Điều này đã khiến giá chứng khoán tại New Zealand trở nên đắt đỏ hơn so với các thị trường chứng khoán (TTCK) khác trong khu vực.
Các công ty quản lý quỹ từ Henderson Global Investors cho tới Liontrust Asset Management đang tích cực mua vào chứng khoán New Zealand, vốn rất hấp dẫn nhờ giá trị cổ tức cao gần gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu, lợi nhuận tăng mạnh và kỳ vọng Ngân hàng Trung ương New Zealand sẽ cắt giảm lãi suất để duy trì tăng trưởng. Tuy nhiên, với mức trần giao dịch thị trường được giới hạn ở ngưỡng 75 tỷ USD, thấp hơn so với giá trị giao dịch công khai của Tập đoàn Nike, cơ hội trên TTCK New Zealand đang trở nên bị giới hạn hơn, Matthew Goodson, nhà đầu tư có trụ sở tại Auckland cho biết.
“Chúng tôi ghi nhận có một lượng vốn đáng kể chảy ra bên ngoài để đổ vào các cổ phiếu có mức trần lớn hơn, điều có thể thúc đẩy giá trị các loại cổ phiếu này tăng lên các mức cao bất thường. Dòng tiền này làm ngập thị trường và khiến các cổ phiếu trở nên dễ tổn thương hơn. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại”, Goodson nói.
Trong khi đó, theo ước tính của nhà môi giới chứng khoán JBWere, khối ngoại hiện sở hữu khoảng 1/3 số cổ phiếu trên TTCK New Zealand, cao gấp 3 lần so với tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với các cổ phiếu trên TTCK Mỹ. Người quản lý quỹ Liontrust, Mark Williams đang kỳ vọng rằng Ngân hàng trung ương New Zealand sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất cơ bản, vốn đã ở mức thấp kỷ lục 2,25% hiện nay.
Dù New Zealand chỉ chiếm khoảng 0,1% trong Chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI All Country World, song Williams cho biết, ông vẫn bỏ ra khoảng 4,5% tổng vốn đầu tư để rót vào cổ phiếu tại quốc gia này. Tháng 3 vừa qua, ông đã quyết định mua vào cổ phiếu Spark New Zealand Ltd. và Fletcher Building Ltd, khi bị hấp dẫn bởi lợi suất cổ tức cao trên 5%. Spark New Zealand Ltd. là một công ty cung cấp dịch vụ viễn thông tại New Zealand, cũng là thành viên lớn nhất về khối lượng trong thước đo chứng khoán của chỉ số S&P/NZX 50.
Công ty quản lý đầu tư Henderson Global Investors (Anh) dù đã sở hữu cổ phiếu của Spark New Zealand Ltd, song đang cân nhắc việc mua thêm cổ phiếu của Skycity Entertainment, nhà điều hành dịch vụ khách sạn và casino hàng đầu New Zealand.
Giám đốc Henderson Global, Michael Kerley khẳng định: “Thật khó để bỏ qua các công ty có lợi suất cao tại New Zealand. Đây sẽ là thị trường mà chúng tôi tiếp tục để mắt tới”.
Giới quan sát cho rằng, do những hạn chế về mức trần, TTCK New Zealand vẫn chưa phát huy hết tiềm năng vận động của mình. Số lượng các đối tượng bán cổ phiếu trong nước có hạn, trong khi lượng mua từ nước ngoài là rất cao.
Giá trị lợi nhuận/cổ phiếu của chỉ số S&P/NZX 50 được dự báo tăng 9% trong năm nay, cao hơn so với mức dự đoán tăng trưởng 4,9% của Chỉ số tổng hợp chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương MSCI Asia Pacific Index.
Theo số liệu thống kê chính thức của First NZ Capital, khối ngoại sở hữu khoảng 33,5 tỷ NZD (23 tỷ USD) giá trị cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán nước này tính tới ngày 31/12/2015, cao hơn so với mức tương ứng 27,8 tỷ NZD tại thời điểm cuối năm 2014. Trong khi đó, lợi suất cổ tức trung bình trên S&P/NZX 50 là 4,6%, so với mức trung bình 2,7% của MSCI World Index.