ACB là một trong 10 ngân hàng thương mại tại Việt Nam tuyên bố đã hoàn thành triển khai Basel III

ACB là một trong 10 ngân hàng thương mại tại Việt Nam tuyên bố đã hoàn thành triển khai Basel III

Cơ hội và thách thức cho các ngân hàng khi triển khai Basel III

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đến nay, 10 ngân hàng thương mại tại Việt Nam đã tuyên bố hoàn thành triển khai Basel III. Nhiều ngân hàng khác đã ứng dụng một phần yêu cầu của bộ chuẩn mực này, như áp dụng tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản và tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng trong giám sát rủi ro định kỳ.

Điều này cho thấy nỗ lực đáng ghi nhận của các ngân hàng trong việc nâng cấp chất lượng kiểm soát rủi ro, tỷ lệ an toàn vốn và sự ổn định của thị trường tài chính.

10 yêu cầu đáng chú ý của Basel III

So với Basel II, Basel III có nhiều yêu cầu mới và có nhiều ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng. Việc triển khai Basel III đòi hỏi đầu tư nguồn lực lớn cũng như sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía các ngân hàng.

Thứ nhất, chất lượng và giá trị vốn. Basel III nâng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đối với vốn cổ phần lên 4,5% và quy định thêm một mức đệm bảo toàn vốn 2,5%, nâng tổng mức an toàn vốn tối thiểu đối với vốn cổ phần lên 7%. Theo đó, tỷ lệ an toàn vốn cũng tăng lên 10,5% so với mức 8% hiện tại.

Khi các ngân hàng không đáp ứng được tỷ lệ này, các biện pháp giám sát chặt chẽ hơn sẽ được thiết lập, bao gồm hạn chế về việc chia cổ tức từ lợi nhuận để lại. Đây là một động thái quan trọng giúp các ngân hàng có một mức đệm phòng ngừa trước khi vi phạm tỷ lệ an toàn tối thiểu và tạo điều kiện để cơ quan giám sát có đủ thời gian can thiệp trước khi sự kiện đổ vỡ thực sự xảy ra.

Ngoài ra, việc Basel III đưa ra các tỷ lệ an toàn riêng cho vốn cổ phần, vốn cấp 1 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chất lượng và sự lành mạnh của cấu trúc vốn tự có của các ngân hàng, thay vì chỉ quan tâm đến tổng giá trị vốn.

So sánh với Basel III, Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Thông tư 41), chưa có quy định về tỷ lệ theo các cấu phần vốn. Đây là điểm rất cần bổ sung trong thời gian tới nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng vốn trong hệ thống các ngân hàng thương mại.

Thứ hai, yêu cầu đệm vốn phản chu kỳ để gia tăng ổn định vĩ mô. Một vấn đề thường gặp trước đây là trong các chu kỳ kinh tế tăng trưởng nóng, rủi ro hệ thống ngân hàng sẽ có xu hướng tăng lên (do tiêu chuẩn cho vay có phần nới lỏng, tài sản bảo đảm được định giá cao hơn giá trị thực và nhiều vấn đề khác liên quan). Ngược lại, trong chu kỳ kinh tế suy giảm, tín dụng có thể thắt chặt quá mức, làm trầm trọng hơn đà suy giảm kinh tế. Với quy định này, đệm vốn phản chu kỳ sẽ được yêu cầu bổ sung trong giai đoạn tăng trưởng nóng và được giảm hoặc bỏ hoàn toàn trong giai đoạn suy thoái để giảm bớt tính chu kỳ của nền kinh tế.

Điều hành nhịp nhàng chiếc “van” này sẽ giúp các ngân hàng dự trữ đủ vốn trong giai đoạn tăng trưởng nóng và bù đắp sự sụt giảm về vốn trong khủng hoảng. Quy định này đã được nhiều ngân hàng trung ương áp dụng. Độ lớn của đệm vốn có thể tính toán dựa trên cả yếu tố vĩ mô như tăng trưởng tín dụng, GDP và yếu tố cụ thể của từng ngân hàng như hồ sơ rủi ro, kết quả kiểm tra sức chịu đựng. Đây có thể là gợi ý thay thế tốt trong tương lai khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét bỏ việc điều hành tín dụng theo cơ chế room.

