Cơ hội thị trường bất động sản ở đâu?

Cơ hội thị trường bất động sản ở đâu?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh hiện tại, lời động viên duy nhất dành cho các doanh nghiệp bất động sản vẫn là phải tiếp tục kiên trì “nhóm lửa trong băng”, đợi những dấu hiệu tốt hơn từ chính sách và nguồn vốn cho thị trường.

Phát biểu tại Diễn đàn Bất động sản mùa Xuân lần III và Lễ Vinh danh thương hiệu Bất động sản dẫn đầu năm 2022 - 2023 do Tạp chí Bất động sản Việt Nam (Reatimes) tổ chức sáng 10/3, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, không ai nghĩ rằng tình hình thị trường bất động sản bất ổn như hiện tại. "Chúng tôi gọi là một năm “họa vô đơn chí” đối với thế giới và Việt Nam", ông Lực nhấn mạnh.

3 làn gió ngược, bao gồm “suy thoái toàn cầu”, “Trung Quốc đóng cửa”, “thị trường tài chính toàn cầu bất ổn” đặt thách thức không chỉ cho thị trường địa ốc mà cả thách thức với tăng trưởng nền kinh tế của năm 2023. Tăng trưởng năm nay dự báo dưới 6%. Để đạt được mục tiêu này, vai trò của thị trường bất động sản rất lớn. Do đó, nếu không có giải pháp cho những cơn gió ngược này, chúng ta sẽ đánh mất khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay. Trong đó, chúng ta phải giải quyết bài toán nguồn vốn, là nút thắt rất lớn trong năm qua và năm nay vẫn còn những rủi ro nhất định.

TS. Cấn Văn Lực phát biểu tại sự kiện.
TS. Cấn Văn Lực phát biểu tại sự kiện.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, có hai rào cản cho sự phát triển của thị trường bất động sản là điểm nghẽn về vốn và điểm nghẽn về cơ chế pháp lý liên quan đến thị trường bất động sản. Vấn đề là giải quyết sớm hay muộn để thị trường bình ổn trở lại.

Ông Lộc cho hay, so với năm 2021 thì năm 2022 đã tăng gần 40% số doanh nghiệp phá sản, giải thể. Tuy nhiên, đây chỉ là bề nổi của tảng băng. Các doanh nghiệp còn lại đang duy trì hoạt động cũng rơi vào cảnh vô cùng khốn đốn, đó mới chính là phần chìm của tảng băng. Vì vậy, cần có sự cải cách mạnh mẽ về thể chế.

TS. Vũ Tiến Lộc phát biểu tại sự kiện.

TS. Vũ Tiến Lộc phát biểu tại sự kiện.

"Theo tôi, đột phá thể chế sẽ dẫn đường cho sự hồi sinh của thị trường bất động sản. Dư địa về cải cách thể chế, về pháp lý là vô tận, cho nên đây là vấn đề lớn nhất cần có sự quan tâm sát sao và kịp thời. Vai trò của Nhà nước trong vấn đề này là rất lớn để có thể tiếp sức sức cho các doanh nghiệp” ông Lộc nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc tháo gỡ cơ chế pháp lý là cách giải quyết trọng tâm vào thời điểm này. Tuy nhiên, cần phải đi sâu hơn vào những giải pháp cụ thể. Từ việc cụ thể hóa quy định rõ đối tượng tiếp cận gói 120.000 tỷ đồng hướng tới nhà ở xã hội – giá rẻ - bình dân, hay những dự án bất động sản đang ở giai đoạn gần hoàn thành nhưng chỉ vì thiếu vốn nên tắc nghẽn, tới việc gỡ khó về việc triển khai dự án mới, nhất là phân khúc nhà ở xã hội.

Hiện nay, Chính phủ đang vận động nhiều doanh nghiệp đăng ký, nhưng Hiệp hội đánh giá vẫn còn nhiều rào cản vướng mắc trong các quy định, đặc biệt là các quy định pháp luật. Để thúc đẩy được loại hình này, rất cần những chính sách cụ thể nhằm tháo gỡ, nhất là về thủ tục hành chính pháp lý.

“Chúng tôi cho rằng, càng sớm ban hành càng tốt để tháo gỡ những điểm nghẽn hiện tại cho các dự án cơ bản hoàn thành thủ tục đã đền bù giải phóng mặt bằng, tức là có đất sạch và cơ bản đã hoàn thành nhưng vẫn còn một chút vướng mắc như cấp phép hay các quy định khác khác, đặc biệt là nghĩa vụ tài chính”, ông Đính nhấn mạnh và cho biết thêm, hiện nay, nhiều dự án chỉ chờ phê duyệt nghĩa vụ tài chính là có thể khởi công ngay.

Đây là một trong những vấn đề đang rất khó khăn mà các địa phương cần xử lý tháo gỡ để kích hoạt nguồn cung, cùng với các hoạt động kinh tế thông qua các dự án bất động sản được khởi công xây dựng hay mở bán.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Trần Quang Trung, Giám đốc Phát triển Kinh doanh OneHousing cho rằng, nhiều phân khúc, trong đó phân khúc bất động sản nhà ở cao cấp vẫn duy trì được sức hút, điều đó cho thấy trong bối cảnh khó khăn, chủ yếu là người giàu vẫn giữ được lượng tiền mặt và thực hiện đầu tư kinh doanh.

Đặc biệt, tại thị trường TP.HCM vừa qua đã đón được dòng khách đầu tư rất lớn từ miền Bắc vào bởi tâm lý người miền Bắc là tích luỹ tài sản. Do đó, dù trong khó khăn thế nào, người miền Bắc vẫn có tiền tích luỹ để tham gia vào các kênh đầu tư. Dòng khách này có xu hướng chọn các sản phẩm chung cư nhà ở có pháp lý bền vững, chủ đầu tư uy tín…Vấn đề còn lại hiện nay có thể coi đây là cuộc chơi thanh lọc.

“Chúng ta không cứu doanh nghiệp bất động sản mà cứu thị trường bất động sản, tạo kênh dòng tiền tốt, sẽ có những doanh nghiệp hoạt động bài bản, thị trường bền vững, giảm đầu cơ ngắn hạn và yếu tố 'tham'”, ông Trung nhấn mạnh.

Tin bài liên quan