Đòi hỏi củng cố và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng sức chống chịu và giảm mức độ dễ bị tổn thương của nền kinh tế vẫn tiếp tục là yêu cầu không thể thiếu.
Những đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, gỡ bỏ rào cản, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nhanh chóng ổn định sản xuất, kinh doanh cũng được tính đến một cách chi tiết... Đặc biệt, các dự án đầu tư công quy mô lớn, quan trọng, có tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội cũng đã được lên lịch làm việc, tháo gỡ vướng mắc để khởi công, triển khai thực hiện ngay...
Thông điệp mà các bộ, ngành, địa phương đưa ra là doanh nghiệp còn thì ngân sách còn, tăng trưởng kinh tế sẽ được bảo đảm đang là hậu thuẫn quan trọng cho các kế hoạch kinh doanh thời... dịch bệnh của nhiều doanh nghiệp.
Nhưng giới chuyên gia kinh tế chờ đợi nhiều hơn trong các động thái chính sách mới mà các bộ, ngành, địa phương đang tiến hành nghiên cứu, xây dựng.
Những sự chậm trễ, thiếu quyết liệt trong thực hiện các kế hoạch tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong những năm gần đây đang ngày càng bộc lộ rõ hệ lụy lớn, đẩy những khó khăn mà nền kinh tế phải đối mặt lên cao hơn khi kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường.
“Phải coi đây là cơ hội hiếm có để chuyển dịch cơ cấu và tập trung thay đổi thể chế”, TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ thẳng thắn.
Trong gần 10 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, một số ngành có tiềm năng lại đóng góp thấp và hầu như không thay đổi, như cung cấp, xử lý nước thải, rác thải (0,5%), thông tin và truyền thông (khoảng 0,7%), tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (hơn 5%), nghệ thuật, vui chơi và giải trí (khoảng 0,6%); hoàn toàn không có thống kê về các ngành mới nổi, đặc trưng của xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ 4, như công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp dữ liệu, hay thương mại điện tử...
Những thay đổi không đáng kể về cơ cấu kinh tế chứng tỏ nền kinh tế nước ta còn kém năng động, chưa thay đổi phù hợp với xu thế mới, điều kiện mới xuất hiện. Đó là chưa kể, chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế không kéo theo sự dịch chuyển tương ứng của lao động.
Độ mở của nền kinh tế đã lớn, lại có tốc độ gia tăng nhanh chóng, mức độ phụ thuộc lớn vào một số thị trường xuất nhập khẩu, nhưng lại mất cân xứng làm cho quan hệ kinh tế đối ngoại trở nên phức tạp hơn; dễ bị tổn thương hơn.
Trong khi đó, sự chia cắt, cát cứ, thiếu kết nối, thiếu bổ sung hợp lý giữa các thành phần kinh tế làm cho khu vực kinh tế trong nước xu hướng hướng nội hơn là hướng ngoại; thụ động hơn là chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Các vùng kinh tế trọng điểm chưa phát huy được vai trò của mình, thậm chí đang có xu hướng suy giảm...
Đòi hỏi củng cố và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng sức chống chịu và giảm mức độ dễ bị tổn thương của nền kinh tế vẫn tiếp tục là yêu cầu không thể thiếu, trên nền tảng đó, đẩy mạnh cải cách, cơ cấu lại mạnh mẽ nền kinh tế và từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Nhưng vào thời điểm này, khi kinh tế thế giới đang vào guồng chuyển dịch mạnh mẽ để tìm cơ hội mới, khi giới kinh doanh buộc phải thay đổi tư duy, tìm cách liên kết để phát triển, thì tốc độ và sự quyết liệt trong thực hiện tái cơ cấu, đổi mới thể chế cần phải được coi là ưu tiên hàng đầu. Các đề xuất, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế ứng phó với dịch bệnh phải được đặt trong đòi hỏi của một nền kinh tế luôn năng động, Nhà nước tạo cơ hội và điều kiện để các ngành, nghề mới, sản phẩm mới, công nghệ mới, quy trình mới, cách làm mới, mô hình kinh doanh mới… xuất hiện và phát triển.