Thứ ba, quy định cho phép ghi giảm hoặc chuyển đổi công cụ vốn (như trái phiếu chuyển đổi) thành vốn cổ phần khi định chế tài chính không đáp ứng được tỷ lệ an toàn tối thiểu. Quy định này bổ sung thêm một cơ chế giúp các ngân hàng đảm bảo an toàn khi khủng hoảng.

Thứ tư, điều chỉnh phương pháp tính vốn tiêu chuẩn cho các rủi ro trong Trụ cột 1, bao gồm: rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động, rủi ro tín dụng đối tác và giới thiệu thêm vốn cho rủi ro điều chỉnh giá trị tín dụng. Các điều chỉnh này nhằm nâng cao độ nhạy về ước tính vốn theo rủi ro và khả năng so sánh mức yêu cầu vốn theo hồ sơ rủi ro giữa các ngân hàng. Trong số này, rủi ro điều chỉnh giá tín dụng là một yêu cầu mới chưa được tính đến trong phương pháp ước lượng vốn của Basel II.

Thứ năm, đưa ra các yêu cầu mới chặt chẽ hơn trong sử dụng mô hình nội bộ để ước tính yêu cầu vốn, nổi bật là yêu cầu về kiểm định mô hình, chứng minh ứng dụng của mô hình trong quản trị hàng ngày và đặc biệt là giới hạn sàn (output floor). Theo đó, mức vốn ước tính từ mô hình nội bộ cho tất cả các loại rủi ro sẽ bị giới hạn ở một mức sàn ước tính theo phương pháp tiêu chuẩn của Basel III.

Thứ sáu, Basel III giới thiệu một tỷ lệ mới là tỷ lệ đòn bẩy. Đây được hiểu là một tỷ lệ bổ trợ dựa trên ước tính tỷ lệ vốn cấp 1 trên tổng trạng thái nội và ngoại bảng trước khi điều chỉnh rủi ro. Tỷ lệ đòn bẩy nhằm hạn chế các ngân hàng trong việc sử dụng quá mức các công cụ nợ (cả nội bảng và ngoại bảng) trong khi vẫn duy trì hệ số an toàn vốn tốt. Việc đáp ứng yêu cầu này không phải là vấn đề lớn với các ngân hàng Việt Nam.

Thứ bảy, bổ sung các chỉ tiêu giám sát về an toàn thanh khoản. Dựa trên bài học khủng hoảng 2008, Basel III đã đưa ra hai chỉ số bao gồm: tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản (Liquidity Coverage Ratio - LCR) và tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng (Net Stable Funding Ratio - NSFR). LCR hướng tới mục tiêu thúc đẩy khả năng chống chịu của ngân hàng trước tình huống căng thẳng ngắn hạn, thông qua việc yêu cầu các ngân hàng duy trì nắm giữ đầy đủ tài sản có tính thanh khoản cao để đáp ứng nhu cầu dòng tiền ra ròng trong vòng 30 ngày khủng hoảng.

Cần lưu ý rằng, trong Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Thông tư 22), Ngân hàng Nhà nước đã quy định về tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày khá tương đồng với LCR. Tuy nhiên, hướng dẫn này vẫn có nhiều khác biệt so với Basel III, đặc biệt là quy định về tính toán dòng tiền vào – ra, chưa tính đến yếu tố khủng hoảng.

NSFR hướng tới bổ trợ qua việc khuyến khích các ngân hàng duy trì nguồn vốn huy động ổn định giúp đáp ứng các nhu cầu dòng tiền trong một năm tới. Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung và dài hạn trong Thông tư 22 có ý nghĩa tương đồng với NSFR. Tuy nhiên, NSFR sẽ đánh giá toàn diện hơn về mức độ thanh khoản trung và dài hạn của một ngân hàng, thông qua áp dụng các hệ số nguồn vốn ổn định và hệ số sử dụng vốn ổn định khác nhau cho từng hạng mục tài sản và công nợ.

