Cơ hội từ doanh nghiệp lãi 100 triệu USD

Cơ hội từ doanh nghiệp lãi 100 triệu USD

(ĐTCK) Trong cuộc trao đổi với phóng viên ĐTCK gần đây, khi được hỏi về cơ hội đầu tư trên TTCK Việt Nam, ông Andy Ho, Giám đốc đầu tư của Vinacapital trả lời: “Vẫn là những công ty hàng đầu như Vinamilk, Hòa Phát, GAS… thôi”.

“Quỹ của ông có mua những cổ phiếu này không?”. “Mua chứ, công ty tăng trưởng vài chục phần trăm mỗi năm, quá tốt!”, Andy Ho khẳng định.

Kể từ khi xảy ra căng thẳng trên biển Đông, các nhà đầu tư trong nước tỏ ra thận trọng với TTCK, nhưng nhà đầu tư nước ngoài lại đánh giá cao về cơ hội đầu tư trên thị trường. Sự lạc quan của họ là có cơ sở.

Theo Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam, triển vọng thị trường Việt Nam của HSBC công bố đầu tháng 7, xu hướng các số liệu tồn kho và giá cả của tháng 6 cho thấy, nền kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong nửa sau của năm 2014, với xuất khẩu và sản xuất dẫn đầu. Trong quý II, nền kinh tế mở rộng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi quý I là 4,8%. Cầu nội địa, dù còn trì trệ so với xu hướng trong dài hạn, có khả năng tăng do tăng trưởng tín dụng nhanh hơn và niềm tin của người tiêu dùng dần trở lại.

Theo kết quả khảo sát thị trường về kinh tế vĩ mô 6 tháng cuối năm 2014 của Ngân hàng BIDV với 200 đơn vị (gồm doanh nghiệp, ngân hàng thương mại và các đối tượng khác), kênh đầu tư được ưu tiên lựa chọn theo thứ tự là sản xuất kinh doanh, giữ số điểm cao nhất 3,6 điểm, gửi tiết kiệm và chứng khoán lần lượt xếp sau với số điểm là 3,4 và 3,09 điểm. Vàng, ngoại tệ và bất động sản xếp vị trí cuối cùng.

Cũng theo kết quả khảo sát này, triển vọng hoạt động của doanh nghiệp là khả quan. Trong số doanh nghiệp được hỏi, 50% nói sẽ duy trì quy mô hiện tại, 37,5% có thể mở rộng sản xuất kinh doanh, chỉ 12,5% xem xét khả năng thu hẹp hoạt động.

Sự ổn định của kinh tế vĩ mô là yếu tố quan trọng hỗ trợ TTCK khó giảm sâu. Nhưng với những bất ổn còn tiềm ẩn trong nền kinh tế, sự lựa chọn của nhà đầu tư nước ngoài là những công ty đã chứng tỏ được sự miễn nhiễm với khó khăn chung của nền kinh tế, những công ty hưởng lợi từ tái cơ cấu ngành hay những công ty tăng trưởng nhờ lợi thế khác biệt.

Theo một khảo sát của EViet (công ty tư vấn và quản lý vốn tư nhân), lũy kế 4 quý gần nhất từ quý II/2013 đến hết quý I/2014, trên sàn chứng khoán TP. HCM, có 11 công ty đạt mức lợi nhuận sau thuế tương đương 100 triệu USD. Dẫn đầu là GAS, tiếp theo là VIC, VNM, CTG, BID, VCB, HPG, MBB, STB, PVD và FPT là công ty thứ 11. Số doanh nghiệp sản xuất thuộc các lĩnh vực khác nhau chiếm ngang bằng với các ngân hàng thương mại có mặt trong bảng này. Ngoài những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc thù của ngành dầu khí như GAS và PVD thì sự xuất hiện của doanh nghiệp hoạt động trong ngành cạnh tranh cao như thép là Hòa Phát, hay bất động sản là VIC cho thấy khả năng cạnh tranh thật sự của các doanh nghiệp.

Con số lợi nhuận cao này có thể phản ánh một cái nhìn khá khả quan về sự phát triển của các doanh nghiệp đầu ngành trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn chưa hết những bất ổn.

Mốc lợi nhuận 100 triệu USD không chỉ có ý nghĩa với một doanh nghiệp mà có ý nghĩa với TTCK bởi khi đạt được con số lợi nhuận này là doanh nghiệp Việt Nam đã lọt vào tầm ngắm của nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các quỹ đầu tư lớn, luôn xét đến 2 tiêu chí lợi nhuận và giá trị vốn hóa khi tìm kiếm các địa chỉ đầu tư.             

Tin bài liên quan