Sự có mặt và thuyết trình của NĐT huyền thoại Marc Faber thu hút sự quan tâm lớn của công chúng đầu tư

Sự có mặt và thuyết trình của NĐT huyền thoại Marc Faber thu hút sự quan tâm lớn của công chúng đầu tư

Cơ hội và tiềm năng đầu tư vào chứng khoán Việt Nam vẫn là số 1

(ĐTCK) TS. Marc Faber, diễn giả chính tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2014 (VIF 2014) diễn ra ngày hôm qua (19/6) tại TP. HCM, cho rằng cơ hội và tiềm năng đầu tư vào chứng khoán Việt Nam vẫn rất tốt, dù những căng thẳng trên biển Đông đang diễn ra.

Quyền lực kinh tế thay đổi

VIF 2014 do Báo Đầu tư phối hợp với CTCK HVS Việt Nam và Công ty Quản lý quỹ Asia Frontier Capital (AFC) tổ chức. Trong phần trình bày của mình, TS. Marc Faber cho rằng, Mỹ và các quốc gia phương Tây đang đối diện với bong bóng tài sản khổng lồ chủ yếu do Mỹ đã bơm rất nhiều tiền vào nền kinh tế. “Cũng như bạn tung những đồng USD vào phòng họp này, giá cả mọi thứ ở đây sẽ tăng lên. Thực tế, phòng này có nhiều cửa nên những đồng USD này sẽ theo đó chảy ra bên ngoài”.

Bong bóng tài sản đã khiến mọi người bị ảo tưởng rằng mình giàu lên, dẫn đến chi tiêu nhiều hơn, thậm chí đi vay để tiêu dùng và điều này được phản ánh qua sự thâm hụt của tài khoản vãng lai. Nhưng tiết kiệm chứ không phải tiêu dùng làm cho kinh tế trở nên thịnh vượng, vì có tiết kiệm mới có đầu tư.

Trong khi các nước phát triển đang phải đối mặt với bong bóng tài sản thì một “thế giới mới” đã nổi lên. Các nền kinh tế mới nổi ngày càng cho thấy tầm quan trọng của mình, dù nơi đây cũng có nhiều vấn đề như đói nghèo, thiếu giáo dục, thiếu nước sạch và sự can thiệp của quyền lực bên ngoài. Marc Faber đã đưa ra nhiều dẫn chứng cho thấy cán cân quyền lực kinh tế đang chuyển từ các nước phát triển sang các nền kinh tế mới nổi.

“Cuối những năm 1960, kinh tế thế giới chủ yếu tập trung ở Mỹ và các nước phương Tây, nhưng 20 - 30 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển đã chậm hơn rất nhiều so với các nền kinh tế mới nổi”, Marc Faber nói và cho biết thêm, trong 20 năm qua, đóng góp của các nước G7 vào kinh tế toàn cầu đã giảm từ 50% xuống còn 30%.

Bên cạnh đó, tỷ trọng xuất khẩu của các quốc gia mới nổi cũng đã tăng từ 50% lên 70%. Sản xuất công nghiệp của các nền kinh tế này ngày càng tăng. Nhu cầu năng lượng, cụ thể là dầu thô, tăng mạnh mẽ, cho thấy nền sản xuất của các nước mới nổi ngày càng lớn. Dân số các nước mới nổi đông cũng là một yếu tố cho thấy tầm quan trọng của các nước này.

Tầm quan trọng của các đồng tiền USD và EUR ngày càng giảm, và theo Marc Faber, sẽ còn tiếp tục giảm. “Đến một lúc nào đó, đồng USD sẽ được thay thế bằng một đồng tiền châu Á”, ông nói. “Tôi đến sống ở châu Á từ năm 1973. Vì sao tôi đến đây? Tôi có một người bạn đời ở đây (Thái Lan) và tôi đặt niềm tin vào sự lớn mạnh của khu vực châu Á”.

Việt Nam vẫn là điểm đến

Marc Faber nói: “TTCK Việt Nam đã tăng 22% trong năm 2013 và tăng thêm 15% đến cuối tháng 4/2014, nhưng gần đây có giảm xuống. Tôi đã đầu tư vào Việt Nam và sẽ còn tiếp tục đầu tư vào đây. Tôi tin những căng thẳng trên biển Đông sẽ được giải quyết bằng biện pháp ngoại giao”.