Thứ tám, nâng cấp quy định về quản lý và đo lường rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng. Đặc biệt, Basel III đã bổ sung quy định về xây dựng mô hình hành vi cho các khoản mục trên bảng cân đối kế toán có đặc tính dòng tiền khác với hợp đồng, như hành vi trả nợ trước hạn, rút tiền trước hạn. Các quy định này giúp cải thiện chất lượng đo lường vốn cho rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng và phản ánh chính xác hơn ảnh hưởng tính chất dòng tiền của các công cụ.

Thứ chín, tăng cường giám sát với trạng thái rủi ro lớn, nhằm giảm thiểu rủi ro tập trung và rủi ro hệ thống giữa các định chế tài chính trên thị trường. Khác với nguyên tắc tính toán rủi ro tập trung hiện tại của Việt Nam hiện đang tập trung vào dư nợ cấp tín dụng, Basel III mở rộng phạm vi tính toán trạng thái rủi ro lớn, bao quát tất cả trạng thái rủi ro phát sinh với đối tác/khách hàng (ngoài dư nợ cấp tín dụng) như trạng thái rủi ro từ giao dịch phái sinh, repo/re-repo… Ngoài ra, định nghĩa khách hàng liên quan theo Basel III cũng có sự cập nhật đáng kể so với quy định hiện tại của Việt Nam.

Theo Thông tư 22, khách hàng liên quan được xác định chủ yếu dựa trên mối quan hệ sở hữu và mối quan hệ nhân thân, trong khi Basel III đã bổ sung thêm tiêu chí dựa trên mối quan hệ lợi ích kinh tế. Theo đó, hai khách hàng có thể được coi là liên quan khi có mối quan hệ kinh tế phụ thuộc trọng yếu, mà không cần có mối quan hệ sở hữu hoặc nhân thân nào. Quy định này có ảnh hưởng lớn đến quản trị rủi ro tập trung của các ngân hàng trong tổng hợp số liệu báo cáo và định hướng cho vay. Ví dụ, một số sản phẩm cho vay chuỗi có thể sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng trước tiên.

Thứ mười, nâng cao kỷ luật thị trường. Bằng cách cải thiện yêu cầu công bố thông tin, Basel III thúc đẩy sự minh bạch lớn hơn về hoạt động quản trị rủi ro của ngân hàng ngoài các tỷ lệ an toàn đơn thuần, qua đó nâng cao sự tín nhiệm và tin cậy cho các đơn vị liên quan tham gia thị trường tài chính. Đặc biệt, Basel III nhấn mạnh vào các quy định về xây dựng khung quản trị kiểm soát rủi ro vững mạnh, bao gồm xây dựng khung quy chế lương thưởng phù hợp tích hợp cả hiệu quả kinh doanh và các kết quả phân tích đánh giá ảnh hưởng của rủi ro trong dài hạn để đảm bảo các đánh giá lương thưởng ngắn hạn và phản ánh được các chi phí rủi ro ước lượng trong dài hạn.

6 ảnh hưởng chính của Basel III

Basel III tăng cường giám sát với trạng thái rủi ro lớn, nhằm giảm thiểu rủi ro tập trung và rủi ro hệ thống giữa các định chế tài chính trên thị trường.

Việc triển khai Basel III là xu thế tất yếu, mang lại cả các cơ hội và thách thức cho các ngân hàng và thị trường tài chính Việt Nam. Sáu ảnh hưởng chính bao gồm:

Một là, tỷ lệ an toàn vốn. Việc ước tính thêm đệm dự phòng vốn và dự phòng vốn phản chu kỳ có ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ an toàn vốn mà các ngân hàng cần đáp ứng, khiến các ngân hàng có nhu cầu tăng vốn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, các tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 và vốn cổ phần có thể không ảnh hưởng lớn đến khả năng tuân thủ, do hiện tại vốn cấp 1 đang chiếm tỷ trọng chủ yếu trong vốn tự có của các ngân hàng Việt Nam.

Hai là, tỷ lệ đòn bẩy dự kiến sẽ không ảnh hưởng lớn, do vốn tự có của ngân hàng Việt Nam chủ yếu là vốn cấp 1 như đã đề cập và trạng thái rủi ro hiện tại thường có giá trị không quá khác biệt với giá trị tài sản có rủi ro (Risk Weighted Assets - RWA). Tỷ lệ đòn bẩy yêu cầu tối thiểu cũng chỉ ở mức 3%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ an toàn vốn yêu cầu.

