Các đơn vị đón nhận bằng khen của Thủ tướng cho Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam.

Các đơn vị đón nhận bằng khen của Thủ tướng cho Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam.

Cơ hội từ xu hướng phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Thông điệp mà các nhà sản xuất lớn tại Việt Nam đưa ra gần đây cho thấy, nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp có thể tận dụng xu hướng này để thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Heineken Việt Nam, được vinh danh là một trong hai doanh nghiệp bền vững nhất Việt Nam năm 2020 (lĩnh vực sản xuất) trong Chương trình Đánh giá và xếp hạng các doanh nghiệp bền vững Việt Nam 2020, cho biết, đến năm 2025, Công ty đặt mục tiêu không chất thải chôn lấp, 100% nước được bù hoàn và sử dụng 100% năng lượng tái tạo.

Đây là chương trình phát triển bền vững đầy tham vọng. Bởi theo bà Holly Bostock, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao Heineken Việt Nam, Công ty phải liên tục áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn và các sáng kiến phát triển bền vững

Hiện nay, Heineken Việt Nam đang tiếp tục thúc đẩy áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn mang tên RESOLVE (REgenerate – Tái tạo; Share – Chia sẻ; Optimize – Tối ưu hóa; Loop – Tái sử dụng/Tái chế; Virtualize - Số hóa và Exchange - Chuyển đổi).

Từ năm 2019, 5 trong số 6 nhà máy của Công ty đã sử dụng 100% nhiệt năng tái tạo, 100% chai và két bia sau khi ra thị trường đều được thu hồi trở lại về nhà máy, 100% vỏ lon bia có thể tái chế, hơn 2.000 tấn khí thải CO2 cũng được cắt giảm từ việc tối ưu hóa khâu kho vận và phân phối.

Công ty cũng gần như không phát sinh chất thải chôn lấp, bởi 99% chất thải hoặc phụ phẩm đều được tái chế hoặc tái sử dụng.

Với chiến lược và thực thi như trên của Heineken, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có thể tham gia trong chuỗi giá trị của công ty này. Đơn cử, gần như toàn bộ vật liệu bao bì được cung ứng nội địa, với giá trị lên tới gần 5.700 tỷ đồng/năm.

Unilever Việt Nam, một nhà sản xuất lớn khác cũng có tên trong Top 10 doanh nghiệp bền vững Việt Nam năm 2020 cho biết, Tập đoàn đã sử dụng 100% năng lượng tái tạo, giảm 43% lượng nước sử dụng và không có rác thải độc hại trong hệ thống nhà máy tại Việt Nam. 2020 là năm Unilever Việt Nam hoàn thành Kế hoạch phát triển bền vững 10 năm (2010 - 2020) với 3 trụ cột chính, hướng đến mục tiêu tăng trưởng gấp đôi, giảm một nửa tác động đến môi trường, đồng thời gia tăng các tác động tích cực đến cộng đồng xã hội.

Ông Đỗ Thái Vương, đại diện Unilever chia sẻ, phát triển bền vững trong lĩnh vực kinh doanh và sản xuất luôn là trọng tâm mà Ban lãnh đạo Tập đoàn hướng tới và cam kết thực hiện.

Thực tế cho thấy, các chương trình phát triển bền vững của Unilever tạo ra và gia tăng các giá trị tích cực cho cộng đồng, giúp doanh nghiệp duy trì đà tăng trưởng và đóng góp hơn nữa cho đất nước.

Unilever Việt Nam hiện có hơn 1.600 nhân viên trên toàn quốc và gián tiếp tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động thông qua các bên thứ ba, các nhà cung cấp và đại lý phân phối. Khu liên hợp nhà máy của Unilever Việt Nam tại Củ Chi, TP.HCM được đánh giá là một trong những cụm nhà máy vận hành hiệu quả nhất của Unilever toàn cầu.

Việc các nhà sản xuất lớn có xu hướng tập trung cho phát triển bền vững như sử dụng năng lượng tái tạo và giảm thải ra môi trường đang tạo ra thị trường và cơ hội kinh doanh cho nhiều doanh nghiệp.

Đơn cử, một số doanh nghiệp niêm yết mới đây đã tham gia gói chào thầu năng lượng mặt trời áp mái cho các nhà máy của Vinamilk với quy mô lên tới 65 MW.

Một số doanh nghiệp niêm yết mới đây đã tham gia gói chào thầu năng lượng mặt trời áp mái cho các nhà máy của Vinamilk với quy mô lên tới 65 MW

Hay Công ty cổ phần Bao bì Thuận Đức (TDP) cho biết đạt tăng trưởng tốt nhờ thị trường nội địa. Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020 của TDP, 9 tháng đầu năm, Công ty đạt 1.012 tỷ đồng doanh thu, 55 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 30,9% và 52,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo chia sẻ của lãnh đạo doanh nghiệp, sự khởi sắc về hiệu quả kinh doanh là nhờ hoạt động kinh doanh cốt lõi của Công ty tăng trưởng mạnh.

Trong quý III, thị trường kinh doanh nội địa của Công ty đã ổn định trở lại, doanh số bán hàng bao bì nội địa thức ăn chăn nuôi và nông sản tăng trưởng. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu túi siêu thị của Công ty đã khởi sắc trở lại.

Theo thống kê của BMI, bao bì là phân khúc có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất giai đoạn 2011 - 2016 với 10% và tăng trưởng 6,6% vào năm 2018 - 2019.

Phân khúc bao bì nhựa sẽ tiếp tục mức tăng trưởng cao nhờ tỷ lệ tăng trưởng còn cao hơn nữa của các ngành đầu ra, bao gồm thực phẩm và phi thực phẩm.

Trong đó, bao bì nhựa tái chế, trong đó có các sản phẩm túi PP (túi siêu thị) đang là sản phẩm nổi trội và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Tin bài liên quan