Không chỉ có chứng khoán mà ngay cả bất động sản Việt Nam cũng đang hứa hẹn nhiều tiềm năng đối với các nhà đầu tư. Trả lời Đầu tư Chứng khoán rằng ông có kế hoạch đầu tư gì mới tại Việt Nam trong thời gian tới không, Marc Faber nói: “Có. Bất động sản”.

Marc Faber cho rằng, các yếu tố cơ bản của nền kinh tế và giá cổ phiếu Việt Nam đang rất tốt. Tín dụng tại Việt Nam sau một thời gian tăng nóng thì nay đã bước vào xu hướng giảm và diễn biến này được Marc Faber cho rằng “phù hợp và lành mạnh”.

Về triển vọng của kinh tế Việt Nam, Marc Faber nói: “Tôi thấy Việt Nam là thị trường có triển vọng nhất trong 10 năm tới, với điều kiện Chính phủ nên giảm bớt can thiệp bằng các biện pháp hành chính vào nền kinh tế. Nhưng tôi cũng thấy Chính phủ Việt Nam đang hành động mạnh mẽ để đẩy nhanh cổ phần hoá và thúc đẩy DN tư nhân phát triển”. Ông nói thêm: “Nếu phải đưa ra lời khuyên cho Việt Nam, tôi sẽ nói rằng sự can thiệp của Chính phủ càng ít càng tốt”.

Ông Thomas Hugger, CEO AFC cho biết, tính chung vốn phân bổ của các quỹ do AFC quản lý vào Việt Nam hiện cao nhất trong số các thị trường cận biên khác.

Theo ông Hugger, môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng tốt hơn, thể hiện qua những nỗ lực tái cấu trúc hệ thống ngân hàng; các chính sách của Chính phủ trong việc hỗ trợ nền kinh tế phục hồi như lãi suất cho vay thấp, giảm thuế cho cá nhân và DN, các gói hỗ trợ cho nhiều lĩnh vực khác nhau và tái cấu trúc các DNNN.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam ngày càng gia tăng. Đặc biệt, Việt Nam đã thu hút được những nhà đầu tư nước ngoài lớn như Intel và Samsung… Điều này sẽ đóng góp vào GDP của Việt Nam và hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu. Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 và những hiệp định thương mại mà Việt Nam sẽ tham gia trong thời gian tới sẽ là cú hích cho nền kinh tế.

Đặc biệt, dự trữ ngoại hối đã tăng, đồng tiền ổn định và nợ đang giảm là điều rất khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài.

Còn ông Don Lam, CEO VinaCapital, bắt đầu phần trình bày của mình rằng: “Tôi được giao để trình bày về chủ đề ‘Việt Nam có phải là điểm đến của dòng vốn quốc tế?’. Câu trả lời của tôi là ‘có’. Tôi sẽ đưa ra những lý do thuyết phục cho câu trả lời này”.

Theo ông Don Lam, những vấn đề xảy ra vài tuần vừa qua, tức những căng thẳng trên biển Đông chỉ là nhất thời. Môi trường còn nhiều tiềm năng và niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn mạnh mẽ. Ông nói: “Chúng tôi vẫn tin vào các yếu tố cơ bản của Việt Nam”.

Ông Don Lam cho rằng, điểm sáng nhất của kinh tế Việt Nam hiện tại đó là khu vực FDI. “Các nhà đầu tư hỏi chúng tôi, kinh tế Việt Nam sắp tới sẽ như thế nào và chúng tôi nói, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn. Vốn FDI cam kết và giải ngân tại Việt Nam vẫn rất mạnh mẽ. Việt Nam nhận được cam kết vốn FDI cao nhất trong khối ASEAN và chỉ sau Trung Quốc ở châu Á. Lưu ý rằng, FDI là tiền kết dính, có tính cam kết lâu dài”.

Về chứng khoán, giá cổ phiếu đã tăng nhưng vẫn thấp hơn so với các thị trường khác trong khu vực. P/E của Việt Nam hiện nay khoảng 13,2 lần, rất hấp dẫn so với mức trung bình 19 lần của khu vực. Nhiều cơ hội đang mở ra từ việc cổ phần hoá các DNNN, trong đó có những DN lớn như Vietnam Airlines, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (Dung Quất), Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Theo ông Don Lam, những lĩnh vực có tính phòng vệ như thực phẩm, nông nghiệp, giáo dục và dược phẩm… thích hợp nhất để đầu tư trong bối cảnh hiện nay. “Đây là những thứ mà ai cũng phải sử dụng trong bất cứ hoàn cảnh nào”.        

Tin bài liên quan