Ba là, việc tính toán RWA theo các tiêu chuẩn mới sẽ có ảnh hưởng khác nhau đối với các rủi ro hiện hữu. Đơn cử, về rủi ro tín dụng, RWA không thay đổi quá lớn do Basel III không thay đổi cách thức tính, mà chỉ điều chỉnh nhỏ cách phân loại tài sản và xác định hệ số rủi ro. So với Thông tư 41, Basel III đưa ra các ngưỡng hệ số rủi ro nhỏ hơn và đề xuất một số nội dung xác định hệ số rủi ro theo hướng làm giảm hệ số rủi ro cho các khoản mục được đánh giá ít rủi ro hơn hẳn, với điều kiện các ngân hàng có dữ liệu đủ và chính xác để phân loại tài sản.

Liên quan đến rủi ro hoạt động, RWA có xu hướng thấp hơn. Tuy nhiên, liên quan đến rủi ro thị trường và rủi ro tín dụng đối tác, RWA sẽ có sự thay đổi đáng kể và có xu hướng tăng lên do phương pháp tính toán vốn hoàn toàn khác và có độ nhạy với rủi ro cao hơn phương pháp của Basel II. Riêng rủi ro điều chỉnh giá tín dụng là cấu phần phát sinh mới so với Basel II.

Bốn là, trạng thái rủi ro lớn sẽ có ảnh hưởng lớn do được tính tổng hợp từ tất cả các trạng thái và áp dụng cho tất cả các đối tượng khách hàng. Ngoài ra, định nghĩa khách hàng liên quan mở rộng phạm vi đáng kể so với quy định hiện tại.

Năm là, quản lý rủi ro thanh khoản. Basel III sẽ có ảnh hưởng đáng kể về quy định tính toán và lợi nhuận của các ngân hàng (đặc biệt khi ngân hàng phải đáp ứng tỷ lệ nắm giữ tài sản thanh khoản cao nhiều hơn để đáp ứng LCR). Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện tại, do có sự sụt giảm về nhu cầu vay chung của thị trường nên các tỷ lệ an toàn thanh khoản của các ngân hàng tại Việt Nam đều khá tốt. Ngoài ra, các ngân hàng Việt Nam đa phần đều có tỷ lệ huy động từ các nguồn vốn ổn định tương đối cao, nên việc duy trì NSFR trên 100% thường có thể được đáp ứng dễ dàng.

Sáu là, các quy định công bố thông tin và kiểm soát nội bộ mới sẽ có ảnh hưởng lớn tới cấu trúc quản trị và công tác quản lý rủi ro của ngân hàng. Việc điều chỉnh cơ chế lương thưởng đòi hỏi các ngân hàng có sự thay đổi sâu sắc về văn hóa quản trị rủi ro, hệ thống đo lường phân tích dữ liệu và cách thức ra quyết định kinh doanh. Ngoài ra, các yêu cầu công bố thông tin chi tiết và toàn diện của Basel III cũng đòi hỏi các ngân hàng có hệ thống báo cáo và dữ liệu hiệu quả hơn so với trước đây.

Nhìn chung, triển khai Basel III đã và đang mang lại các tín hiệu tích cực đối với việc quản trị rủi ro tại các ngân hàng Việt Nam, là tiền đề mở ra cơ hội nâng hạng thị trường cũng như hợp tác kinh doanh với các đối tác chiến lược nước ngoài trong tương lai. Việc đáp ứng Basel III không chỉ là tính toán triển khai dự án trong ngắn hạn, mà đòi hỏi thay đổi thực chất trong quản trị rủi ro, trong điều hành hàng ngày của các ngân hàng và đòi hỏi đầu tư nghiêm túc về dữ liệu, mô hình phương pháp luận và hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ.

Ghi chú dành cho độc giả:

Quan điểm trong bài báo này là của các tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của tổ chức EY toàn cầu và các thành viên.

Tin bài liên quan