga chỉ là điều kiện cần. Còn lại, hạ tầng ngoài Sân bay như giao thông kết nối mới là điều kiện đủ. “Vấn đề không chỉ là Tân Sơn Nhất có còn đất hay không, mà là hạ tầng có đáp ứng được không”, ông nhấn mạnh.
Cụ thể, để đáp ứng việc nới công suất tối đa thêm 5 triệu khách cho Sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM phải đầu tư ít nhất 4 - 5 tỷ USD cho hệ thống giao thông kết nối, như hệ thống đường bộ trên cao, đường sắt đô thị. Bên cạnh đó, do Sân bay Tân Sơn Nhất nằm giữa trung tâm TP.HCM, nên nếu tiếp tục mở rộng công suất, sẽ ảnh hưởng lớn tới việc thực hiện quy hoạch phát triển đô thị khi bị khống chế về tĩnh không, phễu bay.
Điều đáng lưu ý, ông Tín khẳng định rằng, Sân bay Tân Sơn Nhất hiện không chỉ hạn chế về quỹ đất, mà không gian hoạt động bay cũng quá tải, trong khi đây là yếu tố quan trọng đảm bảo an ninh, an toàn hàng không. “TP.HCM ủng hộ việc xây dựng Sân bay Long Thành và đề nghị cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ, để có thể khai thác sân bay ngay sau năm 2020”, ông Tín khẳng định.
Đồng thuận với đại biểu TP.HCM, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu quân đội đồng tình việc mở rộng sân bay không chỉ đơn giản là nhà ga, đường băng, sân đỗ, mà quan trọng hơn cả là không gian. Từng làm phi công chiến đấu thuộc sư đoàn không quân 370, bay trên bầu trời TP.HCM, Biên Hòa, ông Tuấn khẳng định, Sân bay quân sự Biên Hòa và Cảng quốc tế Tân Sơn Nhất không thể đảm bảo yếu tố này.
Báo cáo kém, ACV phải chịu trách nhiệm
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhiều lần tỏ thái độ không hài lòng về chất lượng Báo cáo Đầu tư và yêu cầu ACV cập nhật, bổ sung ý kiến góp ý của đại diện Bộ Quốc phòng, UBND TP.HCM để làm rõ sự cần thiết phải đầu tư Sân bay Long Thành.
“Người giải trình tại Quốc hội về dự án này là Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng hoặc tôi, chỉ một trong hai người. Vì thế, là chủ đầu tư dự án, ACV phải hoàn thiện Báo cáo Đầu tư, hồ sơ dự án thật rõ ràng, mạch lạc và có tính khả thi cao. Để dự án trọng điểm này không được thông qua, ACV phải chịu trách nhiệm trước tiên”, Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.
Cùng với việc làm mạch lạc hơn Báo cáo Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định nhà nước yêu cầu chủ đầu tư cần bổ sung, phân tích căn cứ, điều kiện để Sân bay Long Thành có thể trở thành cảng hàng không trung chuyển quốc tế như mục tiêu đề ra; làm rõ quy mô đầu tư, tính liên thông của hệ thống giao thông kết nối, đặc biệt là từ Sân bay Tân Sơn Nhất tới Sân bay Long Thành.
Về quy mô diện tích xây dựng dự án 5.000 ha, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, chưa có dự án nào mặt bằng thuận lợi như dự án này, bởi hơn một nửa diện tích là trồng cao su của Nhà nước. Riêng phần đất của người dân giải tỏa để phục vụ Dự án, Bộ trưởng yêu cầu cần có chính sách đền bù thỏa đáng, bố trí tái định cư phù hợp để người dân yên tâm và thoải mái khi di dời.
“Hội đồng Thẩm định nhà nước thống nhất với đề xuất của chủ đầu tư về việc kiến nghị Chính phủ, Quốc hội cho phép tách giải phóng mặt bằng thành một tiểu dự án riêng, giao UBND tỉnh Đồng Nai triển khai sớm”, Bộ trưởng Vinh chỉ đạo.
Là dự án rất lớn, nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải chỉ đạo chủ đầu tư trên cơ sở ý kiến góp ý của Hội đồng Thẩm định khẩn trương hoàn thiện Báo cáo Đầu tư dự án và có tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ ngay trong tháng 8 này. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, sẽ có tờ trình trình Thủ tướng ngay sau cuộc họp.
Được biết, tại báo cáo thẩm định lần 4 về Báo cáo Đầu tư dự án - tài liệu phục vụ phiên họp Hội đồng Thẩm định nhà nước lần thứ 3, Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành đã cho rằng, sau khi được bổ sung, chỉnh sửa, Báo cáo Đầu tư dự án đã làm rõ thêm một số vấn đề chính được đề cập trong quá trình thẩm định, về cơ bản đã đáp ứng các nội dung theo quy định ở giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi.